Núi Mò O
Một mình sừng sững một phương trời,
Tên gọi Mò O trải mấy đời
Cỏ biếc mấy chùm thưa thớt mọc
Đá xanh đôi cụm ngẩn ngơ ngồi
Giếng Tiên còn đó, người sao vắng?
Mây mũ chưa tan, cảnh đổi dời!
Cửa Nại, thành Đồ thay vẻ mới
Hỏi thăm núi hỡi bạn cùng ai?
Đó là những lời tâm sự của tác giả dân gian Bình Định đã trao gởi cùng ngọn núi Mò O, một thắng cảnh đẹp của Khu Đông Bình Định.
Nằm ở địa phận thôn Lý Tây và Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, sườn phía bắc thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, núi Mò O lọt thỏm giữa bốn bề ruộng đồng bát ngát. Núi có các tên gọi: Mò O, Ma - ha,Thiên Bút, Mạ Thiên Sơn, Tiên Tỉnh Sơn... Sách Đại Nam Nhất Thống Chí còn chép là Mô Ô… có lẽ do phiên âm tiếng Mò O ra chữ Hán mà thành.
Đi dọc quốc lộ 1, đoạn Phù cát, An Nhơn hay tuyến đường Đập Đá - Nhơn Hạnh, Chợ Gồm - Cát Tiến, hay Gò Găng - An Lợi, du khách đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi từ xa với mỗi hướng là một hình thù khác biệt. (Đặc biệt đứng ở quốc lộ 1, đoạn cách ngã ba Gò Găng chừng 2 km về phía Bắc sẽ thấy núi bấy giờ trông như một Yoni to lớn hợp với tháp Phú Lốc như một Linga trùng khít).
Trước núi là ngọn tháp chàm Phú Lốc
Trong “Đồ Bàn thành ký” [1] của Hoàng Giáp Nguyễn Văn Hiển, có đoạn viết về núi Mò O: “Phía đông thành (Đồ Bàn) bảy dặm có một hòn núi nổi lên sừng sững, miệng núi đụng trời làm thành bức bình phong trấn giữ mặt đông thành, đó là núi Giếng Tiên (Tiên Tỉnh Sơn). Đỉnh núi có giếng đá, do đó thành tên núi. Có tên nữa là núi Mò O (Mô Ô Sơn), lại có tên nữa là núi Mắng Trời (Mạ Thiên Sơn)”. Còn Trong quyển “Nước non Bình Định” [2], trang 104, nhà thơ Quách Tấn mô tả núi Mò O kỹ hơn, như một thắng cảnh tuyệt bích của Bình Định: “Hòn Mò O không cao (345 thước) nằm giữa quận An Nhơn (phía nam) và Phù Cát (phía bắc)".
Có nhiều thầy địa bảo rằng: Hòn Mò O tiếp nhận đến hai sơn mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống. Một từ Chà rang chạy xuống đến đầu thôn Phú Thành (Phù Cát) qua các gò Tân Nghi, Bình Đức, Nghĩa Hoà… thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành “Lưỡng Long Nhập Thủ” nghĩa là hai con rồng vào một cái đầu. Và hòn Mò O là “Đình Tức Long” tức là con rồng dừng lại để thở, rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại.
Cánh đồng lúa An Nhơn dưới chân núi Mò O
Hòn Mò O, nửa đất sỏi, nửa đá dăm, đứng sừng sững giữa cánh đồng rộng. Hình thù cổ quái. Trên đỉnh có một lỗ thủng, ngoài tròn trong vuông, rộng chừng hai thước, sâu trên một thước. Dưới đáy toàn cát trắng. Người địa phương gọi là Giếng Tiên. Do đó núi mệnh danh là Tiên Tỉnh Sơn.
Trên miệng giếng có hai tảng đá hình tam giác cao lớn đứng song song che miệng giếng ở mặt Đông và mặt Tây. Xa trông giống lỗ miệng hả toạc hoạc mà đôi môi nhọn hoắt như một cô gái lăng loàn. Người Tây bảo “núi hả miệng mắng Trời”. Vì vậy núi có tên nữa là Mạ Thiên Sơn.
Hình núi, đứng nơi chùa Thập Tháp ngó xuống thì thấy giống như lá buồm. Chùa lấy núi làm tiền án. Và đối với địa cuộc của chùa, núi chịu triều phục, nên dáng trông hiền lành, lễ độ. Nhưng nếu đứng ngoài vùng Phù Cát ngó vô thì thật ngạo nghễ, hung tợn. Lưng chơm chởm đá dăm như lưng nhím, miệng mồm há hốc như con gấu heo toan vồ mồi. Nếu đứng hướng Đông nhìn lên thì là một ông phật ngồi, hai đùi giãn, hai chân thòng, bụng phơi ra, mặt ngó xuống bảy hòn thổ sơn ở Chánh Mẫn (Phù Cát). Còn đứng lối Đập Đá trông ra, thì không hiền cũng không dữ, có thể ví với một con mãnh hổ nằm ngó mông.
Không ai hiểu vì sao núi lại mang tên Mò O, vì trên núi và quanh vùng không hề có khóm mò o nào cả. Trái lại ở sườn phía đông và phía nam có một thứ chè gọi là chè tóc tiên, hương vị rất đượm. Và thứ đá dăm ở sườn phía bắc là thứ đá hoa thạch anh, hình lục giác, bát giác… trông óng ánh nhiều màu. Người ta bảo rằng đá chịu gió Bấc lâu đời sẽ thành ngọc kim cương. Nên thỉnh thoảng có khách đeo chiếc cẩm nang không đáy, đi vào núi”.
Núi Mò O bây giờ không khác mấy so với những gì nhà thơ Quách Tấn miêu tả, chỉ khác là đường sá chạy dọc ngang các xóm làng quanh núi giờ đã được bê tông hoá, thuận tiện cho việc du sơn ngoạn thuỷ của du khách. Trước kia, đến được chân núi là cả một vấn đề, vì đường đầy bùn đất, lầy lội, xe đạp đi cũng đã khó khăn, có đoạn phải vác lên vai mới qua được. Thời đánh Mỹ, có một đồn nguỵ đóng trên chóp núi, mỗi lần tiếp tế lương thực, nước uống, giặc phải dùng máy bay trực thăng mới mang lên được.
Mò O thanh bình. Ảnh chụp vợ chồng maithin với vợ chồng nhà văn Lê Hoài Lương chiều 1.5.2017
Ngày nay, đường lên núi Mò O tuy có lối mòn, nhưng còn khó đi. Dân địa phương thỉnh thoảng có lên săn bắn, chặt củi, chẻ đá làm nhà… nhưng đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, nghiêm cấm vì ý thức bảo vệ danh lam.
Nguồn: Làng ven thành, Mai Thìn, NXB Khoa học xã hội, 2015.
http://maithin.vnweblogs.com
[1] In trong cuốn Bình Định Hán văn trích diễm của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch phiên âm, dịch nghĩa, Nxb VHDT 2008.
[2] Nxb Thanh Niên, 1999
Nhận xét
Đăng nhận xét