Chùa Thập Tháp Di Đà
Chùa Thập Tháp Di Đà tọa lạc ở Vạn Thuận, P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định. Theo quốc lộ I từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi, qua khỏi Đập Đá, đến cầu Vạn Thuận, có con đường bên trái khoảng 200m dẫn vào chùa.
Tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tính, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự.
Chùa tổ đình Thập Tháp Di Đà gắn với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Nhiều tư liệu ngày nay cho biết Ngài họ Tạ, tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648), năm 19 tuổi xuất gia ỏ chùa Báo Tự.
Năm 1677, Ngài theo thuyền buôn của người Trung Quốc đến phủ Quy Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28 km, dựng thảo am thờ Phật A Di Đà. Năm 1683, chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ dựng lên ngôi chùa.
Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ… Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.
Chùa Thập Tháp nằm sát phía bắc thành Đồ Bàn, sau gọi là thành Hoàng Đế vì vua Nguyễn Nhạc đóng đô ở đây, trên một ngọn đồi, chu vi gần 1km, xưa gọi là núi Long Bích Cương. Trước mặt là ngọn Thiên Bút Sơn hay còn gọi là núi Mò O, ngọn núi che chắn mặt chính của chùa. Sau lưng được bao bọc bởi chi lưu sông Côn. Phía bắc là sông Quai Vạc, xưa gọi là sông Bàn Khê. Đối diện với chùa là hồ sen rộng 500m vuông, bờ xây bằng đá ong. Vào năm 1680 chùa được xây dựng qui mô.
Đến nay, qua nhiều lần trùng tu, chùa Thập Tháp vẫn giữ được không gian riêng vốn được tạo bởi lối kiến trúc cổ. Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ "Thập Tháp". Câu đối được đề cả hai mặt trong ngoài trụ biểu do hòa thượng Bích Liên ngẫu hứng sáng tác trong một đêm trăng ngắm hoa sen, tâm trí khoáng đạt mênh mang. Phía trước dạt dào cùng trời đất bao la:
Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong
(Mây trắng lững lờ vươn núi biếc
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong)
Phía sau ngẫm ngợi về không gian đạo pháp:
Nhất cảnh địa đăng A Bệ Bạt
Lục thời thiên vũ Mạn Đà La
(Một nẻo vị lên A Bệ Bạt
Sáu thời trời rưới Mạn Đà La)
Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.
Toàn cảnh chùa
Cổng chùa
Chùa xây theo kiểu chữ “Khẩu”, chia thành bốn khu vực: Chính Điện, Phương Trượng, Tây Đường, Đông Đường. Các khu vực nối liền với nhau bằng một khoảng sân bên trong, gọi là sân Thiên Đỉnh (Giếng Trời).
Chính Điện là khu bề thế nhất, gồm 5 gian bằng gỗ, có 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Chính Điện lợp bằng ngói âm dương, mái thẳng.
Chính điện xưa 1989
Chánh điện nay
Phật điện được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nan; khám thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai gian hai bên điện Phật; hai vách tả hữu đặt tượng Thập Bát La Lán, tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Hầu hết các tượng thờ đều được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889).
Tam Thế Phật
Hộ pháp
Bộ Thập bát La hán thế kỷ 19
Bức hoành phi “Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự” treo giữa cửa chính Chính điện là do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) sắc ban, hòa thượng Tổ Ấn – Mật Hoằng trùng khắc lại vào năm 1821, Minh Mạng thứ nhất. Đợt trùng tu 1995 – 1999, thượng tọa Truyền Như đã cúng hai bức hoành “Phật nhật tăng huy” và “Pháp luân thường chuyển”.
Phía sau chính điện có tấm bia ghi bài minh Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876.
Chuông trống to lớn được đặt ở hai đầu hành lang. Đại Hồng Chung ra đời từ năm 1893 (Thành Thái thứ 5), do hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành đúc tạo. Đại Hồng Chung xưa ở chùa Thập Tháp rất lớn, gấp đôi Đại Hồng Chung hiện tại, mỗi lúc sư cụ thỉnh, tiếng vang 3 huyện. Nhưng trong loạn lạc của chiến tranh, nông dân lật đổ phong kiến, người đương thời khiêng chuông qua sông, nặng quá thả rơi xuống vực Bến Gỗ. Tương truyền, ngày rằm, mùng một, tiếng chuông còn ngân nga lan tỏa cả một quãng sông dài. Những ai tích thiện lâu ngày, dọn mình nghiêm cẩn, có thể có duyên với việc nghe hồi chuông giải tỏa phiền não.
Nhà phương trượng nằm sau ngôi chính điện do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà Tổ ở phía Nam, nối ngôi chính điện và nhà phương trượng, thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều và chư vị trụ trì, chư Tăng quá cố và chư Phật tử quá vãng.
Nhà phương trượng
Hoa viên trước Nhà phương trượng
Đối diện nhà Tổ là giảng đường, ở đây có bảng gỗ ghi bài "Thập Tháp Tự Chí" do Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn Võ Khắc Triển soạn năm 1928, ghi lại lịch sử khai sáng, quá trình xây dựng và truyền thừa của ngôi tổ đình Thập Tháp.
Chùa Thập Tháp là nơi hiện tồn nhiều cổ vật giá trị. Các tượng Phật, Bồ Tát, A La hán, Chuông, Trống, Khánh, Bảng, Mõ, hoành phi, liễn đối, ngai thờ, các bài Ký minh, Chí… đều có lịch sử lâu đời, lưu truyền qua bao thế kỷ. Nhà chùa còn giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh. Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp hoa khóa chú… là những bộ kinh còn trong ván khắc. Bộ Địa Tạng kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn được 1.200 quyển gồm Kinh, Luật, Luận và Ngữ Lục
Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng.
Vườn tháp
Hòa thượng Thích Kế Châu
Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.
CÁC DANH TĂNG TRỤ TRÌ VÀ HỌC ĐẠO
16 đời truyền thừa:
Tổ Sư Siêu Bạch – Hoán Bích – Nguyên Thiều,
Tổ Đạo Nguyên – Tánh Đề,
Tổ Minh Giác – Kỳ Phương,
Tổ Thật Kiến – Liễu Triệt,
Tổ Tế Đoan – Hạo Nhiên,
Hoa Nghiêm Pháp sư Tế Trí – Hữu Phỉ,
Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhựt,
Hòa thượng Đạt Lượng – Hưng Long,
Hòa thượng Đạt Khoan – Chánh An,
Hòa thượng Đạt Thuyên – Nhựt Chánh,
Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý,
Tăng cang Hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành,
Tăng cang Quốc sư Hòa thượng Chơn Luận – Phước Huệ,
Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu,
Hòa thượng Không Tín – Kế Châu.
Trụ trì hiện nay : TT. Thích Viên Định.
Hai vị danh tăng – quốc sư:
Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728)
Là Tổ khai sơn chùa Thập Tháp – người có công lớn trong sứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ XVII.
Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, Thiền sư họ Tạ tự Hoán Bích pháp danh Siêu Bạch (Nguyên Thiều), người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh, Quảng Đông; năm 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao Khoáng Viên. Năm Ất Tỵ (1665), niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (tức đời chúa Nguyễn Phúc Tần năm thứ mười bảy), Sư đi theo tàu buôn sang An Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp, mở trường truyền dạy. “Ngài là bậc Danh tăng trong thiền giới Phật Giáo Nam Hà dưới thời các chúa Nguyễn vì Ngài là vị Tổ đầu tiên truyền phái Lâm Tế ở Nam Hà”(1). Sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Đàng trong đầu tiên; dưới Sư một đời, có các sư Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri và các đệ tử nối tiếp truyền bá tông phái Lâm Tế vào tận phương Nam.
Ngày 19–10–1728 (niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê), ngài viên tịch, thọ tám mươi mốt tuổi. Đệ tử và Tể quan thọ giới đồng xây tháp ở bên đồi nhỏ, xóm Thuận Hóa làng Dương Xuân Thượng, làm lễ nhập tháp để hương hỏa tôn thờ. Trước lúc viên tịch, ngài để lại bài kệ sau về triết lý vô thường:
Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
(Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không).
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
(Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không).
Đại ý bài kệ này tổ sư muốn khai thị cho chúng ta biết được bản thể pháp thân vốn thanh tịnh sáng suốt như bức gương sáng sạch, không bị bụi nhơ như viên minh châu trong sáng bóng ngời, tuy hiện tiền sự sự vật vật luôn có sai khác, nhưng đều là bản thể pháp thân biểu hiện, bản thể pháp thân thường thanh tịnh vắng lặng, không có một vật gì mà không chẳng phải là không, tức là lý “Chơn không diệu hữu”.
Hiến Tông Hoàng đế ban cho tổ sư thụy hiệu “Hạnh Đoan thiền sư” và truy tán cho bài minh để tán dương đức độ và công hạnh của tổ sư. Nội dung bài minh như sau:
Ưu ư bát nhã
Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật
Trạm tịch cô kiên
Trác tập khả tật
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật
Biến phú từ vân
Phổ chiếu huệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi
Thái sơn ngật ngật.
Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật
Trạm tịch cô kiên
Trác tập khả tật
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật
Biến phú từ vân
Phổ chiếu huệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi
Thái sơn ngật ngật.
Bài này ý nói tổ sư Siêu Bạch là bậc thánh tăng hiện thân của trí tuệ trang nghiêm thanh tịnh, sự xuất hiện và ra đi của ngài rất tự tại như trăng nước, giới đức vững vàng chắc chắn, bởi quán thân giả tạm vô thường, bằng thuyết pháp lợi vật như mây từ, ngài đồ sộ như núi Thái Sơn vươn cao chất ngất.
Theo tiểu sử trên không nói đến năm sinh và năm thị tịch chỉ có năm lập chùa Thập Tháp – là năm Ất Tỵ (1665) đời Thái Tông Hoàng đế, trú thế 81 tuổi. Sau khi viên tịch được Hiển Tông Hoàng đế ban thụy hiệu và một bài minh.
Hiện nay tại tổ đình Thập Tháp thờ long vị của tổ sư ghi rằng: “Từ Lâm Tế chánh tôn tam thập tam thế Quốc Ân đường thượng Thọ hạ Tôn húy Nguyên Thiều lão hào thượng liện tọa”. Ở chùa Giác Lâm Gia Định (Sài Gòn) thờ long vị tổ sư ghi rằng: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng Lâm Tế chánh tông tam thập tam thế thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch lão tổ hòa thượng giác linh”. Long vị chùa Quốc Ân: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng tam thập tam thế húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn lão hòa thượng mạo tọa”. Đến đây chúng ta có thể xác định tổ sư được truyền thọ của hai dòng kệ trong thiền phái Lâm Tế và là người thắp lên ngọn đèn chánh pháp cho Phật giáo Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVII đến nay.
Quốc sư Phước Huệ (1869 – 1945)
Vào thời hiện đại, tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ (1869 – 1945). “… Là một vị Thiền sư nổi tiếng bác thông kinh luận. Chùa Thập Tháp thời đó là một đạo tràng nổi tiếng và Tăng sinh nhiều tỉnh đã tìm tới tham học”.
Thiền sư tên là Nguyễn Tấn Giao, quê quán xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Thập Tháp, theo học với các Thiền sư Châu Long chùa Tịnh Lâm (Phù Cát) và Thiền sư Luật Truyền chùa Từ Quang (Phú Yên). Bước đường hoằng pháp của Thiền sư bắt đầu từ năm 1894 khi nhận làm trụ trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định). Năm 1901, Thiền sư được triều đình Huế (vua Thành Thái) ban giới đao độ điệp làm Tăng Cang chùa Thập Tháp. Năm 1908, ngài được mời ra kinh đô Huế làm chủ lễ cho một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm, lại được thỉnh vào Hoàng Cung giảng pháp cho vua, quan cùng hoàng gia. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều từng được nghe Thiền sư giảng kinh, bấy giờ danh hiệu Quốc sư đã được tôn xưng. Năm 1920, trong ý hướng nhằm đào tạo Tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chánh pháp, Thiền sư Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Và chính trong thời gian này, hai vị danh Tăng của đất Huế là Thiền sư Mật Khế (1904 – 1935) và Thiền sư Đôn Hậu (1904 – 1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học. Từ năm 1930 – 1937, Quốc sư Phước Huệ thường xuyên ra kinh đô Huế để giảng dạy Phật pháp cho các lớp cao đẳng, trung đẳng ở các chùa Trúc Lâm, Tường Vân, Tây Thiên. Trong số các Tăng sĩ từng theo học với Quốc sư, đáng chú ý nhất là Thiền sư Mật Thể (1912 – 1961) tác giả sách “Việt Nam Phật giáo sử lược”(2), cuốn sử Phật giáo Việt Nam đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được biên soạn có hệ thống và công phu. Sách này được Quốc sư đề tựa, bằng Hán văn; đoạn đầu viết: “Giữa mùa xuân năm Quý Mùi, Pháp sư Mật Thể vào Nam thăm, lấy trong tay áo bản thảo cuốn Việt Nam Phật giáo sử viết bằng Quốc văn đưa cho tôi mà nói: “Đây là công trình sưu tầm biên khảo nhiều năm của con, xin Hòa thượng đọc và chứng minh cho”. Tôi tiếp nhận bản thảo mà đọc. Mỗi khi đêm vắng dưới ngọn đèn khói cao, cầm bản thảo nơi tay tôi tự nói một mình là Pháp sư tuy đã theo học với tôi trong nhiều năm nhưng tôi chưa biết được hết chí hướng và nguyện vọng của ông… ” (Nguyễn Lang dịch, Sđd, tr 186).
Từ năm 1938, với cương vị là Đốc giáo của Phật học đường cấp Trung đẳng do Hội Phật học Bình Định tổ chức tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn), Quốc sư Phước Huệ đã đóng góp nhiều cho công tác đào tạo Tăng tài. Các Thiền sư Thiện Hòa (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973) cũng từng theo học tại đây.
Thiền sư Thiện Hoa có nhắc lại kỷ niệm giữa Quốc sư Phước Huệ với Thiền sư Khánh Hòa (1877-1947); qua đó giúp chúng ta thấy được phần nào trí huệ “bác thông kinh luận” của Quốc sư. Đây là lời thuật lại của Thiền sư Khánh Hòa: “….Tôi đã ba năm nghiên cứu bộ Thành Duy Thức Luận mà như người đi vào rừng rậm không tìm được lối ra, Đến năm Đinh Mão, nhờ Ban tổ chức trường hương chùa Long Khánh (Quy Nhơn) mời tôi làm Pháp sư, tôi được may mắn gặp Hòa thượng Thập Tháp. Tôi thuật lại sự khó khăn trong việc nghiên cứu Thành Duy Thức Luận của mình. Hòa thượng Thập Tháp nghe xong liền đem biếu tôi quyển “Đại thừa bá pháp minh môn luận chuế ngôn” và nói : “Tôi xin biếu Ngài một cái chìa khóa để mở kho Duy Thức. Người nghiên cứu Duy Thức mà trước không đọc luận này thì cũng như người gỡ nùi tơ rối mà không tìm được mối. Vậy Ngài nên đọc quyển luận này cho kỹ rồi nghiên cứu thành Duy Thức, Ngài sẽ thấy dễ dàng…”.
Nhiều danh tăng được học Phật pháp tại chùa Thập Tháp, nhất là với Quốc sư Thích Phước Huệ như: Thiền sư Mật Khế (1904 – 1935), Thiền sư Đôn Hậu (1904 – 1993), Thích Trí Thủ (1909 – 1984) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học; Pháp sư Mật Thể, Sư bà Thích Nữ Diệu Không học thầy Phước Huệ ở Huế… Đóng góp lớn lao của Quốc sư Phước Huệ ở lãnh vực giảng dạy, đào tạo lớp hậu học, đúng như nhận xét của tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 3): “Khả năng giáo hóa của Thiền sư Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” nghĩa là con ngựa ngàn dặm của Phật pháp”.
Nhuận Nghi
-----------------------------------------------------------------------------------------------(1) Theo văn bia ở chùa Quốc Ấn, Nam Giao Huế.
(2) Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1943
CÂU CHUYỆN BÊN LỀ
Hòn đá oán hờn
Chuyện kể rằng, hơn 200 năm trước đây, khi chúa
Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế, liền sau đó ông ta đã mở cuộc trả
thù tàn khốc, nơi máu đổ đầu rơi nhiều nhất chính là chốn kinh đô xưa.
Lúc
ấy, Nguyễn Ánh chiêu dụ những người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn ra đầu
thú với lời hứa hẹn sẽ không trả thù; ai bị trọng tội thì hình phạt cao
nhất là đày vào miền Nam khai khẩn đất mới; ai có tài sẽ được trọng
dụng.
Để tránh phải sống chui lủi “ngoài vòng
pháp luật”, rất đông người có quan hệ dòng tộc với nhà Tây Sơn ra trình
diện. Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Ánh trở mặt nuốt lời, mang ra chém đầu
bất kể già trẻ lớn bé “những kẻ thù xưa” rồi chôn tập thể.
Đao
phủ của Nguyễn Ánh kỳ công đi khắp các vùng, rồi tìm được một hòn đá
lớn màu trắng tinh khôi mang về dùng để kê đầu các nạn nhân. Tảng đá ấy
được đặt ngay cổng thành Hoàng Đế, quân lính và đao phủ đưa nạn nhân lên
đó mà chém. Hàng trăm kiếp người đã từ giã cõi đời trên hòn đá này, nỗi
oán hờn của người dân với bạo chúa chất cao như núi.
Nỗi
oan khất, đau đớn của hàng trăm người như lặn vào tảng đá kia khiến sau
đó, khi đã xong nhiệm vụ hành hình, dù bao nhiêu quân lính cũng không
thể nhích hòn đá ấy rời khỏi chỗ đã giết những người vô tội.
Truyền
thuyết kể lại rằng, hàng đêm người ta nghe trong tảng đá vẳng ra tiếng
than khóc ai oán, người dân và cả quan quân nhà Nguyễn Ánh không ai dám
đi ngang nơi cổng thành.
Dân gian thêu dệt
nên câu chuyện, cứ đêm đêm hòn đá lại lăn lông lốc từ cửa kinh thành đến
đập vào cửa nhà từng viên quan có chức sắc, từ hòn đá phát ra lời đòi
mạng thống thiết. Cả vùng bất ổn, không chỉ những quan lại trong triều
mà người dân sống quanh thành (nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn)
cũng sống không yên. Quan lại sợ hãi, lập đàn cầu siêu giải oan nhưng
đâu lại vào đấy.
Một ngày nọ, vị cao tăng trụ
trì chùa Thập Tháp đến thành xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan
khuất tày trời, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng. Mừng như
bắt được vàng, quan quân trong triều đón tiếp vị sư rất long trọng.
Sau
3 ngày đêm kinh kệ, vị sư xin được mang hòn đá kia về chùa Thập Tháp.
Kỳ lạ thay, lúc này chỉ cần 4 người khiêng nhưng hòn đá được chuyển đi
nhẹ tênh, khác với việc trước đó cả trăm quân lính hè nhau di chuyển đi
mà đá không nhúc nhích.
Các
vị sư trong chùa kể lại, hòn đá được mang về đặt cạnh cây thị cổ thụ
300 năm tuổi nằm phía Nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là
Hòn Đá Chém. Thế nhưng đã về đến cửa Phật mà nỗi oan khiên trong Hòn Đá
Chém vẫn còn vất vưởng.
Hòn đá chém
200 năm đã trôi qua,
Hòn Đá Chém vẫn còn yên vị ngay cửa khu Phương Trượng của chùa Thập
Tháp, cao khoảng 40cm, dài 1,5m, rộng 1,3m, 4 góc được đẽo 4 nét hoa văn
đơn giản nhưng trải qua bao nhiêu vết bụi của thời gian, những hòn đá
vẫn giữ được màu trắng sáng tuyệt đẹp của loại đá trắng không tì vết.
Nếu
không được kể chuyện về nó, thoạt trông không ai có thể ngờ trong hòn
đá hiền hậu kia đã chứa biết bao nỗi oan khuất của hàng trăm mạng người
là nạn nhân của bạo chúa Nguyễn Ánh ngày xưa.
Hòn đá chứng nhân lịch sử, lại gắn liền với nhiều truyền thuyết như thế nhưng không được thờ cúng, nay giản dị làm một bậc tam cấp cho người ta bước chân qua. Những nhà sư trong triều cho biết, oan khuất rồi cũng đã đi qua.
Ngày xưa khi dời hòn đá từ cổng kinh
thành về chùa, người ta cũng chỉ có mục đích mong mỏi lớn nhất là làm
dịu đi những oán hờn của người oan trái chứ không có mục đích dời hòn đá
về đây làm vật thờ cúng.
Đá lại trở về với
công dụng của đá, ngày ngày du khách bước chân qua để nhớ lại bài học
ngày xưa bạo chúa Nguyễn Ánh vì nuốt lời tàn độc nên cuối cùng đã phải
trả giá đắt khi vương triều lụn bại, phải nhận một cái chết tức tưởi và
bị lịch sử muôn đời coi như đối tượng “rước voi về giày mả tổ”.
Hòn đá oán hờn ngày xưa nay thành hòn đá hiền hòa, thành hòn đá xinh đẹp, thành hòn đá nâng niu bước chân du khách.
Hạt lúa khổng lồ
Trong quá trình viếng chùa, chúng tôi được nhà sư Mật Hạnh kể cho nghe nhiều câu chuyện ly kì xung quanh chùa Thập Tháp, mà mở đầu là chuyện Hạt lúa khổng lồ. Đây là hạt lúa mà cổ tích Việt Nam đã ghi nhận.
Tương truyền, sau khi xây dựng chùa Thập Tháp, Thiền sư Nguyên Thiều ngày càng thu nhận nhiều đệ tử về đây quy y cửa Phật. “Có thực mới vực được đạo”, để các đệ tử nhà chùa có lương thực sinh sống hàng ngày, đủ sức khỏe đi hành đạo, Thiền sư Nguyên thiều mang về từ Trung Quốc một hạt lúa giống khổng lồ tự động từ nhà chùa lăn ra ngoài đồng. Không cần bón phân, không cần chăm sóc, thời gian trôi qua, hạt giống tự nảy mầm rồi lớn lên vùn vụt, rồi trổ bông, đơm gié.
Đến mùa hạ thì lúa vừa chín tới. Mỗi vụ, năng suất của hạt giống lúa khổng lồ không cho nhiều, chỉ vừa đủ cung ứng lương thực cho các sư trong chùa và thừa ra một ít để nhà chùa bố thí cho những người dân nghèo khổ sinh sống quanh vùng. Những hạt lúa được sinh ra cũng khổng lồ như hạt giống ban đầu. Mỗi người chỉ cần một hạt lúa là đủ lương thực ăn cho cả tháng trời. Chất lượng gạo rất tốt, bóc vỏ ra là thấy hạt gạo trắng tinh, nấu lên có mùi thơm dịu như nếp tháng 10. Đến khi lúa chín, các nhà sư cũng không phải còng lưng ra gặt rồi kĩu kịt gánh lúa về chùa như nông dân bây giờ. Các nhà sư chỉ cần quét dọn sân chùa thật sạch sẽ, tinh tươm để đón những hạt lúa từ ngoài đồng tự động lăn về.
Thấy hạt lúa nhà chùa quá huyền nhiệm, đến vụ lúa chín, nhiều kẻ tham lam trong vùng đang đêm kéo ra ruộng chùa trộm vài hạt vác về nhà. Về đến nhà kẻ tham lam, hạt giống lúa liền mất đi tính tự lăn ra đồng, sinh trưởng, tự trổ bông đơm gié và khi chín tự lăn về nhà như ở ruộng nhà chùa. Đến vụ, những kẻ tham lam kia phải khiêng giống ra thả ngoài ruộng rồi chờ trong hi vọng sẽ giàu to vì mai này lúa sẽ vào đầy bồ. Nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra, hạt giống của nhà chùa trong ruộng kẻ tham lam cứ trơ ra như hòn đá tảng rồi cứ thối dần trong mưa nắng. Thậm chí, những kẻ giàu có trong vùng nổi máu tham, giả làm kẻ bần hàn đến xin nhà chùa bố thí, vác được hạt lúa về đến nhà mướt mồ hôi nhưng khi vừa đặt xuống sàn, chua kịp mừng rỡ thì hạt lúa tự nhiên biến thành tro bụi bay vào trong gió. Vì thế, lúa của nhà chùa chỉ có các nhà sư trồng để tự cung ứng chứ không truyền ra bên ngoài được.
Ruộng lúa trước chùa
Trong vụ lúa chín năm ấy, một nhà sư được giao trách nhiệm quét dọn sạch sẽ sân chùa Thập Tháp để nghinh đón những hạt lúa lăn về bỗng lơ là, tắc trách. Khi những hạt lúa lăn từ ngoài đồng về, thấy sân chưa được quét dọn sạch sẽ, toàn bộ những hạt lúa nổi cơn hờn dỗi lăn ra khỏi chùa. Nhà sư trẻ vừa sợ không gánh nổi trách nhiệm, vừa tức giận các hạt lúa liền đuổi theo dùng cán chổi quất túi bụi vào những hạt lúa, vừa đập vừa quát tháo cho hả giận. Đến khi cơn tam bành lắng dịu, nhìn lại thì nhà sư trẻ thấy cả những hạt lúa chưa bị “đòn” cũng tự động nát vụn, những mảnh gạo đổ trắng từ sân chùa ra đến đường đi. Khi ấy, Thiền sư Nguyên Thiều bước ra, không một lời quở trách mà lại nhẹ nhàng thuyết giảng sâu sắc với nụ cười độ lượng về lẽ sinh diệt, chân tướng và giả tướng: “Không phải lỗi tại con. Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tàn thì diệt. Những gì mình thấy ở trước mặt không phải là thực thể mà là giả tướng. Thấy đó không phải là thật có, không còn thấy đó không phải là thật không. Hãy đi gọi người đem thúng đến xúc gạo!”. Từ ấy giống lúa mất. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa này rất trân trọng.
Nhà sư Mật Hạnh nói: “Năm 11 tuổi, khi tôi mới vào quy y tại chùa Thập Tháp đã được nghe ngài Huệ Chiếu kể cho nghe chuyện Hạt lúa khổng lồ rồi. Khi quân Pháp chiếm đóng Bình Định, nghe dân gian truyền tụng tại chùa Thập Tháp có một vỏ lúa to lớn lạ thường, liền rủ nhau đến xem. Không tin vào mắt mình, người Pháp ngỡ ngàng thán phục rồi nổi máu thực dân có ý chiếm đoạt. Nhưng khi họ lấy tay đụng đến, vỏ lúa lập tức tan tành thành bụi trấu bay vung vãi vào mặt bọn thực dân rồi bay về trời. Từ đó, hạt lúa khổng lồ ở chùa Thập Tháp chỉ còn trong những chuyện kể mà thôi!”.
Phi Vũ
http://goterest.com/place/binh-dinh/chua-thap-thap Mời anh khám phá ảnh 3D chùa Thập Tháp tại đây. Nếu anh quan tâm tới các hình ảnh 3D của Bình Định, hãy liên hệ với tôi qua mail anhtt.startup@gmail.com nhé :)
Trả lờiXóa