Bên bờ sông Côn - Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa
Theo một câu ca xưa cho thấy đất Phú Phong, thị trấn của huyện Tây Sơn, Bình Định, từ lâu nó đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa:
Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa
Gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm
Đất Phú Phong ngày xưa gọi là Cây Cốc. Còn vùng Định Quang, Định Bình của huyện Vĩnh Thạnh bây giờ, ngày xưa gọi là Cây Dừa. Cách gọi nầy là cách dân gian gọi theo tên cái Chợ có ở trong vùng. Chợ tại mỗi địa phương hồi ấy không nhóm họp hằng ngày như bây giờ. Chợ ngày xưa chia nhau nhóm theo phiên, nghĩa là chợ họp đúng ngày đã định trong tháng. Tên những chợ phiên phải luôn nằm trên đầu môi của cư dân. Phải biết và nhớ phiên chợ, hòng để đúng ngày mang sản phẩm đến đó bán, hoặc đến để sắm sửa những vật dụng, thức ăn cần thiết.
Đất ruộng trên Cây Dừa cấy lúa quanh năm, hẳn nhiên là màu mỡ. Nhưng chắc chắn không thể thẳng cánh cò bay như ở dưới vùng hạ bạn. Có thể hình dung được đây là vùng đất mới khai phá, cư dân chưa đông. Cho nên canh tác thường tập trung vào cây lương thực, là cây ngắn ngày cung cấp cái ăn trước mắt, một tập quán canh tác của thời mở đất lên nguồn. Thu nhập chính ở đây, người dân trông cậy vào lâm thổ sản. Thời vương triều Nguyễn, nơi đây là đầu mối giao thương của nguồn Phương Kiệu, thủ sở nguồn đặt trên An Khê. Xa xưa về trước nữa, nguồn đã cung cấp một thổ sản độc đáo, cả nước biết tiếng, người Tây dương khi cập cảng Nước Mặn cũng chỉ mong có nó để đưa lên tàu sớm rời bến. Đó là Trầu nguồn. Ngoài Trầu cau, nguồn Phương Kiệu còn cung cấp Măng le, là thổ sản hiện diện trong một câu ca của Bình Định:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên
Còn Phú Phong - Cây Cốc, là nơi đặt thủ sở của nguồn Lộc Đỗng. Là nơi mà nhánh nguồn sông Kut trong Kiền Kiền, Đồng Hươu chảy ra gặp được nhánh sông Kon trên nguồn Phương Kiệu, Vĩnh Thạnh chảy xuống. Gặp nhau ngay chỗ cầu Phú Phong bây giờ, quãng km42 + 500m trên QL19. Sông Kut còn gọi là sông Đá Hàng, nó làm ranh giới thiên nhiên cho làng Trinh Tường bên kia sông thuộc tổng Vĩnh Thạnh, làng Phú Phong bên nầy sông thuộc tổng Phú Phong. Các làng Trinh Tường, Phú Phong, Xuân Hòa, An Xuân… cùng Phú Lạc, Kiên Mỹ, Thuận Nghĩa, Dõng Hòa... là những làng đã có cư dân định cư lâu đời. Thành thử đất soi ngày xưa dọc bờ sông Côn nơi đây đã đủ điều kiện trồng dâu để nuôi tằm, cung cấp cái mặc cho quanh vùng. Thời chúa Nguyễn tức là khoảng thế kỷ thứ 18, theo cuốn Hành Trình Đến Madagascar & Đông Ấn (A Voyage to Madagascar and the East Indies), ấn hành năm 1792 tại London, thương nhân nước ngoài đến cảng thị Nước Mặn ở Tuy Phước hiện giờ, không những họ bốc lên tàu trầu cau, mà còn mua tơ sống, lụa lãnh từ trên sông Côn đưa xuống.
Nghề nuôi tằm ươm tơ dệt lụa, ngày xưa nó cực nhọc trăm bề. Nỗi khó nhọc, vất vả của công việc từ lúc hái được lá dâu cho đến khi có được né kén, những công đoạn luôn đòi hỏi sự thúc ép thời vụ, thời gian… chúng đã ngốn biết bao là công sức của người làm nghề. Tục ngữ xưa từng có câu “Làm ruộng ăn cơm nằm, Chăn tằm ăn cơm đứng”. Phải đứng mà ăn, không đủ thảnh thơi mà ngồi ăn, đã nói lên nỗi vất vả của việc làm ra sợi tơ, mảnh vải. Thế thì với câu “Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa / Gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm”, không phải là nó chỉ ám chỉ việc dầm mưa dãi nắng ngoài đồng của gái Cây Dừa, so sánh với việc gái Phú Phong ăn trắng mặc trơn ở trong mát, nó đã nói lên sự phân công lao động của xã hội một cách tự nhiên. Nơi thì tạo ra cái ăn, nơi thì tạo ra cái mặc, phù hợp điều kiện kinh tế của từng vùng, từng thời.
Từ đây cũng thấy thêm một điều không kém phần quan trọng. Chỗ nhánh sông Kon và nhánh sông Kut gặp nhau, chưa hiểu vì sao nước ở đây mà đem ươm tơ thì cho ra sợi tơ thật tốt. Chưa nói là xuống đến lỵ sở phủ An Nhơn cũ, nước sông Côn còn giúp cho cư dân ở An Thái, tại đây người Minh hương đã làm được một sản phẩm, chỉ làm được ở đây mà không làm được ở nơi nào khác. Đó là loại bún 2 sợi dính sóng đôi vói nhau, gọi là bún Song thằng 双 繩 (Thằng, theo Hán ngữ nghĩa là sợi, là dây).
Phân xưởng dệt nhà máy Delignon Phú Phong
Hồi đầu thế kỷ 20, năm 1903, máy kéo sợi đầu tiên bằng hơi nước được đặt thử nghiệm ở Phú Phong. Đến năm 1911, người Pháp nhanh chóng lập xưởng dệt tại đây, Công ty Delignon (Établissements L. Delignon) được thành lập, thu hút lao động, mở rộng vùng canh tác trồng dâu lên tận trên An Khê.
Người Pháp lập xưởng dệt ở Phú Phong, sau cũng chuyển cả buồng tằm ngoài lỵ sở Bình Định lên đây, hẳn là trông cậy vào tay nghề từng có của dân địa phương, và không thể không có sự trông cậy vào đặc điểm vốn có của nước sông Côn trong việc ươm tơ, giặt sợi. Thời Pháp thuộc, xưởng dệt Delignon quy mô chỉ kém nhà máy dệt Nam Định ngoài Bắc. Xưởng Delignon hồi ấy nằm ở vị trí từ cầu Phú Phong bây giờ, chạy xuống tới ngả ba QL19 với đường Bùi Thị Xuân, quây bọc ra tới đình Phú Phong ngoài sông Côn. Dễ chừng cả 10ha. Nó tồn tại tới năm 1945, và sau xưởng hoàn toàn bị tiêu hủy theo chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh.
Sau năm 1975, Phú Phong cũng có công ty Dâu Tằm Tơ hoạt động. Ngay tại đầu cầu Phú Phong, cũng chính là vị trí xưởng Delignon cũ, công ty cho xây dựng một Khách sạn, kết hợp với Phòng trưng bày sản phẩm. Nhưng với nền kinh tế kế hoạch, không lường được xu thế phát triển của tơ sợi hóa học, không lường hết yêu cầu thị trường tác động lên sản phẩm, lao động, đất đai… cho nên Cty Dâu Tằm Tơ Bình Định đã bỏ chết khách sạn trong hoang tàn. Từ lúc vừa xây xong cho đến tận bây giờ, khách sạn và phòng trưng bày vẫn đìu hiu, hoang phế.
Khách sạn Dâu Tằm Phú Phong trong hoang phế
Bây giờ những hình ảnh “Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa”, hoặc là “Hanh hanh nắng vàng / Trên giòng Côn Giang / Em ngồi giặt sợi / Nước trời mênh mang”… chỉ còn là những hoài niệm trong lòng người, ở nơi đã từng làm nên mặt Lụa Phú Phong nổi tiếng của một thời, qua câu xưa còn để lại :
Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Nói đến lụa Phú Phong, không thể không nhắc đến một vị quan thời nhà Nguyễn đã từng trấn nhậm ở đất nầy. Với giai thoại về ông, có liên quan đến việc vì một xấp lụa mà ông phải nhận lãnh đòn roi. Vị quan đó đã được người địa phương kính cẩn gọi là cụ Tam khôi (còn gọi Tam nguyên), bởi vì ông từng đỗ đầu cả 3 kỳ ứng thí : thi Hương, thi Hội, thi Đình. Cụ là Tam nguyên Trần Bích San (1838 - 1877).
Trần Bích San là học trò của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người thầy đã đào tạo ra nhiều nhân tài, được mệnh danh là Thầy của những Danh nhân, những Anh hùng dân tộc Việt Nam. Học trò của cụ Hoàng giáp, ngoài Trần Bích San và Nguyễn Khuyến là hai người cùng đoạt được cả tam khôi, còn có Hộ bộ Thượng thư Phạm Thận Duật, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, Phó bảng Lữ Xuân Uy, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Thủ khoa Nguyễn Cao, Đinh Công Tráng, Đỗ Huy Liêu… là những ông quan đã không làm nhục quốc thể, là những anh hùng chống Pháp… của thuở người Pháp khởi binh xâm chiếm đất nước ta.
Trần Bích San người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Nên người đời còn gọi ông là Tam nguyên Vị Xuyên, để phân biệt với Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đỗ. Được sinh trong một gia đình nền nếp, Trần Bích San là con của Phó bảng Trần Đình Khanh (Trần Doãn Đạt), Ông được cha kèm cặp từ nhỏ với phương châm “Trí thân trực dục cao thiên nhận / Xử thế tu đương hạ nhất tằng”, nghĩa là “Lập thân những muốn cao nghìn trượng / Xử thế mình nên hạ một tầng”.
Khi con đỗ đầu liên tục 3 khoa, Giải nguyên (thủ khoa) trường thi Hương Nam Định khoa Giáp Tý (1864), Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội), rồi tiếp sau là Đình nguyên (đỗ đầu kỳ thi Đình) năm Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức thứ 18, người cha đã răn con “Có kiến thức không khó, khó là phải hiểu biết đến nơi / Không danh vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm”.
Còn vua Tự Đức thì ban cho ông lá cờ thêu mấy chữ “Liên trúng Tam Nguyên”, để bái tổ vinh quy. Lại còn ban cho tên là Trần Hy Tăng, tỏ ý kỳ vọng ở ông khi ra làm quan, sẽ kinh bang tế thế giống như Vương Tăng bên Tàu (người đời Tống cũng đỗ cả tam nguyên).
Quả là vậy, khi ra làm quan ông luôn đi sát với dân, không háo danh, luôn trau dồi kiến thức, luôn làm tròn bổn phận một công bộc của dân chứ không phải kiểu quan “phụ mẫu” thường tình. Đối với những kẻ thị quyền, hống hách với dân, ông không kiêng nể. Vào tháng 3 năm 1868, Lúc làm Tri phủ ở Thăng Bình, Quảng Nam, có 2 đạo trưởng nước Tây là Sa Phô Nhi, Cam Ma Liệt (!?) đến đây giảng đạo, lại cưỡi ngựa, che lọng ra vẻ nghênh ngang... Ông đòi soát, không có giấy tờ hợp lệ, bèn bắt giữ. Súy phủ Pháp ở Nam Kỳ phải can thiệp, trình việc lên vua đòi bắt vạ là ông cấm đạo. Vua Tự Đức buộc lòng cho ông giữ chức cũ, nhưng phải giáng hai cấp phẩm hàm.
Tháng 11 cùng năm, ông đổi làm Tri phủ An Nhơn. Về với Bình Định, căn bản việc quản hạt của Tam nguyên là lấy lòng thành đối đãi với dân, đem lại việc ích nước lợi dân :
- Năm 1870, ông tấu trình Tự Đức xin mở Nha Doanh điền ở miền tây của huyện Tuy Viễn, khởi đầu cho việc lập nên Nha Kinh lý An Khê năm 1877, để về sau cải lập thành huyện Bình Khê năm 1888.
- Người dân Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn, Tuy Phước trước đây, nhiều người còn thuộc lòng những bài ca răn dạy cách sống trong gia đình của quan Tri phủ Trần Bích San. Những bài “Gia huấn ca” đó được họ gọi một cách thân thiện là Thơ Tam khôi. Thơ Tam khôi có cả những chỉ bảo cho chức sắc làng - tổng, biết làm việc sao cho đúng lý đúng tình. Không dễ gì thời buổi nầy có được cách dạy làm quan như thời xa xưa ấy.
Kể từ năm 1867, với 10 năm trên con đường hoạn lộ, ông đã từng trải qua làm Tri phủ Thăng Bình, Án sát Bình Định, Án sát Ninh Bình, Tri phủ An Nhơn, Biện lý bộ Hộ, Thị độc Học sĩ Tham biện Các vụ, Nội các sự vụ, Thị lang bộ Lại, Tuần phủ Quảng Bình, Quảng Trị, Tuần phủ Hà Nội… Lúc triều đình chọn cử sứ thần sang Tây, đình thần cử ông, đổi bổ Tuần phủ Hà Nội sang Tả Tham tri bộ Lễ, sung làm Chánh sứ. Tháng 9 năm Đinh Sửu (1877) Trần Bích San về đến Kinh nhận mệnh lệnh, tối đó thì mất, chỉ mới tròn 40 tuổi.
Tam nguyên Vị Xuyên, một vị quan thanh liêm chánh trực, biết mình biết người, biết đời… như vậy, vì sao lại có chuyện chỉ vì một xấp lụa mà phải chịu nhận roi đòn của mẹ tại phủ đường An Nhơn (Mỹ Thạnh - An Thái bây giờ).
Truyền rằng năm làm Tri phủ An Nhơn, kiêm lý huyện Tuy Viễn và thống hạt huyện Tuy Phước của Bình Định, Tam nguyên thấy lụa ở đây đẹp có tiếng, ông mua một tấm cho người mang về Bắc biếu mẹ. Mẹ ông chẳng nói chẳng rằng, tiếp đãi người mang quà chu đáo, rồi nhờ người ấy mang hộ một gói đồ của bà gởi vào cho ông.
Tam nguyên nhận gói đồ, mở ra ông thấy còn nguyên tấm lụa mình biếu mẹ, kèm bên trong có gói một cái roi mây. Biết mẹ răn mình thân làm quan không nên lấy chuyện công làm chuyện tư, không vì tư lợi mà nhận đồ biếu xén. Hướng về Bắc lạy mẹ, Tam nguyên nằm xuống, khóc lấy roi đặt lên mông chịu nhận đòn phạt của mẹ.
Có được một người Thầy hết lòng truyền thụ cho kiến thức, rèn trui tâm đức… có được người cha hun đúc cho chí cả, cách xử thế… có được người mẹ theo dõi nhắc nhở, dắt dìu từng bước đi, Tam nguyên Vị Xuyên xứng đáng là một vị quan phụ mẫu, tứ dân trong hạt kính trọng, mến yêu. Làm quan mà vì ích nước lợi dân, tiếng thơm sẽ để lại ngàn đời. Làm quan mà chỉ biết vun vén cho riêng mình, thị uy thị quyền, coi dân như cỏ rác… tiền đồ chẳng lâu dài mà tiếng xấu cũng để lại muôn muôn kiếp.
Nền nếp gia đình cũng như giáo dục ngày nay không còn giống như ngày trước. Hiện nay cũng không còn những cô “Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa” để làm nên những tấm lụa của ngày xưa… Nên nay khó mà thấy có được những ông quan như Tam nguyên Trần Bích San 150 năm trước.
Phan Trường Nghị
Lưu làm tư liệu từ https://quangtrungbinhkhe.blogspot.com/2017/08/ben-bo-song-con-gai-phu-phong-ngoi.html?m=1
Cái khách sạn Phú Phong bỏ hoang trên kia (đã có người mua lại gần 5 năm nay, nhưng mới bắt đầu rục rịch trùng tu, cải tạo hơn 1 năm, nhưng chưa đâu vào đâu - có dịp tui sẽ nói kỹ, rõ hơn về cái khách sạn và việc "mua bán, sửa chữa cái khách sạn nầy), không phải là khách sạn của Cty Dâu tằm tơ. Nó là cái khách sạn mang tên khách sạn Phú Phong, được xây dựng từ khoảng năm 1995 (KTS Lê Văn Rọt thiết kế, Cty Xây lắp Bộ Nội thương thi công), do Ty Thương nghiệp Nghĩa Bình quản lý, khai thác, với mục đích ban đầu là để phục vụ cho chuyên gia ngoại quốc tham gia thi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn, thời đồng chí Tô Đình Cơ là chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình. Mục đích đó không đạt được nên khi khánh thành, nó được đưa vào kinh doanh "nội địa", nhưng cũng không hiệu quả. Do vậy, nó được chuyển giao cho Cty Dâu Tằm Tơ làm xưởng sản xuất, chủ yếu là xưởng ươm tơ, không bao giờ nó là cái khách sạn khi và của Cty Dâu Tăm Tơ cả (Cty Dâu Tằm Tơ lúc đó đồng chí Nguyễn Văn Khá là Giám đốc).
Trả lờiXóaVề Cty Dâu Tằm Tơ: Sau 30/4/1975, để phục hồi nghề tằm tang truyền thống,ở Bình Khê (Tây Sơn), tỉnh Nghĩa Bình cho xây dựng đầu tiên là "Trạm Dâu Tằm Tơ" ở khu vực Gò Ké, gồm 4 năm dãy nhà cấp 4, được xây dựng khoảng năm 1978, 1979 (đơn vị tui thi công cơ sở nhà cửa của cái "Trạm" nầy và tui là 1 trong những người tổ chức khai thác sạn trong dòng sông Đá Hàng để phục vu cho thi công công trình, lúc tui đến đấy thì gặp cô giáo Nguyễn Thị Phượng - một cựu hs K4 Trung học Quang Trung Bình Khê, đang dạy học cho học trò cấp I, lớp học ở trong đình Phú Thọ).
Thực tế, sau 30/4/1975, Bình Khê - Tây Sơn chỉ có phục hồi chút ít nghề trồng dâu,nuôi tằm và ươm tơ, không hề có dệt lụa; mặc dầu trước năm 1945, ngoài việc dệt lụa khá nổi tiếng ở Phú Phong và Bình Khê. Gia đình tui còn giữ được những bộ đồ nghề nuôi tằm (rất nhiều nong và khung quay tơ, thoi dệt vải đũi thủ công, rất tiếc khoảng những năm 1980 do thiếu chất đốt để nấu rượu sanh sống -nấu, bán lậu, bị Ủy ban Nhân dân bắt phạt hoài- , nên tất tần tật những thứ nầy đều được làm củi để chụm hết!
Bửu Châu
Khách sạn được xây dựng vào khoảng năm 1985-1986 mới đúng ạ. Vì đến 1989 là nó đã đi vào hoạt động rồi.
Khách sạn này được xây dựng trên nền đất cũ của nhà thờ Phú Phong, thuộc giáo xứ Mỹ Thạch (nay là giáo xứ Kiên Ngãi). Tôi đã lục tìm khắp nơi hình ảnh của nhà thờ này trước khi nó bị phá hủy để xây khách sạn nhưng hầu như rất ít thông tin và không có chút hình ảnh nào. Nếu ai có thì xin được chia sẻ ạ! Tôi chân thành cảm ơn!