Chợ phiên trong hơi thở hôm nay

Phường Thị là chị Vạn Phú 

Vạn Phú là chú Đầu Cầu 

Đầu Cầu là cậu Cây Da 

Cây Da là cha Tam Tượng…”

Đó là câu vè mà tôi thuộc nằm lòng từ lời ru của mẹ. Mỗi khi đọc lại, những hình ảnh về phiên chợ tấp nập, đầy sắc màu và phồn thịnh của một thời xa vắng lại ùa về.


Đong đầy thương nhớ


Nhà tôi nằm trong lối nhỏ ở trung tâm của cánh Bắc huyện Phù Mỹ - Ngã ba Bình Dương. Nói là lối nhỏ nhưng nó thông lên tới tận Hoài Ân. Từ ba giờ sáng khi gà gáy dạo đầu tôi đã nghe những tiếng chân thình thịch, tiếng đòn gánh kẽo kẹt. Thích nhất là những ngày sau Tết, mùa me bắt đầu chín rộ, tụi con nít chúng tôi sẽ được ăn me miễn phí. Những người gánh nặng phải đổi vai liên tục, lúc xoay quang gánh, những giỏ me vướn vào bờ rào gai vài xâu me bị vướn lại trên rào, vậy là sáng sớm bọn con nít chúng tôi đi lượm chia nhau. Rồi chúng tôi kéo nhau xuống chợ phiên để được xem đủ thứ, xem xe ngựa, xem xe than đỏ lừ phả hơi nóng rát mặt. Những đứa trẻ ở những nơi xa được cha mẹ gánh theo một bên đầu gánh cùng trái mít, đàn heo con,… thì ngơ ngác trước cảnh tấp nập đông vui.


Chợ An Lương là phiên chợ còn giữ được khá nhiều hồn hậu nét xưa.


“Ai về nhắn với nậu Nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”… Có lẽ không chỗ nào có thể cảm nhận chính xác và tường tận nghĩa đen nghĩa bóng của câu ca này bằng dân quê xứ tôi. Những bầu cá trụng (cá hấp), những bầu mắm liên tục được gánh từ các làng chài ven biển - nào Mỹ Thắng, kìa Mỹ Thọ vắt qua Mỹ An - tất thảy đều đi qua lối nhỏ nhà tôi để lên nguồn Hoài Ân. Với quãng đường khoảng bốn mươi cây số, trong đó phân nửa đoạn đường là băng qua rừng núi. Họ đi từ hôm trước để sáng sớm hôm sau họp chợ, họ bán cá, mắm rồi lại mua những nông sản gánh về cho kịp phiên chợ Cây Sộp.


Chợ phiên Cây Sộp là chợ lớn nhất trong các chợ cánh Bắc Phù Mỹ, là nơi hội tụ tất cả những sản vật của cả một vùng rộng lớn kể cả ở các huyện lân cận và nhiều nơi khác. Chợ bán không thiếu một thứ gì từ hàng đan đát, đồ rèn, đồ gốm sứ đến hàng nón lá, hàng muối, bánh tráng, hàng bún, cho tới cơ man nào là nông sản, thực phẩm,… Chợ họp rất sớm, lúc đầu không có cảnh chen lấn, những tiếng ồn ào cũng không nhiều, chỉ có tiếng xe ngựa, tiếng bước chân, tiếng quang gánh. Đôi khi có tiếng heo gà xé toang màn đêm. Càng về sau chợ càng tấp nập, khi những chiếc đèn dầu bắt đầu được tắt đi là lúc bạn hàng tứ phương đổ về chợ. Tùy vào từng mùa mà chợ thiên về mặt hàng nào, như vào dịp tết chợ sẽ phủ trắng củ kiệu, sau tết sẽ là mùa me, mùa đậu phộng, đến đầu hè lại là mùa mít, mùa dưa,... Chợ như thế, âm thành như thế, sắc màu như thế, hương vị phảng phất như thế làm sao mà không yêu, làm sao mà không nhớ…


Năm xửa năm xưa Bình Dương chỉ là một thị tứ nhỏ xíu, dần dà tiến lên thị trấn lúc nào không hay, chợ Cây Sộp không còn đủ rộng lớn để họp chợ. Chính quyền cho xây chợ mới khang trang trên một khu đất rộng lớn lấy tên chợ là Bình Dương. Chợ phiên giờ chỉ còn trong ký ức vì giờ ngày nào chợ cũng họp, họp từ sáng tới tối, những ngày phiên chỉ đông hơn ngày thường một tí. Những quang gánh đã nhường chỗ cho xe máy, xe ba gác. Nhưng sự nhộn nhịp, cảnh bán buôn sầm uất không giảm mà còn tăng nhiều lần.


Mà có riêng gì chợ Cây Sộp. Nhiều ngôi chợ phiên khác cũng vậy, không còn cảnh vắng lặng, u tịch của những ngày… không phiên. Nhiều khi tôi thèm nghe tiếng gió rít trên những mái lều không bóng người, thèm nghe một tiếng lá rơi trên con đường vừa mới tấp nập ngày hôm qua. Bây giờ đất chật người đông, chợ họp đến từng thôn xóm, đi đâu cũng gặp chợ, ra ngõ là có chợ, chợ phiên đã dần đi vào dĩ vãng… Tôi, vẫn tiếc cái ký ức cũ nhưng bảo giữ lại thì tôi xin can, ký ức cứ vẹn nguyên trong tâm tưởng mỗi người cho đến khi lớp người còn có ký ức lùi xa trong thời gian, sự tươi mới giàu có đông vui và cảnh người phấn khởi đáng để ký ức cũ thật sự nhạt nhòa trong thương nhớ.


Nét xưa phố thị đong đầy


Mùng một chợ Gành, mùng hai Trung Chánh, mùng ba An Lương. Chợ Gành thì giờ cũng như chợ Bình Dương và nhiều chợ khác, chợ Trung Chánh phiên chính chỉ khác ngày thường là bán thêm nhiều hàng đan đát. Chỉ có chợ An Lương (Mỹ Chánh, Phù Mỹ) là còn giữ được khá nhiều hồn hậu nét xưa. Cái độc đáo của chợ này là từ chiều hôm trước ngày phiên (3, 8, 13, 18,…) chợ đã nhóm với một mặt hàng duy nhất là tre.


Mỗi dịp về Bình Định tôi đều ghé chợ này vài ba lần vì những nét quê được khắc họa rõ nét nơi đây. Chợ có hàng đan lát của vùng Trung Chánh, có hàng muối rất lớn, có hàng cá tươi ngon của chợ Gành,... Chợ có nhiều hàng rau củ quả, không lều bạt nhưng những người bán ngồi ngay ngắn, dù chỉ trải bao ny lon ngồi trên mặt đất nhưng sạch sẽ tinh tươm. Chợ có rất nhiều giỏ sắt, thúng dây, rất nhiều nón lá, rất nhiều bánh tráng và rất rất nhiều những thứ mộc mạc, thậm chí xưa cũ. 


Tôi đi vòng quanh chợ, nơi đâu cũng gặp nụ cười giản dị, gặp những gian hàng tưởng chừng chỉ còn trong miền ký ức của nhiều người. Điều tôi ấn tượng hơn cả ở chợ này là rất nhiều cụ già ngoài 80 nhưng vẫn ngồi bán những món hàng do chính tay cụ làm ra. Có lẽ nơi đây, đoạn cuối của dòng La Tinh xinh đẹp, nơi sông nước hữu tình,  nơi có rất nhiều sản vật trù phú đã làm cho con người tươi trẻ, làm nên một ngôi chợ mang đậm màu sắc quê hương!


Có cái tên chợ giản dị thân thương chuyên bán sỉ đúng một đặc sản nổi tiếng của Phù Mỹ nói riêng và Bình Định nói chung, dân gian quen gọi nôm na đó là cá chua hay là chợ Góc Lựa. Đây chỉ là một chợ nhỏ, sáng sớm tinh sương ai chạy xe trên đường 640 qua cầu An Xuyên vừa tới cầu An Mỹ để ý thì sẽ gặp. Chợ nhóm sớm, những con cá chua mới vớt lên sáng ngời, lấp lánh từ những hồ nuôi quanh vùng trong xã Mỹ Cát này tỏa đi khắp các chợ phiên lớn nhỏ như chợ Gành, An Lương, Chợ Bình Dương,... Cá chua là loài cá nước lợ thịt thơm, ngon, ngọt không thể tả. Cá thường hấp với lá giang nên có tên gọi là cá chua, ngoài ra cá còn làm món nướng giấy bạc hoặc kho với nước dừa cốt,... Nhiều lần qua lại con đường này, gặp đúng phiên chợ không cưỡng được sự hấp hẫn của nó, tôi phải dừng xe lấy vài con mang về cuốn bánh tráng! Nghe tôi kể, nhiều bạn xứ Nẫu gật gù xác nhận và nói vui, họa có điên không dừng xe trước một cái cảnh quá nhiều hứa hẹn như vậy.

***

Tôi hay nhớ quê, nhiều khi đáp một chuyến bay chỉ để về lượn một phiên chợ nhất là chợ An Lương. Tôi hay nghĩ nếu muốn tìm về một Bình Định dấu yêu hồn hậu có lẽ nhanh nhất là tuôn luôn về một phiên của chợ An Lương. Tôi thấy lòng mình tươi mới hơn, năng lượng nạp thêm được nhiều hơn và tự thấy rằng phần chi trả của mình hã còn rất rẻ và tôi vẫn cứ mắc nợ những phiên chợ quê.

Bạn thân mến, bạn có phải là người Bình Định như tôi không, đã bao lâu rồi bạn không đến với chợ phiên?

Ký của NGUYỄN SA HUỲNH


Nhận xét

Bài đăng phổ biến