Núi non Bình Định (kỳ 3)


Giữa Bích Kê và Lại Khánh có Đèo Phủ Cũ. Quốc lộ số 1 chạy trên đèo này.

Đèo mang danh là Phủ Cũ là vì lỵ sở của phủ Hoài Nhơn xưa kia đóng ở Lại Khánh, trên dãy đồi ở cạnh đèo. Hiện vẫn còn đền cũ.

Dưới chân đèo ở phía Nam có dốc Tam Tượng mà vùng chung quanh nổi tiếng về Chè. Ca dao Bình Định có câu:

Anh đi Tam Tượng hái chè,

Bỏ cây ớt chín sau hè chim ăn.


Đầu nguồn Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Còn nhánh Phù Mỹ từ Đèo Phủ Cũ chạy xiên xiên vào Đông Nam, đến gần địa đầu huyện Phù Cát thì quày ra Bắc cho đến gần đầm Trà Ổ.

Đứng ngoài biển trông vào thì nhánh Phù Mỹ hợp với nhánh Hoài Nhơn thành một tòa nhà chữ Môn vĩ đại, mà cánh đồng Phù Mỹ là sân và đầm Trà Ổ là hồ nuôi cá.

Trong nhánh Phù Mỹ có nhiều núi cao và có danh, như:

Tượng Đầu Sơn, tục gọi là núi Đầu Tượng (461 thước), ở gần dốc Tam Tượng. Tên do hình núi mà đặt. Chung quanh núi non la liệt. Cảnh trí hùng dũng.

Kế đến Chân Chàng Sơn (cũng có tên nữa là Phan Sơn), ở phía Nam núi Đầu Tượng. Hình núi giống như cây chàng phan, tức cây phước, của nhà Chùa. Tục gọi là núi Cột Cờ đứng sừng sững làm trấn sơn trong huyện (339 thước).

Phía Tây Bắc núi Cột Cờ có núi Màn Lăng, đỉnh cao xanh, sườn vừa dài vừa rộng. Nổi tiếng về cọp. Do đó núi có tên nữa là Hổ Sơn.

Núi Màn Lăng làm ranh giới giữa Hoài Ân và Phù Mỹ. Mở lối giao thông cho hai huyện có đường đèo gọi là đèo Màn Lăng. Đèo có phần dốc và dài (6 km), chạy từ Trung Hội (Phù Mỹ) đến Thạch Khê (Hoài Ân). Dưới chân đèo, phía Thạch Khê, có một ngôi chùa cổ.

Để giúp hành khách qua lại khỏi bị nạn cọp, nhà sư trụ trì tổ chức việc đưa đón rất nên thơ:

Hành khách đến chân đèo thì dừng lại đợi nhau. Khi đã được năm ba người, nhà sư đến đưa qua đèo. Không giáo không mác, không trống, không phèng la… Nhà sư thong thả đi trước, tay gõ mõ miệng tụng kinh. Hành khách nối nhau đi theo, khoan thai trật tự… Sang phía bên kia, nếu có khách thì nhà sư quay trở lại, đưa qua đèo. Cứ thế hết ngày nọ sang ngày kia. Ai cúng ít nhiều cũng được, không cũng không sao. Trước kia hổ hoạn thường xảy ra. Từ khi có sự đón đưa của nhà chùa, người qua lại đều được vô sự.

Đó là chuyện cũ ngày xưa. Ngày nay người không còn sợ cọp nên tiếng mõ cây kinh không còn cần thiết.

Từ Màn Lăng trở vô, còn nhiều ngọn núi hiểm trở, như Hòn Giang (790 thước), Hòn Giêng hay Duyên (847 thước) v.v… nối tiếp nhau không dứt.

Kế đến núi Tham Hùng (719 thước) nằm phía Tây huyện lỵ. Hình núi cao vòi vọi, cây cối rậm rạp. Trong núi có mọc giống Thạch Xương Bồ, mùi thơm, dùng làm thuốc. Do đó, núi có tên nữa là Thạch Xương Bồ Sơn (Trong các bản đồ cũ cũng như mới đều ghi là núi Yên Luyên (?)). Trước mặt núi là đồng bằng, sau lưng và phía tả phía hữu đều có nhiều núi cao ủng hộ.

Phía Nam núi Tham Hùng có núi Điệp Thạch, đá chồng chất lên nhau, trông có vẻ kỳ vỹ (417 thước, bản đồ ghi là núi Cung Chấp).

Núi này tiếp với núi Thạch Bàn ở Phía Nam.

Những ngọn núi thượng dẫn đều nằm ở phía Tây Quốc lộ số 1.

Phía đông Quốc Lộ có núi Lạc Phụng. Cũng có tên nữa là Kê Khê Sơn.

Núi này đối trĩ cùng núi Bích Kê ở Hoài Nhơn. Và Lạc Phụng cùng Bích Kê là tả dực và hữu dực của tòa nhà chữ Môn mà dãy núi phía Tây Phù Mỹ là Chính Tẩm, như trên đã tả.

Cũng như Bích Kê, Lạc Phụng là một vùng núi gồm nhiều ngọn đứng trên một căn đế rộng hàng trăm dặm vuông, giăng từ quốc lộ đến gần mé biển, từ đầm Nước Ngọt ra đầm Trà Ổ. Ba mặt Bắc, Đông, nam có đường Liên Hương chạy quanh và hợp cùng quốc lộ thành hình chữ nhật cân đối.

Những ngọn núi đáng kể trong vùng là hòn Xuân Kiển (321 thước), hòn Tháp Tre (605 thước), hòn Núi Miếu (518 thước).

Vùng núi phía Đông dính liền cùng dãy núi phía Tây do ngọn đèo Nhong, tên chữ là Hải Lương.

Đèo nằm trên quốc lộ, dài đến 9 cây số. Hai đầu có hai dốc mà khách bộ hành đã mượn những gốc cây cổ thụ ở hai bên đường để đặt tên: Dốc Mù U ở phía Bắc, Dốc Me ở phía Nam.

Thùy trực cùng Đèo Nhong, có đèo Ô Phi chạy từ Phú Nhiêu đến Chánh Trực, mở đường giao thông cho người ở vùng quốc lộ xuống biển và người vùng biển lên quốc lộ.

Đèo Ô Phi sánh với Đèo Nhong thì thấp thua và cũng ngắn thua, song khúc khuỷu khó đi.

Núi đèo trong nhánh Phù Mỹ, dãy Kim Sơn, đại khái là thế.

Tiếp theo dãy Kim Sơn là dãy Vĩnh Thạnh.

Cũng như Kim Sơn, Vĩnh Thạnh là nơi Trường Sơn nứt nhánh. Núi non chồng chất. Hai miền Vĩnh Thạnh và Kim Sơn liên lạc với nhau nhờ đèo Giốc Đót.

Dãy núi Vĩnh Thạnh chạy thẳng xuống quận Phù Cát. Nhưng nửa chừng thì bị gián đoạn. Sơn mạch chạy ngầm dưới đồng bằng, mãi gần đến mới đột khởi thành Núi Bà.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
https://baobinhdinh.vn/datnuoc-connguoi/2005/2/6435/


Nhận xét

Bài đăng phổ biến