Lược sử giáo họ biệt lập Đập Đá
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo họ biệt lập Đập Đá bao gồm những phần đất thuộc thị xã An Nhơn: phường Đập Đá; thôn Cẩm Văn phường Nhơn Hưng; các thôn Nghĩa Hòa, Tân Nghi, Thiết Tràng và Thuận Đức của xã Nhơn Mỹ; các thôn Đại Hòa, Bắc Nhạn Tháp, Bắc Thuận, Nam Tân, Ngãi Chánh, Thiết Trụ, Vân Sơn của xã Nhơn Hậu; các thôn Thanh Liêm, Háo Đức, Thuận Thái của xã Nhơn An.
Trung tâm sinh hoạt của giáo họ là nhà thờ Đập Đá, 264 Lê Duẩn, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Đập Đá là một tên gọi đã đi vào ca dao, quyện vào tiếng võng với lời ru em:
Anh về Đập Đá đưa đò,
Trước đưa quan khách sau dò ý em;
Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng;
Anh về Đập Đá, Gò Găng,
Để em kéo vải sáng trăng một mình.
Đập Đá là tên gọi của sông Thạch Yển (Đập Đá), một nhánh của sông Côn. Có giả thiết cho rằng tên gọi Đập Đá xuất hiện từ khi có con đập dẫn thủy nhập điền được xây dựng bằng đá hàng trăm năm trước trên sông Thạch Yển. Ngày nay Đập Đá là tên gọi của một phường thuộc thị xã An Nhơn.
Trên toàn thị xã An Nhơn hiện có 24 làng nghề, trong đó phần đất thuộc giáo họ biệt lập Đập Đá đã chiếm hết 14 làng nghề. Trong số 14 làng nghề đó có 4 làng nghề giữ được hơi thở làng nghề lâu đời nhất của Bình Định:
- Làng rèn Tây Phương Danh ở thị trấn Đập Đá sản xuất các nông cụ, dụng cụ mộc, hồ, dụng cụ dân dụng như dao, kéo...
Nghề rèn không ruộng không trâu,
Làm ăn no ấm nhờ đầu ông đe.
Sáng ra phụt phụt sè sè,
Vợ thổi chồng đập họ nghe rầm rầm.
- Làng đúc kim loại Bằng Châu ở khối Bằng Châu thị trấn Đập Đá sản xuất các sản phẩm từ kim loại như đồng nhôm gang...
- Làng tiện gỗ Mỹ nghệ Nhơn Hậu ở thôn Nhạn Tháp xã Nhơn Hậu tiện và chạm khảm các sản phẫm gỗ mỹ nghệ.
- Làng gốm Vân Sơn ở thôn Vân Sơn xã Nhơn Hậu sản xuất sản phẩm gốm đất nung phục vụ đời sống thường ngày như ang, chậu, nồi, niêu, ấm, lò…
Trong bối cảnh đời sống cư dân ấy, năm 1940, tại Đập Đá có 13 giáo dân.[1] Từ trước, Đập Đá là một họ đạo thuộc địa sở Kim Châu. Thời cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển làm cha sở Kim Châu (1955–1964), nhà thờ Đập Đá được cha xây dựng vào năm 1962. Trong thời gian sau năm 1975, khuôn viên nhà thờ bị người dân bốn phía lấn chiếm một số diện tích, nên trở thành chật hẹp. Thời cha Giacôbê Đặng Công Anh làm cha sở Kim Châu (1975 –2001), nhà thờ Đập Đá được cha cho tu sửa.
Thời cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí làm cha sở Kim Châu (2001-2014), lúc bấy giờ số giáo dân giáo họ Đập Đá khoảng 200 người, tháng 02.2009, cha Gioakim khởi công xây dựng nhà thờ và nhà xứ giáo họ Đập Đá. Vì thửa đất nhỏ hẹp nên công trình được cha cho thiết kế gồm tầng trệt và tầng lầu. Nhà xứ tọa lạc ngay sau lưng nhà thờ. Hai bên tường nhà thờ được trang trí kính màu với hình ảnh các nhân vật nổi bật trong Cựu Ước như Abraham, Isaia, Đavit, và 12 thánh tông đồ. Bàn thờ bằng đá granit tự nhiên do một ân nhân thuộc Giáo phận Sài Gòn (Bạch Mai) dâng cúng và được chế tác tại mỏ đá Truông Bà Đờn. Nhà tạm được làm bằng đồng đúc nguyên khối, được mạ vàng.
Vào lúc 09 giờ ngày 01 tháng 05 năm 2010, lễ thánh Giuse Thợ, thánh lễ cung hiến nhà thờ được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự. Đức cha Matthêô, Giám mục phó Giáo phận, giảng lễ.
2. Thành lập giáo họ biệt lập
Sau khi cơ sở vật chất được ổn định, giáo họ Đập Đá được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn giao cho Tỉnh dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam đảm nhiệm như một giáo họ biệt lập. Cha Simon Nguyễn Đức Hồng, thuộc Dòng Ngôi Lời đang phục vụ tại đó trở thành cha quản nhiệm đầu tiên ( 2010-2014).
Ngày 28 tháng 07 năm 2014, Linh mục Giuse Trần Minh Hùng, Bề trên Tỉnh dòng Ngôi Lời Giuse Việt Nam, có văn thư thuyên chuyển cha Simon Nguyễn Đức Hồng từ giáo họ Đập Đá đến cộng đoàn Ngôi Lời Sông Pha, và đưa cha Antôn Nguyễn Xuân Huệ đến thay thế. Cha Antôn được Đức cha Matthêô bổ nhiệm làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Đập Đá thay cha Hồng. Cha Hồng muốn ở lại phục vụ tại Giáo phận quê nhà, nên đã xin ra khỏi Dòng Ngôi Lời để gia nhập hàng giáo sĩ triều của Qui Nhơn, và đã được chấp nhận. Hiện nay cha đang làm cha sở giáo xứ Phú Hữu.
Từ ngày được bổ nhiệm làm cha quản nhiệm giáo họ biệt lập Đập Đá, cha Antôn Nguyễn Xuân Huệ đã cố gắng tạo quan hệ tốt với chính quyền và dân chúng địa phương, để dễ dàng thi hành chức vụ. Ngoài việc cử hành thánh lễ và các bí tích tại nhà thờ, tổ chức dạy giáo lý, cha còn đi thăm các gia đình rối hay nguội lạnh, để đưa họ về với đời sống Kitô hữu.
Cuối năm 2017 giáo họ biệt lập Đập Đá có 62 gia đình, 242 tín hữu.
[1] Xem Mémorial Mission de Quinhon, Septembre-Octobre 1940, tr. 9.
Tác giả: BBT lịch sử giáo phận
https://gpquinhon.org/lich-su-giao-phan-giao-xu/luoc-su-giao-ho-biet-lap-dap-da-1040.html
Nhận xét
Đăng nhận xét