Tổ đình Long Khánh

Toàn cảnh chùa Long Khánh - Ảnh Như Tịnh (2011)

Lịch sử hình thành và phát triển

Đức Thích Ca Thế tôn thành đạo dưới cội Bồ đề tại Ấn độ cách đây gần ba thiên niên kỷ, Ngài đã đem chánh pháp thậm thâm vi diệu truyền bá khắp lưu vực sông Hằng. Khi Đức Thế tôn còn tại thế, hai trung tâm truyền giáo qui mô thời bấy giờ là Tinh xá Trúc Lâm và Tinh xá Kỳ Hoàn. Tại Trung Quốc, thời Vua Hán Vũ đế có thỉnh hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lưu trú tại Hồng Lô tự để dịch kinh, bản kinh do hai Ngài dịch đầu tiên tại đây là Kinh 42 chương. Trong triều đại vua A Dục của Ấn độ - vị vua kính tín Tam Bảo - đã cử các đoàn truyền giáo đi khắp nơi để truyền bá đạo mầu. Tại Trung quốc có hai trung tâm Phật giáo ở Lạc Dương và Bình Thành sinh hoạt rất thịnh hành, và riêng tại Việt nam có trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo được hình thành do các Tăng sĩ Ấn độ theo các thuyền buôn của Thương nhân Ấn độ đến Việt nam bằng đường biển xây dựng các thảo am để tụng kinh, bái sám.

Từ đó nhiều ngôi Chùa được thành lập trên khắp đất nước do các Thiền sư người Trung quốc và Ấn độ xây dựng. Thế kỷ thứ 17, nhiều Thiền sư người Trung quốc theo tàu buôn của các Thương nhân Trung quốc đến các tỉnh miền trung và nam để xây dựng Chùa hoặc thảo am để tu tập, như Thiền sư Siêu Bạch - Nguyên Thiều khai sáng Chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình định, Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo xây dựng Chùa Chúc Thánh ở Hội An, Thiền Sư Hải Khiển - Đức Sơn khai sơn Chùa Long Khánh - Qui Nhơn . . .

Từ đó, Chùa Long Khánh là một ngôi Tổ Đình danh lam thắng cảnh lịch sử của tỉnh Bình Định, Chùa được xây dựng vào năm 1700, do Tổ sư Đức Sơn người Trung Quốc khai sơn đến nay được 300 năm, truyền thừa được 13 đời Trụ trì. Ngày nay, Long Khánh là một ngôi chùa lớn nằm ở trung tâm Thành phố Quy Nhơn, Diện tích trên 1 ha, toạ lạc tại số: 141 Trần Cao Vân, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn.

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, chùa Long Khánh là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bình Định, là nơi sinh hoạt lễ bái và tổ chức Phật sự quan trọng của Phật giáo trong toàn tỉnh và là điểm tham quan du lịch cho du khách gần xa khi có dịp đến với Thành phố biển Quy Nhơn.

Chùa được kiến trúc theo hình chữ “Khẩu” phía trước có chánh điện gồm Thượng điện và Hậu điện. Phần Thượng điện thờ Phật Adiđà và Quan âm Chuẩn đề, Hậu điện thờ Phật tổ Thích Ca. Hai bên có Đông phòng và Tây phòng. Hai dãy này là chỗ dành riêng cho tăng ni. Phía sau là Tổ đường, nơi an trí Long vị và Di ảnh của Lịch đại Tổ sư.

Kiến trúc nguyên thủy của chùa không còn nữa. Ngôi chùa hiện nay về cơ bản được xây dựng lại vào năm 1957 và hoàn thiện vào năm 1976. Phong cách kiến trúc này mang dáng dấp kiểu chùa của cư dân miền Nam Trung Hoa. Về giá trị kiến trúc, chùa Long Khánh không có gì độc đáo, nhưng với lịch sử hình thành và phát triển của Quy nhơn, chùa Long Khánh có một vị trí khá đặc biệt.

Mặc dù đã qua bao lần trùng tu, tái tạo, chùa Long Khánh vẫn là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị cao. Đó là một trong hai ngôi chùa có niên đại cổ kính nhất ở tỉnh Bình Định. Ngày nay, du khách gần xa khi đến chùa không thể không có những phút giây cảm giác tĩnh mịch, và tôn kính như đi vào cửa thế giới hư vô trầm tĩnh và sâu lắng....

Kiến trí tổng quan

Chùa nằm ở trung tâm các khu phố của Thị xã Qui Nhơn trước kia, Thành phố Qui Nhơn hiện nay, đường Trần Cao Vân, cổng mang số 141.

Bên trong cổng là một sân vuông rộng. Đầu Tây sân có tầng trệt một ngôi nhà xây dựng dở dang, mặt hướng Đông, đó là cơ chỉ Trụ sở giáo hội tỉnh, xây trước năm 1975 mới được tới đó rồi phải dừng lại vì kinh phí dự trù chỉ mới tới đó, cho nên từ ấy đến nay Hội sở vẫn đặt trong chùa Long Khánh.

Trụ sở giáo hội tỉnh sau khi xây dựng xong

Đầu Bắc có tam quan dẫn vào chùa. Tam quan tọa lạc theo hướng chùa, nam Đông nam, xây gạch và đá xanh, có mái có chái đúc bằng xi măng giả ngói âm dương, giữa có cổ lầu, trong lầu tôn trí tượng Bạch y Quan Âm, dưới có ba cửa gỗ chỉ mở vào dịp lễ lớn, ngày thường ra vào bởi một cổng phụ ở phía Đông. Phía trong tam quan là sân nội, có tượng đài Di Đà phóng quang.

 Tượng Phật A Di Đà phóng quang - Ảnh Như Tịnh (2011)

Tượng bằng xi măng cốt sắt, cao 17m, tòa sen và chân đế xây gạch với xi măng cao 5m. Tượng đứng giữa sân nội, sau hồ sen, trước chánh điện, cao hơn cây cối chung quanh nên dù ở giữa thành phố người đến từ xa vẫn thấy.

Chánh điện gồm hai ngôi nhà ngói nằm ngang, liền mái, ngôi đứng trước là Tiền đường, ngôi đứng sau là hậu điện, cả hai xây trên chân đế cao 1m50, ba mặt tiền tả hữu đều có hè, mỗi hè rộng 2m.

Hành lang chánh điện - Ảnh Như Tịnh (2011)

Tiền đường mặt tiền dài 8m không kể hè, sâu 6m, hai mái hai chái, lợp ngói nung, từ nền đến nóc cao khoảng 7m, trên nóc có tượng lưỡng long chầu chữ 卍 đọc là “Vạn”, Phạn tự với nghĩa "Tập hợp vạn đức tốt lành", dưới có ba cửa một chính hai phụ đều bằng gỗ quý.

Toàn cảnh mặt tiền chánh điện - Ảnh Như Tịnh (2011)

Trên diềm cửa giữa có một tấm hoành gỗ dài 2m50, ngang 1m, khắc ba đại tự tên hiệu chùa đều thếp vàng, nằm trên nền sơn son. Hoành này của một đệ tử người Hoa, làm từ Trung Quốc gởi sang hiến cúng cách nay đã 186 năm (1813-1999) nên xác mộc khá cũ kỹ, nếu không khéo bảo quản thì dễ bị gió mưa và mối mọt làm cho hư hoại. Diện mạo tấm hoành như bức hình dưới đây:

Bức hoành phi Long Khánh Tự làm năm 1813 - Ảnh Như Tịnh (2011)

Sao lại như sau:

隆 慶 寺
嘉 慶 癸 酉 吉 旦 立
弟 子 潘 進 鳥 拜 供

Phiên âm:

LONG KHÁNH TỰ
Gia Khánh Quý Dậu cát đán lập
 Đệ tử Phan Tấn Điểu bái cúng.

Dịch nghĩa:

CHÙA LONG KHÁNH
Niên hiệu Gia Khánh, năm Quý Dậu, ngày tốt lập.
Đệ tử Phan Tấn Điểu lạy dâng cúng. 

Đệ tử là Phan Hồng Điểu lập hoành vào ngày tốt năm Quý Dậu, nhằm niên hiệu Gia Khánh thứ 18 (1813) đời vua Nhân Tông nhà Thanh, rồi hiến cúng cho chùa.

Dưới tấm hoành, trên mặt trụ hai bên cửa chính có câu liễn:
隆 德 自 心 生 萬 纇 含 靈 普 施 有 餘 裕
慶 雲 隨 處 結 三 千 世 界 應 用 無 不 週


Phiên âm:

Long đức tự tâm sanh, vạn loại hàm linh phổ thí hữu dư dũ,
Khánh vân tùy xứ kết, tam thiên thế giới ứng dụng vô bất chu.

Dịch nghĩa:

Đức lớn sanh bởi lòng, cho khắp muôn loại hàm linh còn dư dũ,
Mây lành kết tùy xứ, che đều ba ngàn thế giới thảy đủ đầy.

Trên mặt trụ hai bên hai cửa phụ có câu liễn:

虛 空 色 相 寧 滯 有 無 法 苑 弘 開 覺 道
智 水 仁 山 誰 為 動 靜 普 門 大 振 潮 音
Phiên âm:

Hư không sắc tướng, ninh trệ hữu vô, Pháp uyển hoằng khai giác đạo,
Trí thủy nhân sơn, thùy vi động tĩnh, Phổ môn đại chấn triều âm. 

Dịch nghĩa:

Hành giả há nên chấp hư không có hay không có sắc tướng? Kìa vườn Pháp đang mở rộng đường vào giác ngộ,
Hỡi kẻ trí ưa chơi nước, người nhân ưa chơi núi, thử nói xem ai làm cho nước động, ai làm cho núi tĩnh? Kìa trong cửa Phổ tiếng Pháp như tiếng thủy triều kêu to rền vang!

Trên mặt hai trụ hai biên hè có câu liễn:

妄 非 妄 真 復 誰 真 轉 眼 春 秋 隨 逝 水
來 不 來 去 從 何 去 回 頭 生 死 等 空 花

Phiên âm:
Vọng phi vọng, chân phục thùy chân? Chuyển nhãn xuân thu tùy thệ thủy,
Lai bất lai, khứ tùng hà khứ? Hồi đầu sanh tử không hoa.

Dịch nghĩa:

Vọng chẳng phải vọng thì chân lại là chân sao? Đảo mắt nhìn thời gian trôi qua như nước chảy (dưới cầu) không bao giờ trở lại!
Tới chẳng tới thì đi theo cái gì mà đi? Ngoảnh đầu lại nhìn cái sống và cái chết thì như những cái hoa trong không gian do quáng mắt mà thấy chứ không có thật.

Chánh điện - Ảnh Như Tịnh (2011)

Hậu điện nối liền với Tiền đường, dài 8m, rộng 6m, trên giáp mái nhưng trong thông nhau làm thành một căn 8m x 12m. Hậu điện mái chồng diêm, từ nền lên nóc khoảng 8m. Trên nóc có tượng lưỡng long chầu chữ A, Phạn tự, có nghĩa: Bồ đề tâm, Pháp tánh v.v....

Trong hậu điện, dưới bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện” 大 雄 寶 殿 có tôn trí tượng đồng đức Thế Tôn cao 1m50 (không kể tòa sen), nặng 1.200 kg. Hai bên có câu liễn:

隆 恩 普 被 法 水 均 霑 無 量 聖 賢 咸 稽 首
慶 會 弘 開 禪 燈 遍 炤 十 方 檀 信 共 皈 依

Phiên âm:

Long ân phổ bị, pháp thủy quân triêm, vô lượng thánh hiền hàm khể thủ,
Khánh hội hoằng khai, thiền đăng biến chiếu, thập phương đàn tín cộng quy y.

Dịch nghĩa:

Ơn lớn bủa chung, mưa pháp thấm đều, ba cõi thánh hiền đều đảnh lễ,
Hội mừng mở rộng, đèn thiền soi khắp, mười phương đàn tín thảy quy y. 

Thái Bình Hồng Chung - Ảnh: Minh Đức 2011

Sau lưng bảo điện có giá chuông treo hai cổ vật là “Thái Bình Hồng Chung” và bảo khánh đều bằng đồng.
Quả chuông cao 1m20, đường kính 0m60, trọng lượng 150 kg. Thân chuông phân 4 ô, trên hai ô có khắc bài văn.

Bài văn gồm 154 chữ khắc thành 11 hàng, phân bố: mặt 1 có 7 hàng, mặt 2 có 4 hàng, cuối mặt 2 có dấu hai cái triện, tất cả đều chạm chìm, chữ cỡ: 2cm x 2cm, triện cỡ 8cm x 8cm, ở hàng đầu có nhiều chữ bị lu rất khó nhận. Tôi xin sao lại bài văn y theo cách trình bày trên chuông rồi phiên âm, dịch nghĩa như sau:

臨 濟 正 宗 三 十 八 世 上 金 下 銀 證 明
越 南 國 歸 仁 府 綏 遠 縣 時 秀 屬 永 慶 村 本 道 崇 修 隆 慶 寺 住 持 法 名 寂 壽 合 四 會 本 道 善 男 信 女 眾 等 同 心 鑄 造 名 太 平 鐘 完 成 滿 願. 奉 上 三 寶 證 明 龍 天 護 念. 上 祝:
皇 圖 永 固
帝 道 遐 昌
佛 日 增 輝
法 音 常 轉.
歲 在 乙 丑 年 季 夏 月 穀 日 完 成.
百 拜:
風 調 雨 順 國 泰 民 安
天 久 地 長 人 安 物 阜
三 途 永 息 四 海 昇 平
人 人 樂 比 堯 天
處 處 歐 歌 舜 日
法 界 有 情 齊 成 佛 道
謹 誌
寂 壽 禎 祥

Phiên âm:

Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Kim hạ Ngân, chứng minh.
Việt Nam quốc, Quy Nhơn phủ, Tuy Viễn huyện, Thời Tú thuộc, Vĩnh Khánh thôn bổn đạo. Sùng tu Long Khánh tự, trụ trì pháp danh Tịch Thọ, hiệp tứ hội bổn đạo thiện nam tín nữ chúng đẳng, đồng tâm chú tạo danh Thái Bình chung, hoàn thành mãn nguyện. Phụng thượng:
Tam bảo chứng minh, long thiên hộ niệm. Thượng chúc:
Hoàng đồ vĩnh cố, Đế đạo hà xương.
Phật nhật tăng huy, Pháp âm thường chuyển.
Tuế tại Ất Sửu niên, quý Hạ nguyệt, cốc nhật hoàn thành
Bách bái:
Phong điều vũ thuận, quốc thái dân an
Thiên cửu địa trường, nhân an vật phụ.
Tam đồ vĩnh tức, tứ hải thăng bình.
Nhân nhân lạc tỉ Nghiêu thiên,
Xứ xứ âu ca Thuấn nhật.
Pháp giới hữu tình, tề thành Phật đạo.
Cẩn chí
TỊCH THỌ - TRINH TƯỜNG

Dịch nghĩa:

(Hòa thượng Pháp danh Chiếu Huyền) Pháp hiệu Kim Ngân, thuộc đời thứ 38 (kệ phái Trí Bản Đột Không) tông chánh Lâm Tế (là trụ trì chùa Linh Phong, được mời) chứng minh.
Nước Việt Nam, phủ Quy Nhơn, huyện Tuy Viễn, thuộc Thời Tú, bổn đạo thôn Vĩnh Khánh. Trụ trì sùng tu chùa Long Khánh, pháp danh là Tịch Thọ, hiệp bổn đạo trong bốn hội cùng thiện nam tín nữ các hạng, đều cùng lòng đúc chuông đồng, đặt tên là chuông Thái Bình, nay đã hoàn thành như ước nguyện.
Cung kính phụng trên Tam Bảo chứng minh, Rồng Trời ủng hộ.
Kính dâng lời chúc:
Cơ đồ của nhà vua bền vững mãi mãi,
Đạo của ngũ đế xương thịnh lâu xa.
Mặt trời Phật ngày càng thêm sáng,
Tiếng Pháp luôn chuyển.
Chuông đúc xong vào ngày tốt, tháng cuối mùa hè (tháng 6) năm Ất Sửu (1805).
Trăm lạy cầu xin:
Gió đều mưa thuận, nước ổn dân yên,
Trời lâu đất dài, người yên vật nhiều.
Chúng sanh ở ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh luôn nghỉ ngơi, không còn bị hành hạ khổ sở nữa, bốn biển vắng lặng.
Người người vui chơi sánh tợ nhân dân được sống dưới thời vua Nghiêu,
Chốn chốn vang tiếng hát ca như cảnh tượng dưới thời vua Thuấn.
Mọi loài hữu tình trong pháp giới đều thành đạo Phật.
Kính cẩn ghi.
TỊCH THỌ - TRINH TƯỜNG

Chữ triện trong hai con dấu vuông tôi nhận ra mặt chữ TỊCH THỌ 寂 壽 (con dấu trên) và TRINH TƯỜNG 禎 祥 (con dấu dưới), là pháp danh và tục danh của nhà sư trụ trì chùa Long Khánh, người đứng thực hiện việc đúc chuông Thái Bình.

Khánh đồng chùa Long Khánh đúc năm 1715 - Ảnh Minh Đức (2009)

Bảo khánh hình bán nguyệt, bằng đồng, vành bán chu đo được 0m45, bìa mặt khắc hai hàng chữ:

隆 慶 寺 乙 未
孟 冬 初 鑄 造

Phiên âm:

Long Khánh tự Ất Mùi
Mạnh Đông sơ chú tạo.

Dịch nghĩa:

Chùa Long Khánh đúc khánh này vào ngày đầu tháng Mạnh Đông (tháng 10) năm Ất Mùi (1715?).
Lầu cao 7m, trống bốn mặt, có cầu thang dẫn lên lầu. Trong lầu có treo quả Đại Hồng chung bằng đồng cao 1m70, đường kính 0m90, nặng 700kg, mệnh danh là “Giác Thế Mộng Chung”. Thân chuông có khắc bài văn như sau:

越 南 國 平 定 省 歸 仁 市 社
敕 賜 隆 慶 寺 住 持 弟 子 釋 心 完 號 慧 隆 合 本 寺 大 眾 並 十 方 本 道 善 男 信 女 等 同 發 菩 提 心 鑄 大 鴻 命 名 覺 世 夢 鐘 圓 完
回 向 功 德 祈 願
佛 日 增 輝 法 輪 常 轉
世 界 太 平 人 民 安 樂
僧 海 和 淨 善 信 福 利
佛 曆 二 千 五 百 十 二 年
農 歷 戊 申 年 十 二 月
陽 曆 一 千 九 百 六 十 九 元 月
釋 迦 牟 尼 世 尊 成 道 寶 日 鑄 成

 Giác Thế Mộng Chung - Ảnh Thanh Nhã (1999)

Phiên âm:

Việt Nam quốc, Bình Định tỉnh, Quy Nhơn thị xã.
Sắc tứ Long Khánh tự, trụ trì đệ tử Thích Tâm Hoàn, hiệu Huệ Long, hiệp bổn tự đại chúng, tịnh thập phương bổn đạo, thiện nam tín nữ đẳng, đồng phát Bồ đề tâm, chú đại hồng mệnh danh Giác Thế Mộng chung viên hoàn.
Hồi hướng công đức, kỳ nguyện:
Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển.
Thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
Tăng hải hòa tịnh, thiện tín phước lợi.
Phật lịch nhị thiên ngũ bách thập nhị niên.
Nông lịch Mậu Thân niên, thập nhị nguyệt.
Dương lịch nhất thiên cửu bách lục thập cửu, nguyên nguyệt.
Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn thành đạo bảo nhật chú thành.

Dịch nghĩa:

Nước Việt Nam, tỉnh Bình Định, thị xã Quy Nhơn.
Chùa Long Khánh được vua ban biển Sắc tứ có trụ trì là Thích Tâm Hoàn hiệu Huệ Long, hiệp đại chúng trong chùa, cùng bổn đạo mười phương thiện nam tín nữ các hạng, đồng phát tâm Bồ đề đúc chuông lớn đặt tên là chuông Đánh Thức Người Trần Tỉnh Mộng. Nay chuông đã đúc thành.
Xin hồi hướng công đức này để cầu nguyện:
Mặt trời Phật ngày càng sáng, bánh xe Pháp luôn quay đều.
Thế giới yên ổn lâu dài, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Tăng chúng hòa thuận, thanh tịnh, thiện tín được phước được lợi.
Lịch Phật năm 2512.
Âm lịch ứng dụng trong Nông nghiệp nhằm năm Mậu Thân tháng chạp.
Dương lịch năm 1969, tháng Giêng.
Chuông đúc thành vào ngày báu Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo .

Bên hữu Tiền đường có lầu trống, đối trỉ với lầu chuông, quy cách y như lầu chuông, bên trong có chiếc trống thân dài 1,5m, đường kính mặt trống 1m.

Bên hữu lầu trống, cách lầu này chừng 5m có một động đá nhân tạo khá đồ sộ, lưng quay ra ngoài, mặt hướng vào trong. Giữa động tôn trí pho tượng ngài Tiêu Diện Đại Sĩ bằng gì chưa rõ cao 1m 50 uy phong lẫm liệt. Tượng này khá xưa, đường nét cổ kính, khác hẳn phong cách tượng hàng cùng đề tài phổ biến hàng loạt trong mười mấy năm nay. Ngoài ra còn có hai pho tượng Thánh, một ngồi bằng gỗ, một đứng bằng đá cũng khá sống động. Động có từ xưa, được sửa sang trong những năm 70.

Cạnh động ngài Tiêu Diện có tượng đài Phật Di Lặc bằng xi măng, cao 4m. Sau chánh điện, qua vuông sân khá rộng thì tới Tổ đường.

Mặt tiền Tổ đường - Ảnh Như Tịnh (2011)

Tổ đường là một ngôi nhà tầng, tầng dưới dài 12m, rộng 8m, cao 3m8, dùng làm phòng họp, phòng trai; tầng trên dài 12m, rộng 8m, cao 5m làm nơi thờ phượng chư Tổ chùa Long Khánh và vong linh bổn đạo chùa này.

Ngoài hè Tổ đường có hai tấm hoành gỗ khá cũ kỹ, đều do chư sơn trong tỉnh Khánh hạ vào năm 1927, nhân Hòa thượng Chánh Nhơn tái thiết xong nhà Đông, nhà Tây rồi mở trường Hương:
Tấm trên mày cửa phía tả:

衣 缽 真 傳
Y Bát Chân Truyền

Đích thật đời trước truyền, đời sau nhận cái áo mặc, cái bát ăn của vị Đại đệ tử Đức Phật làm Đệ nhất Tổ Thiền tông Tây Trúc là Ma-ha-ca-diếp.

Nghĩa bóng: Giáo pháp đích thật của Đức Phật được truyền nối tại chùa này.

Tấm trên mày cửa phía hữu:

西 方 駐 節
Tây Phương Trụ Tiết

Cảnh chùa Phật cao lớn lộng lẫy ở phương Tây dừng tại đây.

Nghĩa bóng: Cảnh chùa này chẳng thua gì cảnh chùa ở phương Tây.

Tổ đường chùa Long Khánh - Ảnh Như Tịnh (2011)

Hai bên cửa giữa có treo câu liễn gỗ do chư sơn Khánh hạ vào dịp chùa Long Khánh được vua Bảo Đại ban biển Sắc tứ vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941).

佛 剎 有 餘 輝 荷 一 字 皇 褒 同 生 光 彩
僧 們 無 別 祝 統 五 洲 民 族 立 見 和 平
                              皇 朝 保 大 十 六 年 季 夏
                              平 定 省 諸 山 寺 仝 誌 奉

Phiên âm:

Phật sát hữu dư huy, hạ nhất tự hoàng bao đồng sanh quang thải,
Tăng môn vô biệt chúc, thống ngũ châu dân tộc lập kiến hòa bình.
 Hoàng triều Bảo Đại thập lục niên Quý hạ,Bình Định tỉnh chư sơn tự đồng chí phụng.

Dịch nghĩa:

Chùa Phật có thừa vẻ sáng sủa, nay nhờ ơn vua ban khen một chữ nữa thì cùng lúc đồng sanh ánh huy hoàng rực rỡ;
Tăng sĩ chúng tôi không có lời chúc nào khác lời chúc rằng, mong sao các dân tộc trong năm châu trên thế giới cùng đứng lên, thống nhất lại cho hòa bình xuất hiện.
                                                            Triều đại của Hoàng đế có hiệu năm là Bảo Đại, năm thứ 16 (1941), tháng cuối mùa hè (tháng 3).
                                             Tăng sĩ các chùa trong tỉnh Bình Định đồng cung kính ghi.

Trong nhà Tổ, khám thờ Tổ được đặt ở gian giữa, trước khám có bàn thờ Hội đồng.

Khám thờ Tổ - Ảnh Như Tịnh (2011)

Trong khám tôn trí long vị chư Tổ và bài vị tự Tăng. Hai bên khám có câu liễn:

寶 鏡 高 懸 天 上 遙 覺 賭
金 臺 遠 照 人 間 近 見 聞

Phiên âm:

Bảo kính cao huyền, thiên thượng dao giác đổ,
Kim đài viễn chiếu, nhân gian cận kiến văn.

Dịch nghĩa:

Gương báu treo cao, xa tít trên trời khó thấy biết;
Đèn vàng rọi khắp, gần thay giữa thế dễ nhìn nghe.

Theo lời Hòa thượng Huệ Đồng, Thiền chủ chùa Long Khánh, kể lại thì trước đây tại nhà Tổ có treo câu liễn của triều đình Huế ban cho chùa vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941) nhân dịp chùa Long Khánh vua ban biểu Sắc tứ và cử một đệ tử của Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn là Tâm Không Huệ Phước làm trụ trì Long Khánh tự. Nguyên văn như sau:

國 母 五 旬 敕 賜 恩 頒 隆 慶 寺
皇 朝 十 六 蒙 賞 住 持 慧 福 師
                                 禮 工 部 大 臣 尊 室 廣 恭 錄

Phiên âm:

Quốc mẫu ngũ tuần, sắc tứ ân ban Long Khánh tự,
Hoàng triều thập lục, mông thưởng trụ trì Huệ Phước sư.
                                 Lễ công bộ Đại thần Tôn Thất Quảng cung lục.

Dịch nghĩa:

Nhân lễ mừng mẹ vua được 50 tuổi, nhà vua ra ơn ban biểu Sắc tứ cho chùa Long Khánh;
Triều nhà Nguyễn vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941), triều đình cử sư Huệ Phước làm trụ trì.
                                              Tôn Thất Quảng, thượng thư bộ Lễ kiêm bộ Công cung kính sao lục châu phê của Hoàng thượng trên phiến tấu của bản bộ.

Phía tả vuông sân có Đông đường là dãy nhà dọc làm Tăng phòng, phía hữu vuông sân có Tây đường đối trỉ với Đông đường dùng làm phòng khách, Tàng kinh thất và Phương trượng. Tại đây hiện trân tàng Đại Tạng Kinh 大 藏 經 hai bộ, một bộ là Càn Long Đại Tạng Kinh 乾 龍 大 藏 經 70 tập và một bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 大 正 新 修 大 藏 經 gồm trên trăm tập. Cả hai bộ đều đóng bìa vải mạ chữ vàng rất đẹp.

Nhìn chung, Chánh điện, Tổ đường, Đông đường và Tây đường hợp thành một quần thể kiến trúc có dạng chữ khẩu [口] khá phổ biến tại các chùa trong tỉnh ta.

Ngoài ra, hai bên hông chùa và sau nhà Tổ còn có một số công trình phụ dùng làm trụ sở Giáo hội tỉnh, Tăng phòng, Trù phòng và phòng chế biến thực phẩm làm kinh tế phụ cho chùa.

Bảo tháp chư Tổ và tự Tăng quy tụ thành ba nhóm. Hai nhóm hai bên tượng đài Di Đà phóng quang và một nhóm bên tả nhà Tổ.

Bảo tháp Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn - Ảnh Minh Đức (2009)

Bảo tháp Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long - Ảnh Minh Đức (2009) 


Lai lịch và sự truyền thừa

Lai lịch chùa Long Khánh được Sử quan nhà Nguyễn Gia Miêu triều Duy Tân chép trong pho “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển chi cửu tờ 28a vắn tắt vài dòng như sau:

隆 慶 寺
在 綏 福 縣 錦 上 村 沙 堆 中 施 耐 海 口 之 西 西 臨 磯 潭 嘉 隆 六 年 和 尚 阮 禎 祥 建

Phiên âm:

Long Khánh tự
Tại Tuy Phước huyện, Cẩm Thượng thôn, sa đôi trung, Thi Nại hải khẩu chi tây, tây lâm Ky đàm. Gia Long lục niên, Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường kiến.

Dịch nghĩa:

Chùa tại huyện Tuy Phước, thôn Cẩm Thượng, giữa gò cát, phía tây cửa biển Thi Nại, tây tới đầm Ky. Gia Long năm thứ 6 (1807), Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường dựng nên.

Đối chiếu với bài văn khắc trên chuông Thái Bình dẫn trên thì có mấy vấn đề cần bàn:

1. Những địa danh khắc trên chuông Thái Bình có từ trước đời Gia Long. Những địa danh chép trong Nhất Thống Chí có trong đời Duy Tân. Tựu trung, tên gọi mỗi thời mỗi khác nhưng đều chỉ nơi mà chùa Long Khánh tọa lạc.

2. Hòa thượng Nguyễn Trinh Tường (pháp danh Tịch Thọ, theo bài văn chuông) là người đứng sửa sang thêm cho chùa Long Khánh to cao hơn cũ (sùng tu, theo bài văn chuông) chứ không phải người đầu tiên dựng nên chùa này (kiến) như Nhất Thống Chí chép. Năm sửa chùa, bài văn chuông không chép nhưng có chép năm đúc chuông là năm Ất Sửu (1805) nhằm Gia Long năm thứ 4, có thể chùa đã được sùng tu hoàn tất vào năm đó, trước khi đúc chuông.

3. Trước năm Gia Long thứ 6 (1807) đã có chùa Long Khánh (theo bài văn chuông) thì chùa được dựng nên (kiến) không phải vào năm đó như Nhất Thống Chí chép.

Rõ ràng tác giả đoạn sử trên đã lầm về người khai sơn và năm khai sơn chùa Long Khánh. Vậy ai khai sơn chùa này và chùa được khai sơn vào năm nào? Đáp án này đã có từ cuối thập niên 60, sau khi khảo sát long vị Thiền sư Hải Khiển Đức Sơn có niên đại sanh Kỷ Mùi (1679) tịch Tân Dậu (1741) cùng bảo khánh đúc năm Kỷ Mùi (1739) kết hợp với lời kể của Hòa thượng bổn sư mà thượng tọa Tâm Hoàn Huệ Long đã viết trong bản “Lịch sử chùa Long Khánh” vào năm 1976 như sau:

“1. Người khai sáng ngôi chùa là Hòa thượng Hải Khiển hiệu Đức Sơn đời thứ 35 dòng Lâm Tế. Ngài người Trung Hoa, sinh năm Kỷ Mùi (1679) và mất ngày 2 tháng chạp năm Tân Dậu (1741). Ngài sang Việt Nam, đến thôn Vĩnh Khánh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh lập cảnh chùa mệnh danh là Long Khánh tự. Dựa trên năm sanh và năm vãng của Ngài, ta có thể suy ra Ngài sang Việt Nam và lập chùa này khoảng Ngài 30 tuổi, tức thuộc thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông (1706 - 1729)…”

Di vật hiện còn là tấm khánh dùng để khai hiệu lệnh được đúc vào năm Kỷ Mùi, tức năm 1739, thuộc đời ngài Đức Sơn.

Theo tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” thì người lập nên rồi đứng khai sơn ngôi chùa này là Hòa thượng húy Hải Khiển hiệu Đức Sơn, sanh năm 1679, tịch năm 1741, khai sơn khoảng ngài được 30 tuổi, tức khoảng năm 1709.

Tác giả có cho biết ngài Hải Khiển Đức Sơn thuộc đời thứ 35 dòng Lâm Tế nhưng không cho biết ngài thuộc kệ phái nào. Tôi đã đọc long vị ngài thờ tại chùa Long Khánh cũng thấy ghi “Lâm Tế chánh tông, tam thập ngũ thế” nhưng pháp danh ngài khởi đầu bằng chữ “Hải” thì các dòng kệ có truyền thừa tại Đàng Trong thời bấy giờ thì không có dòng kệ nào có chữ “Hải” thuộc đời 35, chỉ có dòng kệ Trí Bản Đột Không có chữ Hải nhưng thuộc đời 36. Còn ở Trung Quốc có kệ phái nào có chữ Hải thuộc đời 35 hay không thì tôi chưa rõ.

Tác giả viết tiếp:

“2. Hòa thượng Tế Thành hiệu là Lộc Kỳ, thừa kế Hòa thượng Đức Sơn…, dòng Lâm Tế đời thứ 36.
 

3. Đời thứ 37 (hoàn toàn mất di tích, không rõ họ tên).

4. Đời thứ 38, ngài Tịch Thọ, tên thật là Nguyễn Trinh Tường…
 

5. Đời thứ 39, Trụ trì là Hòa thượng Thiên Khánh, pháp danh Tánh Tông, 1768, kế thừa sự nghiệp ngài Tịch Thọ…”

Bàn thờ Phật tại chùa Long Khánh - Ảnh Như Tịnh (2011)

Một nhà sư khác thuộc môn phái Long Khánh, thời gian gần đây có cung cấp tư liệu cho ông Nguyễn Hiền Đức để ông này viết rằng:

“Tổ sư Hải Khiển Đức Sơn thuộc phái thiền Lâm Tế, sanh năm Ất Mùi (1655)… Sau khi thành lập chùa Long Khánh, hoằng hóa một thời gian, Tổ sư viên tịch mồng 2 tháng Chạp năm Tân Dậu (cuối năm 1741, đầu năm 1742).

Kế thế Tổ sư Đức Sơn trụ trì chùa Long Khánh là đệ tử pháp danh Tịch Thọ hiệu Trinh Tường. Sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802), Thiền sư Tịch Thọ tái thiết chùa vào năm Ất Sửu (1802) đúc Thái Bình hồng chung, năm Quý Dậu (1813) trùng tu chùa. Sau đó sư vào Nam hoằng hóa.


Thay thế trụ trì chùa Long Khánh là Đại sư Tánh Tông Thiên Khánh thuộc phái Thiền Lâm Tế, đời 39, chi phái Liễu Quán (truyền theo bài kệ: Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng…).


Thiền sư Hải Khiển Đức Sơn, thực ra là thuộc đời 36 của phái thiền Lâm Tế truyền theo bài kệ của Tổ sư Trí Bản Đột Không (Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tánh Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông).”


Và: “Thiền sư Tế Huyền Ứng Am hoằng hóa ở chùa Long Khánh (Bình Định) còn truyền thừa đến nay: Đại Ngộ Chân Tâm, Đạo Tín Quang Huy, Tánh Tông Thiên Khánh .”

Tôi đã khảo sát long vị chư Tổ tôn trí trong khám thờ Tổ đường Long Khánh cùng hai cổ vật là chuông Thái Bình và Bảo Khánh với tờ khế lập ngày 8 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) của ba tín nữ là Thị Ngũ, Thị Lý và Thị Lệ cúng ruộng cho chùa Long Khánh xin trụ trì Tịch Thọ đặt tự cho tiền nhân, tờ kê khai ruộng đất chùa Long Khánh do trụ trì Nguyễn Trinh Tường lập ngày 29 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) bẩm Khâm mệnh quan Thượng Hiến Đại nhân (là Võ Xuân Cẩn hàm Hiệp tá Đại Học sĩ chức Hình bộ Thượng thư được vua Minh Mệnh cử vào Bình Định làm công tác quân phân điền thổ, sung công chiết cấp từ tháng 7 năm này). Về số ruộng đất sở hữu của chùa và tờ khai chi tiết ruộng đất của chùa Long Khánh do trụ trì Nguyễn Trinh Tường lập ngày mùng 1 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), có mấy điều đáng ghi nhận như sau:

1. Từ Khai tổ Hải Khiển Đức Sơn đến Thiền Sư Tánh Tông Thiên Khánh (cả hai đều có long vị) thì không thấy có long vị Thiền sư Tịch Thọ Trinh Tường mà thấy có long vị Thiền sư Tế Thành Lộc Kỳ đời Pháp thứ 36. Và long vị Thiền sư Đạo Tín Quang Huy đời Pháp thứ 38.

2. Năm sinh trên long vị ngài Hải Khiển Đức Sơn là Ất Mùi (chữ Mùi cũng đọc là Vị) chứ không phải Kỷ Mùi như tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã nhận lầm Ất 乙 ra Kỷ 己.

3. Năm đúc Bảo Khánh cũng Ất Mùi chứ không phải Kỷ Mùi như tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã nhận lầm.

4. Chẳng biết bao nhiêu năm sau năm quân điều chiết cấp – 1839 – Thiền sư Tịch Thọ Trinh Tường vẫn còn sống bởi lẽ sau năm đó sư còn vào hoằng hóa trong Nam.

Từ những điều ghi nhận trên nảy sinh ra mấy điều cần bàn như sau:

1. Về Khai Tổ Hải Khiển Đức Sơn: Nếu đã chấp nhận năm ngài quy tịch là năm Tân Dậu tương ứng Dương lịch là cuối năm 1741 thì năm sinh của ngài là 1655, thọ thế 89 tuổi Dương. Nếu đã chấp nhận ngài khai sơn chùa Long Khánh vào năm 1709 thì lúc bấy giờ ngài đã 54 tuổi, còn thừa thời gian tu học bên Tàu rồi qua Quy Nhơn lập chùa truyền đạo. Nếu đã chấp nhận Bảo khánh được đúc trong đời ngài thì năm đúc là Ất Mùi, tương đương Dương lịch là năm 1715.

2. Về Thiền Sư Tịch Thọ Trinh Tường: Ngài không còn long vị, bảo tháp cũng không nên ta không biết ngài sinh và tịch ở đâu, năm nào? Cũng may tư liệu viết còn lưu lại bài văn chuông và ba văn tự nói trên nên ta biết được rằng ngài đã từng sống từ đầu đời Gia Long (1802) đến cuối đời Minh Mệnh (1840) cũng vẫn còn sống. Cứ tạm lấy năm 1840 làm cái mốc cuối cùng của đời ngài mà tính ngược lên năm Tổ Hải Khiển Đức Sơn Quy tịch (1741)thì được 99 năm. Nếu bảo ngài là đệ tử đích truyền của Tổ khai sơn thì lúc tổ tịch ngài có ít nhất cũng 20 tuổi, đã thọ Đại giới, mới đủ tư cách tiếp thừa Đạo thống. Ta thử làm con toán: 99 + 20 = 119 tuổi! Trong hàng cao Tăng nước ta mà sử sách đã từng chép thì ngoài Hòa thượng Mật Hoằng người Phù Cát, sống dưới thời Gia Long – Minh Mệnh, sống được 101 tuổi Âm, tức 100 tuổi Dương thì chưa ai có thọ toán cao hơn ngài cả. Lẽ nào ngài Tịch Thọ phá kỷ lục mà không ai biết? Thế nên không thể bảo, ngài Tịch Thọ là đệ tử đích truyền của ngài Hải Khiển được, trừ phi ngài Hải Khiển sinh sau 60 năm tức sinh vào năm Ất Mùi (1715), tịch sau 60 năm, tức năm Tân Dậu 1801. Như thế thì khai sơn cũng lùi lại 60 năm (tức năm 1769), đúc khánh cũng lùi lại 60 năm, tức năm Ất Mùi (1775). Khổ nỗi không thể đốn tuổi ngài Hải Khiển xuống được, bởi lẽ cả ông Đức lẫn tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã chấp nhận niên đại sinh tịch của Khai tổ rồi. Ông Đức vướng vì cho rằng hai ngài Hải Khiển, Tịch Thọ có Pháp danh hai đời liền nhau của kê phái Trí Bản Đột Không (Hải 36, Tịch 37) nên cho là thầy trò. Tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” không vướng vì cho rằng giữa hai ngài còn có người đệm, thậm chí tới hai người của hai đời pháp khác nhau… Tôi muốn nói tới ngài Tế Thành Lộc Kỳ và …

3. Về Thiền sư Tế Thành Lộc Kỳ: Ngài có long vị thờ trong khám, long vị ghi “Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập lục thế, thượng Lộc hạ Kỳ, húy Tế Thành Đại Sư Pháp vị" (Pháp vị của Đại sư Pháp danh Tế Thành, Pháp hiệu Lộc Kỳ, đời Pháp thứ 36 tông chánh Lâm Tế), không ghi năm sinh năm tịch. Theo lời Thượng tọa Nguyên Phước thì Ngài có bảo tháp tại núi Trường Úc ngoại thành Quy Nhơn. Tháp khá cũ kỹ, bia bị mờ nhiều chữ, chỉ đọc được mấy chữ: “Tam thập lục thế Lộc Kỳ…” Tuy nhiên, người địa phương xưa nay từng truyền là “Tháp thầy chùa Long Khánh” và bổn tự xưa nay từng tôn ngài là Đệ nhị tổ. Có thể người cung cấp tư liệu cho ông Đức đã nhầm lẫn ngài Tế Thành Lộc Kỳ ở chùa Long Khánh với ngài Tế Lập Ứng Am ở chùa Giác Nguyên (An Nhơn) nên ông Đức mới viết trong sách đã dẫn rằng “Thiền Sư Tế Huyền Ứng Am hoằng hóa ở chùa Long Khánh”. Thật ra, ở Long Khánh chỉ thấy dấu vết (qua long vị) của ngài Tế Thành Lộc Kỳ, không hề thấy dấu của ngài Tế Lập Ứng Am hoặc Tế Huyền (theo ông Đức) cũng hiệu Ứng Am.

4. Về đời thứ 37 (hoàn toàn mất di tích không rõ họ tên): Thật ra, trụ trì chùa Long Khánh có đời Pháp 37 không ai khác hơn là ngài Tịch Thọ, thế danh Nguyễn Trinh Tường mà Pháp hiệu cũng là Trinh Tường như con dấu thứ 2 khắc trên chuông Thái Bình. Nếu bảo ngài thuộc đời thứ 38 thì tất cả các dòng kệ có truyền thừa tại Đàng Trong lúc bấy giờ không có dòng kệ nào đời 38 mang chữ Pháp là Tịch, chỉ có dòng kệ Trí Bản Đột Không có chữ Tịch nhưng thuộc đời Pháp thứ 37. Do bởi Ngài không còn long vị nên tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã án chừng mà viết như trên.

5. Về Thiền sư Tánh Tông Thiên Khánh: Cả ông Đức lẫn tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đều cho rằng ngài Tánh Tông Thiên Khánh kế thừa sự nghiệp của ngài Tịch Thọ Trinh Tường để lại. Không hiểu sao ngài Tịch Thọ không cử đệ tử thuộc Kệ phái Trí Bản Đột Không làm trụ trì mà lại giao chùa cho một vị Thiền sư thuộc đời 39 theo Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán là ngài Tánh Tông Thiên Khánh? Hiện trong khám thờ Tổ có long vị của Thiền sư Đạo Tín hiệu Quang Huy thuộc đời Pháp thứ 38 của Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán. Cả ông Đức lẫn tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đều không xếp vị này vào lịch đại Trụ trì chùa Long Khánh mặc dù có thấy long vị của ngài. Không xếp là đúng, bởi lẽ Thiền sư Đạo Tín Quang Huy là trụ trì chùa Tịnh Lâm ở Phù Cát, là Sư phụ của Thiền sư Tánh Tông Thiên Khánh. Sở dĩ Ngài có long vị thờ tại chùa Long Khánh là do đệ tử Tánh Tông lập để thờ thầy. Từ đời ngài Tánh Tông trở đi, kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán truyền thẳng một mạch không hề gián đoạn, nay đã tới chữ Nhuận đời 46. Ngài là người đầu tiên truyền kệ phái này tại chùa Long Khánh.

Tóm lại, lai lịch và sự truyền thừa các đời đầu tại chùa Long Khánh được đoán định như sau:

1. Tổ Khai sơn: Thiền Sư Hải Khiển Đức Sơn sinh 1655 (?), tịch 1741 (?), khai sơn chùa Long Khánh 1709 (?), đời Pháp 35 chưa rõ Kệ phái.

2. Trụ trì: Thiền Sư Tế Thành Lộc Kỳ, đời pháp thứ 36, tôi cho là thuộc Kệ phái Tổ Định Tuyết Phong, chứ không phải là đệ tử Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, thuộc đời 36 của dòng kệ này, như ông Đức tưởng (sẽ nói sau).

3. Trụ trì: Thiền sư Tịch Thọ Trinh Tường thuộc đời Pháp 37, kệ Phái Trí Bản Đột Không, sống ở cuối thời Nhị Nguyễn tranh hùng đến những năm đầu đời Thiệu Trị.

4. Trụ trì: Thiền sư Tánh Tông Thiên Khánh, sinh năm 1768 (Mậu Tý), lúc ngài Tịch Thọ giao chùa Long Khánh để vào Nam hoằng hóa (khoảng năm 1840) thì ngài Tánh Tông đã trên 70 tuổi, có thể ngài đã có rất nhiều năm ở Long Khánh làm trợ thủ cho sư trụ trì để xây dựng và củng cố tự viện. Trong tờ bẩm và tờ khai ruộng đất của chùa đã nói trên kia thấy có liền sau tên “Long Khánh tự, trụ trì tăng Nguyễn Trinh Tường”“Tăng chúng Lê Chánh Tâm” đến cuối bản cả hai người cũng điểm chỉ liền nhau. Phải chăng Lê Chánh Tâm là thế danh của Thiền sư Tánh Tông Thiên Khánh?

Long Khánh Tự - từ triệu kiến đến nay 

Thoạt kỳ thủy chùa Long Khánh được xây dựng bằng gỗ và tranh, chánh điện là ngôi nhà lá mái tại chỗ và theo tọa hướng chánh điện hiện nay, nhà Đông nhà Tây chỉ là những ngôi nhà cặp, đơn sơ. Cục diện chùa lúc Khai tổ Hải Khiển Đức Sơn triệu kiến khoảng năm 1709 theo truyền thuyết chỉ có thế.

Từ năm Tân Mão (1771) họ Nguyễn Tây Sơn khởi dấy đến năm Nhâm Tuất (1802) nhà Tây Sơn cáo chung. Trong vòng 30 năm ấy thì Chợ Giã là bãi chiến trường của bộ binh hai họ Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu, biển Thi Nại là nơi thư hùng của thủy quân hai họ ấy, chùa Long Khánh nằm giữa địa trận và cạnh thủy trận thì làm sao tránh khỏi cảnh thành cháy vạ lây!

Cho nên sau khi Gia Long lên ngôi (1802), trụ trì chùa Long Khánh lúc bấy giờ là Thiền sư Tịch Thọ Trinh Tường đã cho sửa sang lại chùa cũ để có chỗ quy ngưỡng cho tăng tín đồ rồi chuẩn bị tài vật đến năm Ất Sửu (1805) thì dựa trên quy mô cũ mà tái thiết chánh điện bằng gạch và ngói, chùa tranh thành chùa ngói bắt đầu từ đây.

Sang đời ngài Tánh Tông Thiên Khánh thì nhà Đông nhà Tây cũng được tái thiết để có chỗ tiếp tăng độ chúng.

Đến đời ngài Trừng Chấn Chánh Nhơn thì ngài cho sửa sang và mở rộng hai nhà Đông và nhà Tây để có chỗ mở trường Hương (năm 1927) rồi mở Phật học đường (năm 1939 - 1940) đón nhận học tăng từ các tỉnh trong Nam ra, từ bốn tỉnh Nam Ngãi Bình Phú tới.

Qua đời Thượng tọa Tâm Hoàn Huệ Long làm trụ trì thì chùa bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp (1945-1954). Thượng tọa viết trong bản “Lịch sử chùa Long Khánh”:

“Vào năm 1946 cuộc chiến ác liệt giữa Pháp-Việt, chư tăng bổn tự cũng như đồng bào đều tản cư về thôn quê lánh nạn. Đầu năm 1948 mới hồi cư. Cũng năm 1948, Rằm tháng 7 năm Mậu Tý, Hòa Thượng Chánh Nhơn viên tịch, tăng tín đồ chịu tang Ngài trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng đau đớn. Chiến tranh lại tiếp diễn, lệnh tản cư được ban hành, chúng tăng lại tiếp tục tản cư một lần nữa, trong hoàn cảnh bùi ngùi xót xa, tất cả Phật tượng Pháp khí không mang theo được gì. Đến năm 1954 mới đình chiến, chúng tăng lại trở về thì cảnh chùa giờ đây hoang tàn lạnh lẽo, gạch bể ngói vụn bừa bãi đó đây, Phật tượng bị đập bể, tài sản Pháp khí mất hết, đến nỗi lượm chai để cắm hoa cúng Phật, dùng lon sữa thay lư cắm hương, lấy lon sữa làm chén bát ăn, bẻ cành cây làm đũa và không một chiếc chiếu lót thân…
 

Ngày 24-9-1957, Hòa thượng Huệ Chiếu, trưởng môn phái hiệp cùng bổn tự quyết định trùng tu lại ngôi Tổ đình bằng cách bán ruộng chùa (tất cả là 10 mẫu 7 sào 6 thước 3 tấc) cùng sự đóng góp của chư thiện tín để sử dụng trong việc trùng tu này. Kể từ năm 1957 đến nay (1976), tất cả quang cảnh, Phật tượng, Pháp khí đều hoàn toàn mới tạo lập, đó là công trình kiến thiết liên tục trong gần 20 năm qua. Quang cảnh chùa Long Khánh hôm nay hoàn toàn khác hẳn ngày xưa nhưng vẫn còn giữ những đường nét cơ bản để đánh dấu một ngôi Tổ đình có bề dày lịch sử gần 300 năm.”

Tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” không nói rõ thời điểm xây chùa tô tượng đúc chuông trong đời ngài Tâm Hoàn Huệ Long trụ trì. Những chi tiết sau đây do đệ tử của Ngài là Thượng tọa Nguyên Phước, đương kim trụ trì Long Khánh tự cung cấp:

- Chánh điện tái thiết hoàn thành năm 1956-1957.
- Đồng tượng Đức Thế Tôn (hiện thờ trong chánh điện) đúc năm 1960.
- Lầu chuông lầu trống đều được tái thiết 1971.
- Giác Thế Mộng Đại hồng chung đúc năm 1969.
- Đông đường Tây đường trùng tu xong năm 1967.
- Tượng đài Di Đà phóng quang xây dựng năm 1972.
- Tổ đường (tầng trên), Giảng đường (tầng trệt) tái thiết 1967.
- Tam quan và bờ thành xây xong năm 1958.

Năm Tân Dậu (1981), Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long viên tịch, môn phái trạch cử đệ tử của Hòa thượng là Thượng tọa Nguyên Phước kế vị trụ trì. Từ ấy đến nay, Thượng tọa đã xây thêm các dãy nhà phụ để đủ chỗ dung nạp tăng chúng thường trú và Hạ trú, dựng tượng đài Di Lặc.

Lịch đại trụ trì Chùa Long Khánh

Tư liệu dùng viết phần này gồm có các long vị cùng các bia tháp chư Tổ, bài văn chuông Thái Bình và bài văn chuông Giác Thế Mộng, bài “Lịch sử chùa Long Khánh” của Thượng tọa Tâm Hoàn Huệ Long, lời kể của đương kim trụ trì Thượng tọa Thích Nguyên Phước. Tư liệu đã ít ỏi lại có chỗ còn tồn nghi, nhất là những đời đầu lý lịch còn khiếm khuyết nói chi đến hành trạng. Tuy nhiên, có bao nhiêu viết bấy nhiêu, hy vọng sau này có người tìm thấy những phát kiến mới mà bổ sung. Mời bạn đọc:

Tổ Khai sơn: Thiền sư húy Hải Khiển, hiệu Đức Sơn, đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, chưa rõ ngài thuộc kệ phái nào, đệ tử ai. Căn cứ vào long vị hiện còn thì ngài sinh năm Ất Mùi. Ông Nguyễn Hiền Đức tác giả bộ “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong” đoán định Dương lịch là năm 1655; Ngài tịch năm Tân Dậu, cả ông Đức lẫn tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đều đoán định Dương lịch là năm 1741. Như vậy, ngài thọ được 89 tuổi Dương. Tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” căn cứ theo truyền thuyết trong chùa thì ngài là người Trung Hoa, đã xuất gia tu học từ bên ấy rồi mới sang Quy Nhơn lập chùa Long Khánh niên đại lập chùa là khoảng năm Kỷ Sửu (1709) (?). Tháp ngài ở đâu chưa rõ, (hiện trong vườn chùa có hai ngôi tháp cổ, bia bằng đá xanh nhưng nét chữ đã mờ không đọc được, không ai dám quả quyết là tháp của ai, chỉ biết là của các đời trước). Long vị hiện còn:

Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 三 十 五 世 諱 海 遣 號 上 德 下 山 大 老 和 尚 座 位
元 生 乙 未 年 昧 月 日 時
故 於 辛 酉 年 十 二 月 初 二 日 而 終


Long vị Tổ Hải Khiển Đức Sơn - Ảnh Minh Đức (2009)

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Ngũ Thế, Húy HẢI KHIỂN thượng ĐỨC hạ SƠN Đại Lão Hòa Thượng Tọa Vị.
Nguyên sinh Ất Mùi niên muội nguyệt nhật thời.
Cố ư Tân Dậu niên thập nhị nguyệt sơ nhị nhật nhi chung.

Dịch nghĩa:

Nơi ngự của Giác linh Đại lão Hòa thượng Pháp danh Hải Khiển, Pháp hiệu Đức Sơn, đời Pháp thứ 35, nối tiếp tông chánh Lâm Tế.
Nguyên sinh năm Ất Mùi (1655) chưa rõ tháng ngày giờ,
Mất năm Tân Dậu (1741) tháng Chạp ngày mồng 2.

Di vật hiện còn là bảo khánh đúc năm Ất Mùi được đoán định là Dương lịch 1715.

2. Trụ trì: Thiền sư húy Tế Thành hiệu Lộc Kỳ, đời pháp thứ 36 tông chánh Lâm Tế thuộc kệ phái Tổ Định Tuyết Phong, do Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch truyền ở Đàng Trong. Ngài còn long vị.

Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 三 十 六 世 上 祿 下 琦 諱 際 誠 大 師 法 位


Long vị Tổ Lộc Kỳ Tế Thành - Ảnh Minh Đức (2009) 

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Lục Thế thượng LỘC hạ KỲ húy TẾ THÀNH Đại Sư Pháp Vị.

Dịch nghĩa:

Pháp vị của Đại sư Pháp danh Tế Thành, Pháp hiệu Lộc Kỳ, đời Pháp thứ 36, nối tiếp tông chánh Lâm Tế.
Tháp ngài Tế Thành Lộc Kỳ ở núi Trường Úc, tây bắc ngoại thành Quy Nhơn. Tháp đã hư hỏng, bia tháp chỉ còn mấy chữ:
三 十 六 世 祿 琦 … Tam thập lục thế Lộc Kỳ…

3. Trụ trì: Thiền sư húy Tịch Thọ, hiệu Trinh Tường, thế danh Nguyễn Trinh Tường. Ngài không còn long vị tại chùa, bảo tháp ở đâu cũng chưa rõ. Căn cứ vào bài văn khắc trên chuông Thái Bình do Ngài đúc năm Gia Long thứ 4 (1805) cùng tờ khế cúng ruộng của ba tín nữ lập năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) với tờ bẩm và khai ruộng đất chùa do Ngài lập vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839); ta có thể đoán rằng Ngài đã sống tại chùa Long Khánh từ cuối cuộc Nhị Nguyễn tranh hùng - đầu đời Gia Long (1802) đến cuối đời Minh Mệnh đầu đời Thiệu Trị (1841). Và căn cứ vào Pháp danh của Ngài khởi đầu chữ Tịch, ta có thể đoán định ngài thuộc đời Pháp 37 kệ phái Trí Bản Đột Không.

Ngài có công đúc chuông Thái Bình và tái thiết chùa cũ, thay tranh lợp ngói vào năm Ất Sửu (1805), (có lẽ vì vậy mà Sử quan triều Duy Tân lầm tưởng ngài là người đầu tiên lập nên chùa này).

Ngoài ra, theo tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” Ngài còn “từ năm Gia Long thứ 9 đến Gia Long thứ 14 (1810 - 1815). Ngài khai khẩn thêm đến 8 mẫu ruộng” nhưng căn cứ theo tờ bẩm và tờ khai nói trên thì cho tới ngày 29 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) thì tổng cộng ruộng chùa chỉ có 3 mẫu 4 sào 2 thước 5 tấc. Trong số đó, có 7 sào ở ấp Quảng Vân do trụ trì Nguyễn Trinh Tường tạo lập, số còn lại ở 2 ấp An Định và Bình Thạnh do bổn đạo cúng trí tự trong đời Minh Mệnh. Lẽ nào ruộng khẩn đã lâu mà chưa thành điền? Hoặc giả, số ruộng khẩn chưa lên tới mức ấy chăng?

Long vị Tổ Tánh Tông Thiên Khánh - Ảnh Minh Đức (2009)

Tương truyền về cuối đời, Ngài vào hoằng hóa trong Nam, cho nên tư liệu thành văn chỉ còn hai văn kiện trên làm cái mốc cho đời Ngài, sau năm 1839 hoàn toàn bặt dấu! Hỡi ôi! Ngài như thần long, kiến thủ bất kiến vĩ!

4. Trụ trì: Thiền sư húy Tánh Tông, hiệu Thiên Khánh, đời pháp thứ 39 kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán.
Theo long vị hiện còn thì ngài sinh năm Mậu Tý (1768). Là đệ tử của Hòa thượng Đạo Tín Quang Huy, trụ trì chùa Tịnh Lâm ở Phù Cát. Lúc ngài nhận chức trụ trì chùa Long Khánh để ngài Tịch Thọ Trinh Tường rảnh tay mà vào Nam hoằng hóa thì ngài đã trên 70 tuổi. Tôi ngờ rằng Ngài là “tăng chúng” đứng tên ký chung với trụ trì Nguyễn Trinh Tường trong tờ bẩm và tờ khai nói trên. Nếu đúng như thế thì thế danh của ngài là “Lê Chánh Tâm”. Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 三 十 九 世 諱 性 宗 上 天 下 慶 大 老 和 尚 蓮 座
元 生 戊 子 年 昧 月 日 時
Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Cửu Thế Húy TÁNH TÔNG thượng THIÊN hạ KHÁNH Đại Lão Hòa Thượng Liên Tòa.
Nguyên sinh Mậu tý niên muội nguyệt nhật thời.

Dịch nghĩa:

Tòa sen, nơi ngự của Giác linh Đại lão Hòa thượng Pháp danh Tánh Tông, Pháp hiệu Thiên Khánh, đời Pháp thứ 39, nối tiếp tông chánh Lâm Tế.
Nguyên sinh năm Mậu Tý (1768) chưa rõ tháng ngày giờ.

Trên long vị hàng tịch còn chừa trống. Điều đó cho ta biết long vị được làm lúc Ngài còn sống, sau khi tịch rồi đệ tử chưa kịp khắc niên đại quy tịch, cho đến nay ta không biết được Ngài tịch năm nào.
Ngài có công tái thiết Đông đường, Tây đường để có chỗ dung nạp Tăng chúng tu học. Môn phái Long Khánh hôm nay được xương thạnh không thể quên công ơn người mở đầu truyền kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán là Ngài.

Sinh thời, Ngài có lập long vị bổn sư để thờ tại chùa:

Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 三 十 八 世 諱 道 信 上 光 下 輝 大 德 和 尚 之 座 位

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Bát Thế Húy ĐẠO TÍN, thượng QUANG hạ HUY Đại Đức Hòa Thượng Chi Tọa Vị.

Dịch nghĩa:

Nơi ngự của Giác linh Đại đức Hòa thượng Pháp danh Đạo Tín, pháp hiệu Quang Huy, đời Pháp thứ 38, nối tiếp tông chánh Lâm Tế.

Do có long vị này mà gần đây có người lầm tưởng ngài Đạo Tín Quang Huy từng làm trụ trì chùa Long Khánh.

Ngài Tánh Tông Thiên Khánh làm trụ trì được bao lâu chưa rõ, chỉ biết Ngài tịch tại chùa này, nhập tháp trong vườn chùa. Nay là đầu phía hữu tượng đài Di Đà, tức đầu góc Tây nam vườn chùa. Tháp Tổ tại chùa Long Khánh biết được lai lịch thì tháp Ngài trước tiên. Bia tháp ghi:

嗣 臨 濟 正 譜 三 十 九 世 隆 慶 堂 上 諱 性 宗 上 天 下 慶 大 老 和 尚 之 寶 塔

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Phổ Tam Thập Cửu Thế Long Khánh Đường Thượng Húy TÁNH TÔNG thượng THIÊN hạ KHÁNH Đại Lão Hòa Thượng Chi Bảo Tháp.

Dịch nghĩa:

Tháp báu chứa nhục thân Đại lão Hòa thượng Pháp danh Tánh Tông, Pháp hiệu Thiên Khánh, đời pháp thứ 39 nối tiếp tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh.

Ngài có nhiều đệ tử thành danh, trong đó có ba vị là Hải Huệ Chánh Đạo, Hải Hội Chánh Nguyên, Hải Khoát Chí Thanh nối nhau làm trụ trì Long Khánh tự (trong 3 ngài, có một ngài mở giới đàn được tôn làm Đường đầu Hòa thượng) và một vị là Hải… Pháp hiệu Chánh Trí làm Thủ tọa chùa Long Khánh, từng làm Giáo thọ giới đàn. Đặc biệt Ngài còn thu nhận cả Pháp tôn của Đệ nhị tổ Tế Thành Lộc Kỳ, đơn cử như Thiền sư Chơn Long Chí Đạo đời pháp thứ 40 kệ phái Tổ Định Tuyết Phong và thu nhận cả đệ tử của vị trụ trì tiền nhiệm là Tịch Thọ Trinh Tường, đơn cử như Thiền sư Chiếu Tâm Chánh Niệm đời Pháp 38 kệ phái Trí Bản Đột Không. Được Ngài đặt thêm Pháp danh là Hải Tề, Pháp hiệu Chánh Khoan. Thiền sư Chơn Long Chí Đạo còn long vị:

Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 四 十 世 諱 真 隆 號 志 道 力 生 覺 靈 蓮 座

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Tứ Thập Thế Húy CHƠN LONG Hiệu CHÍ ĐẠO Lực Sanh Giác Linh Liên Tòa.

Dịch nghĩa:

Tòa sen, nơi ngự của Giác linh vị Thiền sư có mười tuổi Hạ trở lên Pháp danh Chơn Long, Pháp hiệu Chí Đạo, đời Pháp thứ 40, nối tiếp tông Lâm Tế.

Ngài còn bảo tháp phía đông bắc nhà Tổ, cụm tháp này có ba tòa đứng hàng ngang, tháp Ngài đứng giữa. 

Bia tháp ghi:

臨 濟 譜 四 十 世 諱 真 隆 號 志 道 力 生 覺 靈 之 寶 塔

Phiên âm:

Lâm Tế Phổ Tứ Thập Thế Húy CHƠN LONG Hiệu CHÍ ĐẠO Lực Sanh Giác Linh Chi Bảo Tháp.

Dịch nghĩa:

Tháp báu của Giác linh vị Thiền sư có mười tuổi Hạ trở lên, Pháp danh Chơn Long, Pháp hiệu Chí Đạo, đời Pháp thứ 40 tông Lâm Tế.

Tưởng cũng nên nói luôn là hai vị Chiếu Tâm Chánh Niệm và Giáo thọ Chánh Trí không thấy còn long vị mà còn bảo tháp đứng chung với tháp ngài Chơn Long Chí Đạo. Tháp Giáo thọ Chánh Trí đứng bên tả ngài 
Chơn Long, lòng bia ghi:

隆 慶 寺 首 座 正 智 教 授 之 塔

Phiên âm:

Long Khánh Tự Thủ Tọa CHÁNH TRÍ Giáo Thọ Chi Tháp.

Dịch nghĩa:

Tháp của Giáo thọ hiệu Chánh Trí làm Thủ tọa chùa Long Khánh.

Tháp Thiền sư Chiếu Tâm Chánh Niệm đứng bên hữu tháp ngài Chơn Long, lòng vị ghi:

臨 濟 正 宗 四 十 世 炤 心 正 念 海 齊 正 寬 禪 師 靈 塔

Phiên âm:

Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Thế CHIẾU TÂM CHÁNH NIỆM, HẢI TỀ CHÁNH KHOAN Thiền Sư Linh Tháp.

Dịch nghĩa:

Tháp linh của Thiền sư Chiếu Tâm Chánh Niệm, Hải Tề Chánh Khoan, đời Pháp thứ 40, tông chánh Lâm Tế.

Xem ra, trong đời ngài Tánh Tông Thiên Khánh thì đại chúng có đủ truyền nhân của ba kệ phái Tổ Định Tuyết Phong, Trí Bản Đột Không và Thiệt Diệu Liễu Quán cùng sống chung trong một chùa. Rồi sau khi Tổ tịch, ngôi vị trụ trì chùa Long Khánh vẫn do người của kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán nối nhau thừa kế không hề gián đoạn. Được vậy là nhờ cái tinh thần lục hòa có từ thời Ngài còn tại thế. "Sáng lập nan, thủ thành bất dị" quả không ngoa vậy.

5. Trụ trì: Thiền sư húy Hải Huệ, hiệu Chánh Đạo, đời Pháp thứ 40 kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, là đệ tử của Hòa thượng Tánh Tông Thiên Khánh, kế vị trụ trì Long Khánh tự sau khi Sư phụ quy tịch. Long vị hiện còn:

Lòng vị ghi:

臨 正 宗 四 十 世 上 海 下 慧 號 正 道 大 師 之 覺 靈

Phiên âm:

Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Thế thượng HẢI hạ HUỆ Hiệu CHÁNH ĐẠO Đại Sư Chi Giác Linh.

Dịch nghĩa:
(Nơi ngự của) Giác linh Đại sư Pháp danh Hải Huệ, Pháp hiệu Chánh Đạo, đời Pháp thứ 40, tông chánh Lâm Tế.

Chưa rõ tháp sư ở đâu.

6. Trụ trì: Thiền sư húy Hải Hội, hiệu Chánh Nguyên, đời Pháp thứ 40 kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, là đệ tử của Hòa thượng Tánh Tông Thiên Khánh, nối theo Thiền sư Hải Huệ Chánh Đạo làm trụ Trì Long Khánh tự. Long vị hiện còn:

Lòng vị ghi:

臨 濟 正 譜 嗣 祖 四 十 世 隆 慶 寺 住 持 法 名 海 會 號 正 元 禪 師 

Phiên âm:

Lâm Tế Chánh Phổ Tự Tổ Tứ Thập Thế Long Khánh Tự Trụ Trì Pháp Danh HẢI HỘI Hiệu CHÁNH NGUYÊN Thiền Sư.

Dịch nghĩa:

Thiền sư Pháp danh Hải Hội, Pháp hiệu Chánh Nguyên, đời Pháp thứ 40, nối tiếp tông chánh Lâm Tế, làm trụ trì chùa Long Khánh.

Tháp sư ở đâu chưa rõ.

7. Trụ trì: Thiền sư Hải Khoát hiệu Chí Thanh, đời Pháp thứ 40 kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, là đệ tử Hòa thượng Tánh Tông Thiên Khánh, nối tiếp Thiền sư Hải Hội Chánh Nguyên mà làm trụ trì Long Khánh tự. Căn cứ vào tiểu sử của Quốc sư Phước Huệ thì vào năm 1889, Ngài có khai đàn truyền giới tại chùa Long Khánh, giới tử đắc pháp là Thiền sư Chơn Luận Phước Huệ, về sau trở thành một bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam. Long vị hiện còn, lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 譜 四 十 世 隆 慶 寺 沙 門 諱 海 闊 法 師 和 尚 之 位
生 於 戊 寅 年 四 月 昧 日
往 於 丙 戌 年 十 月 初 八 日

Phiên âm:


Tự Lâm Tế Phổ Tứ Thập Thế Long Khánh Tự Sa Môn Húy HẢI KHOÁT Pháp Sư Hòa Thượng Chi Vị.
Sinh ư Mậu Dần niên tứ nguyệt muội nhật.
Vãng ư Bính Tuất niên thập nguyệt sơ bát nhật.

Dịch nghĩa:

Long vị của Hòa thượng Pháp sư húy Hải Khoát, đời 40, nối tông chánh Lâm Tế tại chùa Long Khánh.
Sinh năm Mậu Dần (1818) tháng 4 chưa rõ ngày.
Tịch năm Bính Tuất (1886) tháng 10 ngày 8.

Tháp ở góc Tây nam vườn chùa, giữa hai tháp Thiên Khánh và Chánh Nhơn, lòng bia ghi:

臨 濟 正 宗 號 志 清 和 尚 之 寶 塔
Phiên âm:

Lâm Tế Chánh Tông Hiệu CHÍ THANH Hòa Thượng Chi Bảo Tháp. 

Dịch nghĩa:

Tháp báu của Hòa thượng hiệu Chí Thanh tông chánh Lâm Tế.

8. Trụ trì: Thiền sư húy Thanh Cần, hiệu Quảng Diễn, sinh năm 1849, tịch năm 1917, đời Pháp thứ 41 Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, là đệ tử của Thiền sư Hải Hội Chánh Nguyên, kế vị sư thúc là Hòa thượng Hải Khoát Chí Thanh làm trụ trì Long Khánh tự sau khi sư thúc quy tịch.

Long vị Tổ Thanh Cần Quảng Diễn - Ảnh Minh Đức (2009)

Trong đời Ngài có mở đàn truyền giới vào năm Đinh Mùi (1907) tại chùa Long Khánh và làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn này.

Ngài là một bậc danh Tăng thạc đức, được chư sơn kính ngưỡng. Cứ xem lúc Quốc sư Chơn Luận Phước Huệ, Tăng cang trụ trì Tổ đình Thập Tháp Di Đà được hai vua Thành Thái rồi Duy Tân vời về Kinh hoằng truyền Phật pháp thì Ngài được chư sơn trong tỉnh công cử xử lý trụ trì Tổ đình Thập Tháp trong hai năm (1908-1909) thì đủ biết uy tín và ảnh hưởng của Ngài lớn rộng thế nào rồi. Trong hai năm kiêm nhiệm chức Chánh tự chùa Thập Tháp, tăng chúng chùa này đã thọ ơn Pháp nhũ của Ngài không phải ít bởi Ngài đã thay Quốc sư Phước Huệ mà hướng dẫn họ tu học như đã từng dạy dỗ đệ tử mình tại chùa Long Khánh. Cái đức bao dung của Ngài thật đáng kính. Long vị Ngài hiện còn, lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 四 十 一 世 隆 慶 堂 上 諱 清 勤 上 廣 下 演 大 老 和 尚 蓮 座
生 於 己 酉 年 正 月 十 五 日 辰 刻

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Tứ Thập Nhất Thế Long Khánh Đường Thượng Húy THANH CẦN thượng QUẢNG hạ DIỄN Đại Lão Hòa Thượng Liên Tòa.
Sinh ư Kỷ Dậu niên chánh nguyệt thập ngũ nhật Thìn khắc.
Dịch nghĩa:

Tòa sen (nơi ngự của Giác linh) Đại lão Hòa thượng, Pháp danh Thanh Cần, Pháp hiệu Quảng Diễn, đời Pháp thứ 41, nối tiếp tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh.
Sinh năm Kỷ Dậu (1849) tháng Giêng ngày Rằm giờ Thìn.

Trên long vị hàng tịch còn chừa trống, chưa khắc nhưng người trong chùa còn nhớ ngài tịch ngày 27 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1917), thế thọ 68 tuổi dương, 69 tuổi âm.

Tháp ngài ở phía tả tượng đài Di Đà, tức góc Đông nam vườn chùa.

Bia tháp ghi:

嗣 臨 濟 正 譜 四 十 一 世 隆 慶 堂 上 諱 清 勤 上 廣 下 演 大 老 和 尚 之 塔

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Phổ Tứ Thập Nhất Thế Long Khánh Đường Thượng Húy THANH CẦN thượng QUẢNG hạ DIỄN Đại Lão Hòa Thượng Chi Tháp.

Dịch nghĩa:

Tháp của Đại lão Hòa thượng Pháp danh Thanh Cần, Pháp hiệu Quảng Diễn, đời Pháp thứ 41, nối tiếp tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh.

9. Trụ trì: Thiền sư húy Trừng Chấn, hiệu Chánh Nhơn, sinh năm 1882, tịch năm 1948, đời Pháp thứ 42 Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, là đệ tử của Hòa thượng Thanh Cần Quảng Diễn, kế vị Sư phụ làm trụ trì Long Khánh tự sau khi Bổn sư quy tịch (năm 1917).

Ngài người thôn Hưng Nghĩa, huyện Tuy Phước, đồng ấu xuất gia. Khi kế vị trụ trì Ngài đã 35 tuổi, học hành tinh chuyên, sớm có tư tưởng chấn hưng Phật giáo theo chiều hướng cải cách của Thái Hư Đại sư bên Trung Quốc. Trước hết Ngài cho đại tu bổ Đông đường Tây đường để có chỗ đào tạo tăng tài. Năm Đinh Mão (1927) Ngài mở Hương trường 3 tháng giảng dạy chư Tăng trong và ngoài tỉnh tại Long Khánh, cuối trường mở giới đàn để trao truyền giới pháp và Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng. Năm Canh Ngọ (1930) Ngài đứng cải tạo chùa Long Thạnh 隆 盛 寺 nay thuộc thôn Tây Định, xã Nhơn Bình, Thành phố Quy Nhơn. Năm Tân Mùi (1931) Ngài đứng làm chủ trương trùng tu chùa Hưng Long 興 隆 寺 (tục gọi chùa Phật Vòi) nay thuộc thôn Tân Dương, xã Nhơn An, huyện An Nhơn. Năm Bính Tý (1936) Ngài đứng tái tạo chùa Bình Quang 平 光 寺 nay thuộc thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Năm 1934, hội An Nam Phật học ra đời. Từ ấy đến năm 1943, cơ quan diễn giảng và thi hành Phật sự của tỉnh hội được chọn đặt tại chùa Long Khánh, Ngài là người đầu tiên sáng lập hội và trường Phật học tại tỉnh ta.

Theo tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” thì “Năm 1939-1940, Ngài mở Phật học đường tại chùa Long Khánh, cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ trụ trì chùa Thập Tháp làm chủ giảng, Hòa thượng Bích Liên, Bạch Sa, Minh Tịnh làm phụ giảng. Chư tăng ở miền Nam như Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Thượng tọa Huyền Tân ở Phan Rang; Hòa thượng Hành Trụ, Thượng tọa Hành Long ở Phú Yên v.v... khắp nơi các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đều có người tham học. Sau đó, tất cả đều tiếp tục theo học Phật học đường tại Huế.”

Nhưng Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bút danh Nguyễn Lang, tác giả bộ “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb. Văn học Hà Nội-1994, tập III, trang 150 thì lại viết: “Hội Phật học Bình Định là một trong những hội hoạt động khá nhất ở Trung Kỳ. Tại chùa Long Khánh, một Phật học đường cấp Trung đẳng được hội thiết lập đầu năm 1937 do Thiền sư Phước Huệ đứng làm Đốc giáo. Thiền sư Phước Huệ vì lý do sức khỏe từ đây chỉ ở lại Bình Định và dạy Phật học đường Long Khánh, chứ không ra Huế nữa. Vì lý do đó, nhiều học tăng lớp Đại học tại Huế, trong số có nhiều vị được gởi từ Phật học đường Lưỡng Xuyên ra, đã theo về Bình Định và tiếp tục học nơi Phật học đường Long Khánh. Trong số đó ta có thể kể Thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không và Bửu Ngọc. Các Thiền sư Bích Liên (ở Nam về), Bạch Sa, Minh Tịnh và Thiên Phước đều được mời làm Giảng sư của trường Trung Đẳng chùa Long Khánh”.

Tác giả bộ “sử luận” nói “nhiều học tăng, trong số có nhiều vị từ Nam ra, đều ở lại học tại Phật học đường Long Khánh, chứ không ra Huế nữa” như tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” viết “tất cả đều ra Huế…” là đúng. Nhưng con số 1937 ông đưa ra vị tất đã đúng, bằng chứng là trước đó mấy trang ông viết về Quốc sư Phước Huệ rằng “Năm 1938 ông (tức Quốc sư Phước Huệ) được mời làm chủ giảng Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn”. Có thể con số 1939 mà tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã đưa ra đáng tin hơn.

Tưởng cũng nên nói luôn là tác giả bộ “sử luận” đã dành gần hai trang giấy nói đến hoạt động của hội Phật học Bình Định và của Phật học đường Long Khánh mà không hề nhắc tới người sáng lập hội này trường này là ai? Tác giả đã nhắc tới hầu hết danh tăng bản tỉnh hoạt động tích cực cho Phật sự địa phương, thậm chí các cư sĩ có công hộ đạo cũng không quên thế mà lại bỏ sót một tên tuổi lớn là Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn, trụ trì chùa Long Khánh, sáng lập và điều hành hội và trường nói trên. Một sự thiếu sót đáng ngạc nhiên!?!

Năm Bảo Đại thứ 16 (1941), nhân ngũ tuần đại Khánh của Hoàng Thái Hậu, vua ban biển Sắc tứ cho nhiều chùa lớn trong nước, trong đó có chùa Long Khánh; cùng cử trụ trì một số chùa lớn trong nước, trong đó có đệ tử của Hòa thượng Chánh Nhơn là Huệ Phước.

Tấm biển sắc tứ và văn bằng trụ trì không còn, chỉ còn có câu liễn ngự tứ nhắc lại hai sự kiện trên mà tôi đã nói ở phần trước, nhưng liễn cũng đã được chuyển tới một chùa khác cách đây vài mươi năm.

Sau nhiều năm tháng lao tâm lao lực, vì Phật sự mà hoạt động không kể đến sức khỏe nên nhưng năm cuối đời tuổi già sức yếu đau ốm luôn luôn, lại gặp lúc Việt Pháp chiến tranh phải cùng tăng chúng di tản lên vùng quê, nay chùa này mai chùa khác, thật là vất vả. Mãi đến hai năm sau, đầu năm Mậu Tý (1948) trở về Long Khánh an dưỡng chưa được bao lâu thì một hôm Ngài bảo người trong chùa bửa nhiều củi để Rằm tháng 7 tới đây bếp chùa cần nhiều đun phục vụ cho rất nhiều người. Quả nhiên Ngài tịch đúng vào hôm Rằm tháng 7 năm Mậu Tý (1948) giữa sự luyến tiếc của nhiều người, thế thọ 66 tuổi Dương, tức 67 tuổi Âm. Nhập tháp bên hữu chùa. Tuần chung thất tổ chức rất trọng thể, có đông đảo chư tăng trong và ngoài tỉnh cùng đồng bào Phật tử trong tỉnh về dự lễ.

Hiện trong khám thờ Tổ có tôn trí di ảnh và long vị.

Lòng vị ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 四 十 二 世 隆 慶 堂 上 諱 澄 震 字 善 接 號 正 仁 主 香 和 尚 蓮 座

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế Long Khánh Đường Thượng Húy TRỪNG CHẤN Tự THIỆN TIẾP Hiệu CHÁNH NHƠN Chủ Hương Hòa Thượng Liên Tòa.

Dịch nghĩa:

Tòa sen (nơi ngự của Giác linh) Hòa thượng chủ trường Hương, Pháp danh Trừng Chấn, Pháp tự Thiện Tiếp, Pháp hiệu Chánh Nhơn, đời pháp thứ 42, nối tiếp tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh.
Mặt tiền chân đế long vị ghi:

生 壬 午 年 昧 月 日 時

Phiên âm:

Sinh Nhâm Ngọ niên muội nguyệt nhật thời.

Dịch nghĩa:

Sinh năm Nhâm Ngọ (1882) chưa rõ tháng ngày giờ.

Bề lưng long vị ghi:

興 義 人 童 真 丁 巳 乘 繼 已 來 大 修 補 丁 卯 開 香 場 庚 午 改 造 隆 盛 辛 未 主 張 興 隆 丙 子 再 造 平 光 并 始 創 佛 學

Phiên âm:

Hưng Nghĩa nhân, đồng chơn. Đinh Tỵ thừa kế dĩ lai, đại tu bổ. Đinh Mão khai Hương trường. Canh Ngọ cải tạo Long Thạnh. Tân Mùi chủ trương Hưng Long. Bính Tý tái tạo Bình Quang, tịnh thủy sáng lập Phật học.

Dịch nghĩa:

Người thôn Hưng Nghĩa (Tuy Phước), đồng ấu xuất gia. Từ năm Đinh Tỵ (1917) kế vị (chức trụ trì chùa Long Khánh) đến nay, đại tu bổ chùa. Năm Đinh Mão (1927) mở trường Hương. Năm Canh Ngọ (1930) cải tạo chùa Long Thạnh (Quy Nhơn). Năm Tân Mùi (1931) chủ trương trùng tu chùa Hưng Long (An Nhơn). Năm Bính Tý (1936) tái tạo chùa Bình Quang (Tuy Phước) cùng sáng lập hội và trường Phật học.
Theo đây thì tỉnh hội Phật học Bình Định do Ngài sáng lập vào năm 1936, còn Phật học đường Long Khánh được Ngài lập sau đó, có lẽ vào năm 1939 như tác giả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đã viết.
Long vị này được Ngài lập từ thuở sinh tiền, hàng tịch còn chừa trống, những niên đại khắc ở bề lưng do Ngài tự ghi thì nhất định chính xác, thiết tưởng các tự luận viết về Ngài từ trước đến nay, kể cả bản “Lịch sử chùa Long Khánh” đều phải căn cứ vào đây mà điều chỉnh năm sinh, năm kế vị .v.v. cho phù hợp với long vị và thực tế.

Như trên đã nói, tháp ngài ở bên hữu tượng đài Di Đà. Tháp này được tứ chúng đệ tử xây vào mùa Đông năm Giáp Tuất (1934), 14 năm trước ngài tịch.

Bia tháp ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 四 十 二 世 隆 慶 寺 諱 澄 震 號 正 仁 主 香 和 尚 寶 塔
甲 戌 年 孟 冬

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế Long Khánh Tự Húy TRỪNG CHẤN Hiệu CHÁNH NHƠN Chủ Hương Hòa Thượng Bảo Tháp.
Giáp Tuất niên Mạnh đông.

Dịch nghĩa:

Tháp báu của Hòa thượng chủ trường Hương Pháp danh Trừng Chấn, Pháp hiệu Chánh Nhơn, đời Pháp thứ 42, nối tiếp tông chánh Lâm Tế tại chùa Long Khánh.
(Tháp làm xong) tháng 10 năm Giáp Tuất (1934)

Ngài có rất nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Trong số đệ tử xuất gia có nhiều vị thành danh như Hòa thượng Tâm Tịnh Huệ Chiếu, trụ trì Sắc tứ Thiên Đức tự (Tuy Phước); Thượng Tọa Tâm Phương Huệ Lâm trước 1955 trụ trì Sắc tứ Bình Quang tự (Tuy Phước); sau 1970 trùng kiến rồi trụ trì Phước Điền tự (Tuy Phước); Hòa thượng Tâm Hóa Huệ Đồng, trụ trì Long Đức tự (Phù Cát); Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long, trụ trì Tổ đình Long Khánh. Trong bốn vị trên, ba vị đã quy tịch, chỉ còn ngài Huệ Đồng được môn phái cung thỉnh về trụ tại chùa Long Khánh từ năm 1987, làm Thiền chủ trường Hạ liên tục mở ra tại chùa từ ấy đến nay.

Thiền sư Trừng Chấn Chánh Nhơn tuy biện tài và văn tài phải nhượng các Thiền sư Phước Huệ, Phổ Huệ, Bích Liên và Liên Tôn nhưng về mặt kiến thiết và xây dựng, tổ chức và điều hành tự viện và hội sở thì đương thời cả tăng lẫn tục khó có người sánh kịp. Di phong ấy còn truyền tại Long Khánh tự khiến chùa nay vẫn xứng đáng thừa tiên tiếp hậu, hoằng dương chánh pháp tại địa phương. Chỉ bấy nhiêu ấy, ngài cũng đủ lưu danh thiên cổ.
Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn - Ảnh Minh Đức (2009)

10. Trụ trì: Pháp danh Tâm Không, Pháp hiệu Huệ Phước, đời Pháp thứ 43 Kệ Phái Thiệt Diệu Liễu Quán, đệ tử Hòa thượng Chánh Nhơn, được bổn sư chỉ định rồi Triều đình cử làm trụ trì Long Khánh tự từ năm Bảo Đại thứ 16 (1941) nhưng thật sự hành xử chức trụ trì sau khi bổn sư quy tịch (1948), rồi vì mắc chướng duyên phải rời chùa vào năm Nhâm Thìn (1952), một đệ tử khác của Hòa thượng Chánh Nhơn, thường gọi là thầy Na lên thay.
11. Trụ trì: Thầy Na Pháp danh Tâm Luật, Pháp hiệu Huệ Lãng, đời Pháp thứ 43 Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, đệ tử của Hòa thượng Chánh Nhơn, làm trụ trì giữa lúc quân đội Pháp tái chiếm Quy Nhơn bằng vũ lực khiến chùa chiền đổ nát, tượng Phật bị đập bể, tài sản Pháp khí đều mất hết, thầy và tăng chúng trong chùa chỉ kịp thoát thân tản cư về quê. Sau khi hòa bình vãn hồi (1954), vào năm 1957 Hòa thượng Huệ Chiếu, trưởng môn phái Long Khánh đã hiệp cùng tăng tín đồ Long Khánh tự cùng chư sơn trong môn phái quyết định bán ruộng chùa và phổ khuyến lạc quyên để tái thiết Tổ đình Long Khánh. Công tác tái thiết, từ vận động đến xây dựng, lẽ đương nhiên do trụ trì chùa Long Khánh tự đảm trách. Đương kim trụ trì xét thấy mình tuổi già sức yếu, khó nổi cán đáng Phật sự nặng nề này nên đã xin từ nhiệm và tiến cử Hòa thượng Tâm Hoàn làm trụ trì, tăng tín đồ chùa Long Khánh cùng chư sơn trong môn phái đã nhất tề suy cử Thượng tọa Tâm Hoàn thay thầy Na làm trụ trì Long Khánh tự. Thầy tịch tại chùa vào năm Nhâm Dần (1962), còn kịp thấy chánh điện Long Khánh vừa tái thiết nguy nga lộng lẫy. Nhập tháp tại nghĩa trang Phật giáo Thị xã Quy Nhơn.
12. Trụ trì: Thiền sư húy Tâm Hoàn, tự Giải Quy, hiệu Huệ Long, đời Pháp thứ 43 Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán.
Sư thế danh Nguyễn Tâm Hoàn, sinh ngày 12 tháng 02 năm Giáp Tý (1924), con ông Nguyễn Phước Trì và bà Lê Thị Chiếu ở thôn Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo thuần thành, cha mẹ đều quy y nơi Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp, người anh cả từng xuất gia làm trụ trì chùa Diêu Quang ở thôn Thọ Lộc, xã Nhơn Thọ cùng huyện (đã tịch), các anh chị em khác đều được quy y từ nhỏ nên sư cũng sớm mộ đạo.
Năm Ất Hợi (1935) được phụ thân cho phép, sư được Thiền sư Giác Tánh, vốn là thân hữu của thân phụ sư, tiến dẫn sư xuất gia tại Tổ đình Long Khánh vào lễ Phật Tổ đản sanh (8.4 theo lịch cũ) do trụ trì chùa này là Hòa thượng Chánh Nhơn thế độ.


Năm Tân Tỵ (1941) sư được bổn sư gởi ra Huế học tại Phật học đường Báo Quốc do Pháp sư Trí Độ làm Đốc giáo, có bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm giáo thọ. Bạn đồng học với Sư có vị sau thành cốt cán của Giáo hội như Trí Quang, Thiện Siêu…

Năm Nhâm Ngọ (1942), Sư về Bình Định thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn mở tại Tổ đình Hưng Khánh ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu. Tại giới đàn này, Sư được chọn làm vỹ Sa Di, tức vị Sa Di được chọn thọ giới Tỳ Kheo qua kỳ khảo hạch kinh luật được xếp thứ nhì sau Thủ Sa Di. Bấy giờ, Sư mới 20 tuổi, vừa đủ tuổi được phép thọ Đại giới. Xong, Sư ra Huế tiếp tục học tại chùa Báo Quốc.


Năm Ất Dậu (1945), tháng 8, Cách mạng bùng nổ, Phật học đường tạm đình giáo, sư cùng Pháp sư Trí Độ trở về Bình Định thành lập rồi điều hành Phật giáo cứu quốc tại tỉnh nhà.

Năm Đinh Hợi (1947) làm Giáo thọ tại các Phật học đường Thập Tháp, Thiên Đức.

Rằm tháng 7 Mậu Tý (1948) thọ tang bổn sư là Hòa thượng Chánh Nhơn quy tịch tại Long Khánh tự.

Năm Giáp Ngọ (1954) được phong Thượng tọa, làm Phó Hội trưởng hội Phật học Trung Phần(Thượng tọa Trí Quang làm Hội trưởng).


Năm Bính Thân (1956), năm Đinh Dậu (1957) làm Phó Giám đốc Phật học viện Hải Đức Nha Trang (Thượng tọa Huyền Quang làm Giám đốc).

Hạ bán niên Đinh Dậu (1957), Sư trở về chùa Long Khánh nhận chức trụ trì chùa này, do môn phái suy cử.

Năm Kỷ Hợi (1959), làm phó Hội trưởng hội Phật học Bình Định (Thượng tọa Kế Châu làm Hội trưởng).

Năm Quý Mão (1963), cùng Thượng tọa Kế Châu lãnh đạo Phật giáo đồ toàn tỉnh chống chính sách Kỳ thị Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm.

Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, Sư được cử làm Phó Đại diện tỉnh hội Bình Định (Từ ấy, Sư luôn ở cương vị lãnh đạo Giáo hội cấp tỉnh cho tới ngày quy tịch). Trong năm này, sư được mời làm Phó Giám viện và Giáo thọ, điều hành và giảng dạy tại hai Phật học Phước Huệ và Nguyên Thiều.

Năm Mậu Thân (1968) làm Phó chủ khảo Đại giới đàn Bình Định mở tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn, do Hòa thượng Phúc Hộ trụ trì chùa Từ Quang ( chùa Đá Trắng) ở Phú Yên làm Đường đầu.

Năm Quý Sửu (1973) làm Chánh chủ khảo Đại giới đàn Phước Huệ mở tại chùa Hải Đức ở Nha Trang, do Hòa thượng Giác Nhiên làm Đường đầu.

Năm Bính Thìn (1976) làm Giáo thọ tại giới đàn mở tại chùa Hưng Long ở xã Nhơn An, huyện An Nhơn, do Hòa thượng Từ Nhơn, trụ trì chùa Thọ Sơn làm Đường đầu.

Trước năm 1975, ở cương vị lãnh đạo Giáo hội tỉnh, thể theo lời thỉnh cầu của Phật giáo đồ, Thượng tọa đã nhiều lần mở lễ quy y tập thể tại các chùa Huyện hội ở Hoài Nhơn, Phù Cát và tại Tổ đình Long Khánh nên tại gia đệ tử của Thượng tọa tại Hoài Nhơn, Phù Cát và Quy Nhơn có tới hàng ngàn người. Xuất gia đệ tử cũng có trên vài mươi vị, phần lớn đều được Thượng tọa nuôi cho ăn học đến thành đạt. Sau năm 1975, hơn nửa số hoàn tục về nhà, chỉ còn bảy, tám vị, trong đó có các Thượng tọa, Đại đức như Nguyên Phước, Nguyên Chơn, Nguyên Đạt, Nguyên Thành, Minh Nguyệt và một vị cầu Pháp từng tu học nhiều năm tại Long Khánh tự là Thượng tọa Nguyên Điền. Những vị này đang tiếp tục thắp sáng Tổ đăng trong và ngoài nước để môn phái Long Khánh mãi mãi được xương thạnh.

Về mặt kiến thiết thì từ khi tiếp nhận chức trụ trì cho tới ngày quy tịch, Thượng tọa đã không ngừng xây chùa, sửa nhà Đông, nhà Tây, xây nhà Tổ, chú tượng, đúc chuông, xây tượng đài, xây tam quan và tường thành v.v… mà tôi đã kể rõ ở phần trên khiến Long Khánh tự hôm nay được nguy nga và trang nghiêm là nhờ công Thượng tọa.

Viên tịch tại chùa Long Khánh, lúc 5 giờ sáng ngày mồng 7 tháng 3 năm Tân Dậu (1981), thọ 57 tuổi Dương, tức 58 tuổi Âm, được 38 Hạ lạp. Nhập tháp phía tả tượng đài Di Đà, tức Đông nam vườn chùa. 
 
Trước khi nhập tháp, Thượng tọa được Giáo hội truy tôn lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.
Hiện giữa án Hội đồng trước khám thờ Tổ chùa Long Khánh có tôn trí long vị của Hòa thượng. Lòng vị ghi:

臨 濟 正 宗 四 十 三 世 敕 賜 隆 慶 堂 上 住 持 諱 心 完 號 慧 隆 和 尚 蓮 座

Phiên âm:

Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế Sắc Tứ Long Khánh Đường Thượng Trụ Trì Húy TÂM HOÀN Hiệu HUỆ LONG Hòa Thượng Liên Tòa.

Dịch nghĩa:

Tòa sen của Hòa thượng Pháp danh Tâm Hoàn, Pháp hiệu Huệ Long, đời Pháp thứ 43 tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh được Sắc tứ.
Như trên đã nói, bảo tháp của Hòa thượng Tâm Hoàn ở phía tả tượng Di Đà, cạnh tháp Hòa thượng Thanh Cần. Bia tháp ghi:

嗣 臨 濟 正 宗 四 十 三 世 隆 慶 堂 上 諱 上 心 下 完 號 慧 隆 和 尚 寶 塔
元 生 甲 子 年 吉 月 吉 日
圓 寂 辛 酉 年 三 月 初 七 日
Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế Long Khánh Đường Thượng Húy thượng TÂM hạ HOÀN Hiệu HUỆ LONG Hòa Thượng Bảo Tháp.
Nguyên sinh Giáp Tý niên cát nguyệt cát nhật
Viên tịch Tân Dậu niên tam nguyệt sơ thất nhật.
Dịch nghĩa:

Tháp báu của Hòa thượng Pháp danh Tâm Hoàn, Pháp hiệu Huệ Long, đời Pháp thứ 43, nối tiếp tông chánh Lâm Tế làm trụ trì chùa Long Khánh.
Sinh năm Giáp Tý (1924) tháng tốt ngày tốt
Tịch năm Tân Dậu (1981) tháng 3 ngày mồng 7.

Tại tháp có ba câu liễn đắp nổi trên 6 trụ hoa biểu, từ trong ra ngoài:

按 足 登 寶 塔
翻 身 上 金 臺

Phiên âm:

Án túc đăng bảo tháp,
Phiên thân thướng kim đài.

Dịch nghĩa:

Vỗ chân leo tháp báu,
Quăng mình lên đài vàng.
浮 圖 安 舍 利
金 地 湧 香 薹

Phiên âm:

Phù đồ an xá lợi
 Kim địa dũng hương đài.

Dịch nghĩa:

Tháp báu xá lợi yên
Đất vàng đài thơm nổi.

不 退 城 自 在
無 縫 塔 安 然

Phiên âm:

Bất thối thành tự tại
Vô phùng tháp an nhiên.

Dịch nghĩa:

Chẳng lui, tường đứng mãi
Không chắp, tháp luôn còn.

Sinh thời, thỉnh thoảng Hòa thượng cũng có làm thơ nhưng không ghi chép, lúc cao hứng thì đọc lên cho đệ tử nghe, nhờ vậy mà Thượng tọa Thích Nguyên Phước còn nhớ được bài thơ do Hòa thượng làm sau khi chuông Giác thế mộng được đúc xong từ Nha Trang chuyển về chùa:

“Thức tỉnh non sông một tiếng hòa,
Hồng chung vang dội khắp gần xa.
Ngân lên tiếng nói tình huynh đệ,
Gà gáy tin vui đến mọi nhà.”


Nhìn lại những gì mà Hòa thượng Tâm Hoàn đã làm cho Long Khánh tự trở nên trang nghiêm và đẹp đẽ, tôi xin có đôi vần tán thán, còn cái sự “đông ngung tang du” thì dẫu có ai tài giỏi đến đâu cũng không thể nào làm khác được:

“Sư dù vắng bóng cửa Tùng,
Trên lầu Giác thế mộng chung vẫn còn.
Tượng đài vẫn vững như non,
Tổ đường chánh điện nếp son vẫn ngời.
Công lao mấy chục năm trời,
Đêm đêm chuông gióng, ai người nhớ quên?”

Hòa thượng Tâm Hòan Huệ Long - Ảnh Minh Đức (2009)
13. Đương kim trụ trì: Thiền sư pháp danh Nguyên Phước, pháp tự Chơn Lạc, Pháp hiệu Minh Đức, đời Pháp thứ 44 Kệ phái Thiệt Diệu Liễu Quán, đệ tử của Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long, kế vị trụ trì Long Khánh tự từ khi Sư phụ quy tịch (1981).

Hòa thượng Nguyên Phước Minh Đức - Ảnh Minh Đức (2009)

Sư thế danh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1946 tại thôn Trung Bình, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha tên Nguyễn Trực, mẹ tên Võ Thị Chưởng đều là Phật tử thuần thành. Ông bà có ba người con đều quy y Tam bảo, Sư là con út.


Năm 1961, do chú họ dẫn tiến xuất gia, đầu sư Thượng tọa Tâm Hoàn Huệ Long, trụ trì Tổ đình Long Khánh. Thế phát vào ngày mồng 8 tháng 4 Tân Sửu (1961). Từ đó, tu học tại chùa này dưới sự giáo dưỡng của Bổn sư và của các Thượng tọa Giác Tánh, Giác Đạo.

Năm 1968, thọ Tam đàn cụ túc (Sa Di, Tỳ Kheo, Bồ Tát) tại Đại giới đàn mở tại chùa Long Khánh do trụ trì chùa Từ Quang ở Phú Yên là Hòa thượng Phúc Hộ làm Đường đầu.


Học tại trường Trung học Bồ Đề Quy Nhơn, đỗ toàn phần Tú tài rồi được Bổn sư cho vào Sài Gòn học ban Triết khoa Văn thuộc viện Đại học Sài Gòn.

Năm 1973, vì Phật sự đa đoan, Bổn sư thiếu người trợ thủ, mặc dù chưa lấy đủ 5 chứng chỉ Cử Nhân Triết vẫn phải vâng lời Bổn sư trở về Long Khánh làm chức Điển tọa (dưới chức trụ trì) giúp Bổn sư kiến thiết tự viện, quản lý và điều hành nội bộ.

Năm 1981, kế vị trụ trì Long Khánh tự theo di chúc của trụ trì tiền nhiệm là cố Hòa thượng Tâm Hoàn Huệ Long và theo sự công cử của môn phái.

Năm 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Sư được Đại hội đại biểu Phật giáo đồ tỉnh Bình Định đề cử giữ chức Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội tỉnh (Hòa thượng Kế Châu làm trưởng ban) hơn hai nhiệm kỳ.

Năm 1990, Sư được cử giữ chức Phó Ban thường trực của Ban trị sự Giáo hội tỉnh từ ấy đến nay.

Năm 1992, một trong những thành viên sáng lập Trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Định (đặt trong khuôn viên tu viện Nguyên Thiều thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) giữ chức Giáo thọ tại trường từ ấy đến nay.

Năm 1997, được Giáo hội Trung ương tấn phong Thượng tọa.

Về mặt kiến thiết tự viện thì từ năm 1973, Thượng tọa đã tiếp tay với Bổn sư xây dựng hoàn thành Tổ đường, tượng đài Di Đà phóng quang, tam quan, tường thành… Đến khi làm trụ trì thì xây cất thêm Tăng phòng sau nhà Tây, trong đó có phòng làm nơi an dưỡng cho Hòa thượng Huệ Đồng; xây cất thêm dãy nhà cạnh nhà trù làm cơ sở chế biến thực phẩm làm kinh tế phục vụ cho chùa, xây cất thêm dãy nhà rộng 5m dài 20m mặt sau chùa làm nơi ở cho Tăng chúng; dựng tượng đài Di Lặc trên nền liêu cũ của Hòa thượng Bổn sư và dự định dựng tượng đài Phật Bà nghìn mắt nghìn tay trong vườn chùa trong năm nay.

Năm 1998, Giáo hội tỉnh đứng ra tái thiết Linh Phong Thiền tự, Thượng tọa được Giáo hội cử làm Trưởng ban vận động rồi Trưởng ban tái thiết, tức là người đứng mũi chịu sào thực hiện công tác lớn lao và khó khăn này.

Về mặt sưu cầu kinh điển thì Thượng tọa đã thỉnh được hai bộ Đại tạng kinh: Bộ Càn Long do Thượng tọa Thích Truyền Như cúng, bộ Đại chánh tân tu do Đại đức Thích Chân Tính cúng.

Về mặt đào tạo tăng tài thì từ ngày làm trụ trì đến nay, Thượng tọa thu nạp được 17 đệ tử xuất gia vẫn còn đủ số. Trong đó có 8 vị đã thọ giới Tỳ Kheo từ lâu, 6 vị thọ giới Sa Di đang theo học tại trường Cơ bản Phật học Bình Định, 3 vị đang học Phổ thông tại Quy Nhơn, sẽ thọ giới Sa Di trong giới đàn sắp tới. Trong số 8 vị Đại đức nói trên có 5 vị hiện vẫn còn được Thượng tọa nuôi cho ăn học: 1 vị học tại viện Đại học Dheli Ấn Độ, 3 vị học tại Học viện Phật giáo Việt Nam và một vị học tại trường Cao Đẳng Phật học đều ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Ba vị Đại đức còn lại đều đã lớn tuổi, được tu học tại chùa, vị trẻ nhất cũng trên 50 tuổi, rất tích cực trong công tác chế biến thực phẩm làm kinh tế phục vụ cho chùa, hai vị kia đều trên 60 tuổi, lúc bái sư nhập môn họ đều đã có gia đình và địa vị đáng kể trong xã hội.

Thượng tọa hữu học hữu tu, giới hạnh tinh nghiêm, hoạt động Phật sự không biết mệt mỏi, đang là sở cậy của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà. Với bấy nhiêu ấy, Thượng tọa đã xứng đáng là người thừa kế vẻ vang sự nghiệp chư Tổ chùa Long Khánh, không phụ sự kỳ vọng của mọi người.

Để tiện theo dõi trụ trì chùa Long Khánh trải các đời, xin mời xem biểu đồ dưới đây:

BIỂU NHẤT LÃM LỊCH ĐẠI TRỤ TRÌ LONG KHÁNH TỰ

Số
TT
Kệ Phái
Thời Gian
Chức Danh
Đời Pháp
Đạo Hiệu
01
Chưa rõ
1709?-1741
Khai sơn
35
Hải Khiển Đức Sơn

02
Tổ Định Tuyết Phong
Hành Siêu Minh Thiệt Tế
32   33   34   35  36

1741-....?

Trụ trì

36

Tế Thành Lộc Kỳ

03
Trí Bản Đột Không
Tịch Chiếu Phổ Thông
37   38   39   40

....?-1840?

Trụ trì

37

Tịch Thọ Trinh Tường

04
Thiệt Diệu Liễu Quán
Tánh Hải Thanh Trừng
39   40   41   42
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
43   44   45   46
Đức Bổn Từ Phong
47   48   49   50  
1840?-...?

Trụ trì
39
Tánh Tông Thiên Khánh
05
...? - ...?
Trụ trì
40
Hải Huệ Chánh Đạo
06
...?-...?
Trụ trì
40
Hải Hội Chánh Nguyên
07
...?-...?
Trụ trì
40
Hải Khốt Chí Thanh
08
...? - 1917
Trụ trì
41
Thanh Cần Quảng Diễn
09
1917-1948
Trụ trì
42
Trừng Chấn Chánh Nhơn
10
1948-1952
Trụ trì
43
Tâm Không Huệ Phước
11
1952-1957
Trụ trì
43
Tâm Luật Huệ Long
12
1957-1981
Trụ trì
43
Tâm Hồn Huệ Long
13
1981 đến nay
Trụ trì
44
Nguyên Phước Minh Đức
 

Nhìn lên Biểu Nhất lãm, ta thấy từ chùa Long Khánh khai sơn đến nay khoảng 290 năm, truyền được 9 đời Pháp, 13 lớp trụ trì thuộc 3 Kệ phái Tổ Định Tuyết Phong, Trí Bản Đột Không, Thiệt Diệu Liễu Quán nối nhau truyền thừa (chưa kể Tổ khai sơn chưa rõ thuộc kệ phái nào). Trong đó, dòng kệ Liễu Quán thừa tiên từ năm 1840 (?) tiếp hậu đến nay 1999 đã được 159 năm, trải 6 đời Pháp, 10 lớp trụ trì, Đạo mạch không hề gián đoạn, miêu duệ tăng trưởng đông đảo, tự viện phát triển không ngừng, Phật sự luôn luôn quảng tác khiến tôi càng tin tưởng vào viễn đồ tốt đẹp của chùa và của Phật giáo tỉnh nhà mà chùa đang đóng vai trò nòng cốt. Thật vậy, niềm tin ấy càng ngày càng gia cố thêm bởi lẽ trong thời gian gần đây, lần nào tôi đến chùa cũng được thấy thêm hiện tượng đẹp, tạo nên cảnh quan rạng rỡ cho Long Khánh tự hôm nay. Để minh chứng điều vừa nói, xin mời bạn đọc ba bài thơ do tôi làm tại chỗ để kịp thời ghi nhận ba trong nhiều hiện tượng đẹp mà tôi đã nói trên kia. Xin mời bạn đọc:
Bài 1: CHIM CHÙA LONG KHÁNH

Hửng sáng chùa Long Khánh
Chim đâu hót vang lừng
Ngẩn ngơ khách tự hỏi:
Thành thị hay núi rừng?
Thì ra chim người thả
Cầu phước mà phóng sanh
Lồng sổ, chim không tếch
Vườn chùa cứ quẩn quanh.

Chim chớ bay xa nhé
Bên ngoài nhiều bẫy giăng
Ở đây nước Tổ[1] uống
Đói có cơm sư ăn.
Rồi học kinh đọc kệ
Như Ca Lăng Tần Già
Sáu thời luôn nói Pháp
Quốc độ Phật Di Đà.

Tiếng chim càng lảnh lót
Pháp diệu càng vang xa
Giúp kẻ còn đắm đuối
Giấc phù sinh tỉnh ra.

Công quả, chim gắng nhé
Kiếp sau được làm người
Nhờ nhân lành nhiều kiếp
Hưởng quả tốt đời đời.

[1] Sinh thời, Hòa thượng Chánh Nhơn thường bảo đệ tử chằm lá trên cây hứng nước cho chim uống.

Bài 2: HÈ CHÙA LONG KHÁNH

Trưa trên hè Long Khánh
La liệt kẻ ngồi nằm

Đại học, Trung học đủ
Tuổi đôi mươi mười lăm
Trò trai, trò gái đủ
Mặt rạng như trăng Rằm
Tất cả chăm chỉ học
Chỉ có gió thì thầm.

Xưa nhà Đỗ Thiếu Lăng
Gió thổi tốc mái tranh
Đỗ ước được giàu có
Cất nhà hàng vạn gian
Để che khắp hàn sĩ
Tránh khỏi cảnh cơ hàn.

Nay có chùa Long Khánh
Dẫu chưa đủ muôn căn
Sĩ nghèo tấp nập tới
Hè rộng luôn sẵn sàng.
Có phải lòng kim cổ
Gặp gỡ nơi này chăng?
Bài 3: CÔ GÁI LÀM CÔNG QUẢ

Cô gái làm công quả
Tuổi trên dưới đôi mươi
Khách phòng thường lui tới
Nấu nước pha trà mời.

Một sáng cô gái quét
Chợt nằm dài giữa hè
Giây lâu cô ngồi dậy
Tay vói cầm chổi tre. 
Cô nói bị phong giật
Đã mười mấy năm rồi
Vào chùa tụng kinh Phật
Bệnh giảm bớt lần hồi.
Nay mười phần còn một
Vài tháng đau một lần
Nhờ niệm Phật trong trí
Nằm im thì tỉnh dần.

Chụp tặng cô bức ảnh
Nơi cô từng lên cơn
Tay cô nâng tấm ảnh
Mà nước mắt rưng rưng.
Với ba bài thơ trên, xin khép lại bài viết về chùa Long Khánh tại đây. Mong rằng những hiện tượng đẹp như trên hoặc tương tự sẽ không thiếu tại Long Khánh tự về lâu về dài.
PHỤ LỤC
1. TỜ BẨM CỦA TRỤ TRÌ TRINH TƯỜNG
 

Tờ bẩm của trú trì Tịch Thọ Trinh Tường năm Minh Mệnh năm thứ 20.
(Tư liệu chùa Long Khánh)


Tờ bẩm của trú trì Tịch Thọ Trinh Tường năm Minh Mệnh năm thứ 20.
(Tư liệu chùa Long Khánh)

Phiên âm:

Long Khánh tự trụ trì tăng Nguyễn Trinh Tường, chúng tăng Lê Chánh Tâm bổn tự đẳng, khấu bẩm vi khất thẩm chiếu sự duyên.
Tiền Kinh Hội chủ cố Lê Thị Duyệt, cố danh Xuân, hữu cúng điền, nhập bổn tự vi Tam bảo điền nhất sở thất sào, tọa lạc Tú Sơn xứ, quy bộ Tuy Phước huyện, Tuy Hà tổng, Quảng Vân ấp địa phận. Gia Long thập tứ niên kiến tu địa bộ, trí vi bổn tự Trụ trì tăng Nguyễn Trinh Tường lập bộ. Tịnh tự nhi bổn tự hữu tao mãi điền nhất sở nhị mẫu, tọa lạc Kênh Tất xứ, Cỏ Mặn xứ, quy bộ nội tổng An Định ấp địa phận; nhất sở điền thất sào nhị xích ngũ thốn, tọa lạc Ngòi Khái xứ, quy bộ nội tổng Bình Thạnh ấp địa phận. Cộng các sở điền tam mẫu tứ sào nhị xích ngũ thốn. Thử điền hệ thị bổn tự Tam bảo thường trụ chi điền.
Chiếp cảm cụ bẩm, cảm khất Khâm mệnh quan Thượng hiến Đại nhân các hạ, thẩm nghiệm chiếu phó trừ trước thử điền, vi bổn tự Tam bảo điền, đắc lại hương yên, nhược tăng đẳng gian bẩm bất thật, cam thọ trọng tội.
Kim bẩm
Kê khai
Nhất sở điền thất sào, quy bộ nội tổng, Quảng Vân ấp Lý trưởng Nguyễn Vĩnh Long thừa nhận thật ký.
Nhất sở điền nhị mẫu, quy bộ nội tổng, An Định ấp Lý trưởng Võ Văn Hòa thừa nhận thật ký.
Nhất sở điền thất sào nhị xích ngũ thốn, quy bộ nội tổng, Bình Thạnh ấp Lý trưởng Nguyễn Văn Sơ thừa nhận thật ký.
Cộng điền tam mẫu tứ sào nhị xích ngũ thốn.
Thừa chiếu Quảng Vân ấp địa bộ hữu trước Cẩm Thượng ấp Long Khánh tự Nguyễn Trinh Tường phụ canh nhị sở cai điền thất sào. Tái chiếu An Định ấp địa bộ hữu trước Huỳnh Thị Điêu phân canh nhất sở điền tứ mẫu ngũ sào thập tứ xích lục thốn thất phân nhất lai. Tịnh Từ Văn Hào tộc điền tam mẫu. Hựu chiếu Bình Thạnh ấp địa bộ hữu trước Nguyễn Văn Khánh phân canh tam sở tộc điền thất sào nhị xích ngũ thốn.
Bố Chánh sứ ti thí sai chánh bát phẩm thư lại Nguyễn Đăng Thư ký.
Tả bẩm nhân Phan Văn Lễ tự ký.
Bẩm
Minh Mệnh nhị thập niên bát nguyệt nhị thập cửu nhật
Nguyễn Trinh Tường điểm chỉ
Lê Chánh Tâm điểm chỉ
Thừa nhận thật. Nhiếp biện Tuy Phước huyện ấn vụ Trần Doãn Đức ký.
Tuy Hà tổng Cai tổng Trần Văn Thái thừa nhận thật ký.
Dịch nghĩa:

Chúng tôi là tăng Nguyễn Trinh Tường trụ trì chùa Long Khánh cùng đại diện tăng chúng trong chùa là Lê Chánh Tâm kính bẩm cúi xin cứu xét việc sau:
Trước đây có Hội chủ đã qua đời là Lê Thị Duyệt cùng người đã qua đời tên là Xuân, có cúng ruộng làm ruộng Tam bảo bổn tự, một sở 7 sào, tọa lạc xứ Tú Sơn, vào bộ địa phận ấp Quảng Vân tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước. Niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815) sửa lại Địa bộ thì đặt để cho tăng trụ trì Nguyễn Trinh Tường đứng lập bộ. Lúc ấy bổn tự có mua một sở ruộng 2 mẫu, tọa lạc xứ Kênh Tất, xứ Cỏ Mặn, vào bộ địa phận ấp An Định nội tổng; một sở 7 sào 2 thước 5 tấc, tọa lạc xứ Ngòi Khái, vào bộ địa phận ấp Bình Thạnh nội tổng. Cộng các sở ruộng là 3 mẫu 4 sào 2 thước 5 tấc. Đây là ruộng thường trụ Tam bảo của bổn tự.
Nay liền đánh bạo bẩm đủ, xin quan lớn Khâm sai cứu xét trừ số ruộng này, khỏi phải trích ra để cấp cho dân, cho làm ruộng Tam bảo của bổn tự, lấy đó mà lo việc hương khói tại chùa. Nhược bằng chúng tăng tôi bẩm gian chẳng thật thì xin chịu tội nặng.
Nay bẩm
Kê khai
Một sở ruộng 7 sào, vào bộ ấp Quảng Vân nội tổng. Lý trưởng Nguyễn Vĩnh Long thừa nhận thật, ký tên.
Một sở ruộng 2 mẫu, vào bộ ấp An Định nội tổng. Lý trưởng Võ Văn Hòa thừa nhận thật, ký tên.
Một sở ruộng 7 sào 2 thước 5 tấc, vào bộ ấp Bình Thạnh nội tổng. Lý trưởng Nguyễn Văn Sơ thừa nhận thật, ký tên.
Cộng ruộng 3 mẫu 4 sào 2 thước 5 tấc.
Vâng lệnh xét Địa bộ ấp Quảng Vân thấy có chép: Nguyễn Trinh Tường chùa Long Khánh ấp Cẩm Thượng phụ canh hai sở ruộng 7 sào. Lại xét Địa bộ ấp An Định thấy có chép: Huỳnh Thị Điêu phân canh một sở ruộng 4 mẫu 5 sào 14 thước 6 tấc 7 phân 1 lai. Cùng Từ Văn Hào có ruộng họ 3 mẫu. Lại xét Địa bộ ấp Bình Thạnh thấy có chép: Nguyễn Văn Khánh phân canh 3 sở ruộng họ 7 sào 2 thước 5 tấc.
Ti Bố chánh sứ, Thí sai Nguyễn Đăng Thư, chức Thư lại, hàm chánh bát phẩm, ký tên.
Người viết tờ bẩm là Phan Văn Lễ, ký bằng chữ.
Bẩm
Năm Minh Mệnh 20 (1839) tháng 8 ngày 29
Nguyễn Trinh Tường lăn tay
Lê Chánh Tâm lăn tay
Thừa nhận thật. Người thay cầm ấn Tri huyện Tuy Phước mà làm việc là Trần Doãn Đức, ký tên.
Cai tổng tổng Tuy Hà là Trần Văn Thái thừa nhận thật, ký tên.

2. NGHI BÁO TIẾN
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM HOÀN

Nhập nghi
Pháp sư Hòa thượng Thích Tâm Hoàn
(Ngày mồng 6 tháng 3 năm Mậu Thìn. PL. 2532)
* Tiết thứ lâm diên:
- Chuông trống Bát nhã
- Cử nhạc khai đàn
- Chủ lễ lâm diên
- Cử nhạc tham lễ
- Chủ lễ niệm hương
- Dâng hương tác lễ
* Chủ lễ hạ Thủ xích. Xướng:
Hiếu đồ môn phái
Mời đến trước đây
Tất cả đều quỳ
Đốt hương mặc niệm.
* Chủ lễ chấn linh: Vịnh khai diên:
Nhớ lại năm nào cũng độ này,
Tôn sư quảy dép trở về Tây .
Rồi từ đó
Kinh song ảm đạm trăng chờ chủ,
Thiền thất vi vu gió đợi thầy.
Nhưng ai biết
Đạo nghiệp Tôn sư in góc biển,
Bóng vang Hoàng hạc khuất chân mây.
Thương người vì đạo quên thân thể,
Mến tiếc âm thầm dạ khó khuây!
* Tả bạch xướng:
Dâng hương lên án cúng dường,
Cúi đầu lễ Giác linh ba lạy.
(Tất cả thứ tự lại quỳ
Một lòng chí thành làm lễ).
* Chủ lễ hạ thủ xích: Cử hương tán:
Hương xông đỉnh báu
Giới định huệ hương.
Giải thoát tri kiến quý khôn lường.
Ngào ngạt khắp muôn phương,
Thanh tịnh tâm hương,
Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát (3 lần)
* Chủ lễ hạ thủ xích: Bạch (nhắc lại thân danh sự nghiệp):
Kính bạch Giác linh Hòa thượng
Chúng con thiết nghĩ Hòa thượng:
Người cùng tỏ ngộ lòng thiền,
Trong cửa Chánh Nhơn, kham lời thọ ký;
Và vì người khai Phật trí,
Tại chùa Long Khánh, dựng nghiệp độ sanh.
Nhớ Giác linh xưa:
Dòng họ thế gia,
Môn đình Nho giáo .
Tuổi thơ nhập đạo,
Chí lớn xuất trần.
Cháu truyền đăng Lão tổ Thanh Cần,
Con tục diệm, Tôn sư Trừng Chấn.
Thầy tứ chúng: dắt dìu lân mẫn,
Bạn chư tăng: tin cậy chân thành.
Người:
Hoằng pháp lợi sanh,
Giúp người giữ đạo.
Đống lương Tôn giáo,
Mô phạm đạo tràng.
Nguy nga pháp tướng nghiêm trang,
Hạo hạo chơn tâm thanh tịnh.
Bốn chúng tăng ni cung kính,
Mười phương Phật tử cúng dường.
Khi sanh tiền người rất quan tâm các vấn đề:
Nào pháp nhược ma cường,
Nhơn tình thế thái.
Nào phải chăng thành bại,
Ân oán nhục vinh.
Nhưng rồi thầy:
Lặng lẽ biện minh,
Âm thầm phân giải.
Mặc tình thời đại,
Tùy ý phẩm bình.
Người:
Tái chấn Tổ đình,
Tăng quang môn phái.
Tham thiền lễ bái,
Phục dịch chấp lao.
Đạo phong pháp độ thanh cao,
Tế hạnh oai nghi nghiêm túc.
Tú khí núi sông un đúc,
Tinh hoa Phật pháp luyện rèn.
Là:
Lá bối hoa sen,
Nước trong trăng tỏ.
Bóng vang đây đó,
Quen biết xa gần.
Xử thế đãi nhân,
Tiếp tăng độ chúng.
Kỳ công, khả tụng,
Thử đắc năng tuyên.
Gần bốn mươi năm quả mãn nhơn viên, thượng cầu hạ hóa;
Hơn năm mươi tuổi công thành nghiệp tạ, xả báo thu thần.
* Chủ lễ hạ thủ xích: Cảm thán:
Kính bạch Giác linh Pháp sư:
Từ ngày Pháp sư ra đi, để lại
Cổ thụ bên sân,
Năm tháng dãi dầu mưa gió;
Lão tùng trong ngõ,
Thu đông nhẫn nại tuyết sương.
Còn người thì:
Mến cảnh Tây phương,
Quên nhà cố quốc.
Để cho chúng tôi:
Đêm đêm trông vào Thiền thất,
Leo lét cô đăng;
Sáng sáng nhìn lại tháp lăng,
Héo hon tấc dạ!
Âm thầm hồi tưởng
Thủy lưu hoa tạ,
Vật hoán tinh di.
Kẻ ở người đi,
Thương hoài nhớ mãi!
* Tả bạch thừa: (theo nhạc: chuyên thân triệu thỉnh).
* Thỉnh lâm diên: Tán:
Kính bạch Giác linh Đại sư:
Giờ này thì
Đạo tràng sơ khải,
Húy nhật tài lâm.
Hiếu quyến thành tâm,
Cẩn đương bái thỉnh.
Hương hoa thỉnh, hương hoa phụng thỉnh.
* Chủ lễ hạ thủ xích: Tán:
Thượng hương sơ thỉnh
Nối dòng họ Thích
Nam mô nhất tâm phụng thỉnh.
Thiền tôn chi phái,
Long Khánh chủ nhân.
Đồng chơn cát ái từ thân,
Chánh tín xuất gia nhập đạo.
Hôm nay pháp tịch phụng vì
Thân hình khác tục,
Ý chí dị phàm.
Nối dòng Pháp Lâm Tế đời thứ 43,
Húy thượng Tâm hạ Hoàn
Hiệu Huệ Long Hòa thượng Giác linh
Liên đài tọa hạ.
Duy nguyện:
Thành xưa còn nhớ,
Chùa cũ chưa quên.
Nghi trượng cung nghinh,
Uy linh quang giáng.
Hương hoa thỉnh, hương hoa phụng thỉnh.
* Chủ lễ hạ thủ xích: Tán:
Thượng hương tái thỉnh,
Sứ giả du phương.
Nam mô nhất tâm phụng thỉnh.
Thiên gia vạn lý,
Nhất bát tam y.
Gió mưa mờ xóa dấu người đi,
Công hạnh in sâu lòng kẻ ở.
Hôm nay pháp tịch phụng vì:
Tòng lâm Trưởng lão,
Giáo hội Đại tăng.
Nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 43
Tôn sư húy thượng Tâm hạ Hoàn
Hiệu Huệ Long Hòa thượng giác linh
Liên hoa tọa hạ.
Duy nguyện:
Hương lòng vừa bén,
Linh giác đã hay.
Pháp hội hôm nay,
Quang lâm chứng giám.
Hương hoa thỉnh, hương hoa phụng thỉnh.
* Chủ lễ hạ thủ xích: Tán:
Thượng hương tam thỉnh,
Phước điền ứng cúng.
Nam mô nhất tâm phụng thỉnh.
Thủy thanh thu nguyệt,
Viên đính phương bào.
Niết bàn ngày trước mặc tiêu dao,
Long Khánh hôm nay xin phó hội.
Giờ này pháp tịch phụng vì:
Đầu đà khổ hạnh,
Vô ngã vị tha.
Nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 43
Tôn sư húy thượng Tâm hạ Hoàn
Hiệu Huệ Long Hòa thượng giác linh
Liên hoa tọa hạ.
Duy nguyện:
Liên đài an tọa,
Thiền thất cao cư.
Ná bộ hữu dư,
Cao đăng vô ngại.
Hương hoa thỉnh, hương hoa phụng thỉnh.
Nam mô Đăng Bảo Tọa Bồ tát (3 lần).
* Tả bạch xướng:
Sơ hiến trà. Lễ 3 lạy. Cùng quỳ.
* Chủ lễ chấn linh: Vịnh 1 (Vấn tấn quang lâm. An vị):
Hơn mười ức dặm tự trời Tây,
Phi tích quang lâm nhọc sức thầy.
Bảo tọa tuy cao nhưng chẳng ngại,
Xin thầy an vị xuống đài mây.
Kệ trà:
Đài mây thầy an vị,
Chứng minh công đức này.
Trời Tây muôn ức dặm,
Đàn chỉ tức về đây.
* Chủ lễ xướng sớ:
Nguy nguy tăng tướng,
Hạo hạo uy quang.
Thiên thượng nhơn gian,
Tùy duyên ứng cúng.
Nay có hiếu chúng,
Thiết lễ tiến linh.
Tỏ tấc hiếu tình,
Sớ văn bái bạch.
Duy nguyện Tôn sư cảm cách,
Từ bi tác đại chứng minh.
* Công văn tuyên đọc văn sớ:
Kính bạch Giác linh Đại sư,
Chúng con từng nghe rằng:
Tăng già đức lớn, ứng cúng khắp trong đời;
Đệ tử lòng hèn, nhiệt thành không ngoài cõi.
Tháng năm mòn mõi,
Ơn đức sắc son.
Sớ vì:
Nay có Tỳ Kheo Thích Nguyên Phước, cùng bốn chúng Tăng Ni, mười phương Phật tử, thuộc chùa Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Giờ này:
Cung kính quỳ trước Tổ đường,
Chí thành dâng lên pháp cúng.
Kinh diên tán tụng,
Lễ nhạc ca dương.
Năm nén tâm hương,
Một diên Thiền vị.
Ngưỡng mong Tôn sư hoan hỷ,
Rũ ánh từ nhãn chiếu lâm.
Đệ tử chúng đẳng, thiết nghĩ Tôn sư:
Người :
Vâng giữ lời thầy,
Phụng hành ý Tổ.
Gởi thân Đông độ,
An mệnh Tây thiên.
Tôn sư xưa đã từng:
Khêu sáng Thiếu Thất đèn Thiền,
Khai thông Tào Khê nước Pháp.
Ơn cao khó đáp,
Nghĩa cả khôn đền.
Canh cánh khôn quên,
Bâng khuâng còn nhớ.
Nay thì:
Đạo tràng vừa mở,
Hiếu lễ đã bày.
Dâng lên sớ này,
Cúi đầu bái bạch.
Nam mô Long Khánh Đường thượng, nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 43, Tôn sư húy thượng Tâm hạ Hoàn, hiệu Huệ Long Hòa thượng giác linh, tác đại chứng minh.
Phục nguyện:
Trên ao Cửu liên, sáng soi đưa xuống;
Trong nhà Tam bảo, hoa rải rước về.
Độ sanh còn nhớ lời thề,
Tiếp chúng chưa quên ý nguyện.
Thần thông hiển hiện,
Uy đức cao siêu.
Tự tại tiêu diêu,
Tùy duyên ứng cúng.
Cẩn sớ
Nay ngày 6 tháng 3 năm …
Sa môn Thích … Hòa nam thượng sớ.

* Tả bạch xướng:
Tái hiến trà. Lễ 3 lạy. Cùng quỳ.
* Chủ lễ chấn linh: Vịnh 2 (hỏi chuyện tam sanh):
Người đi không hẹn ngày về lại,
Câu chuyện tam sanh biết hỏi ai?
Ba cõi không nhà không quyến thuộc,
Hẹn nhau gặp lại chốn liên đài.
Kệ trà:
Liên đài mong gặp lại,
Sẽ nói chuyện tam sanh.
Ba cõi mờ vang bóng,
Bồ đề đạo viên thành.
* Tả bạch xướng:
Phụng thực.
Tụng: Cúng dường. Nam mô tát phạ…
* Tả bạch xướng:
Chung hiến trà. Lễ 3 lạy. Cùng quỳ.
* Chủ lễ chấn linh: Vịnh 3 (cúng dường trai tăng):
Sắc hương mỹ vị trai bồ soạn,
Thành kính dâng lên trường bảo đài.
Một Bát-hòa-la đầy đạo vị,
Cúng dường Hòa thượng sứ Như Lai.
Kệ trà:
Như Lai người sứ giả,
Ứng cúng khắp muôn phương.
Một bát trai bồ soạn,
Xin thành kính cúng dường.
Nam mô Thiền Duyệt Tạng Bồ tát (3 lần).
Tụng: Ma ha Bát nhã…
* Chủ lễ hạ thủ xích: Hồi hướng (nói):
Vừa rồi:
Bao nhiêu công đức,
Bấy nhiêu hương hoa.
Thành kính thiết tha,
Nguyện xin cúng dường.
Long Khánh phương trượng,
Linh giác tọa tiền.
Duy nguyện ai liên,
Thùy từ hứa khả.
Từ bi bất xả,
Hân hạnh vô biên!
Phục nguyện:
Bình Định rừng Thiền,
Có nhiều sư tượng
Quy Nhơn biển pháp,
Khôn thiếu côn bằng .
Noi gương Phước Huệ cao tăng,
Theo dấu Thanh Cần Đại sĩ.
Thấy hoa hiểu ý,
Nghe tiếng tỏ lòng.
Nghìn thu Yên Tử tông phong,
Muôn thuở Trúc Lâm Tổ ấn.
Dòng thiền vô tận,
Họ Thích miên diên.
Trân trọng khấu bái.
Tán đưa:
Pháp hội đến đây xin tạm mãn,
Hương hoa chung cổ tiễn chân thầy.
Tổ đình năm đến mong thầy nhớ,
Cánh hạc đưa thầy lại xuống đây.
Nam mô Đăng Vân Lộ Bồ tát (3 lần).
* Chủ lễ hạ thủ xích: Kết diên:
Thù ân báo đức,
Lễ đã viên thành.
Chuông trống hòa thanh,
Lễ từ ba lạy
Pháp hữu Huyền Quang
Phụng soạn


 Điệp thọ giới tại giới đàn Long Khánh năm 1927.
Cấp cho giới tử Như Trung Giải Chánh, chùa Tây Thiên, thị trấn Bình Định
Ảnh Như Tịnh (2011)
Theo Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định - http://vnbet.vn

Nhận xét

  1. Xin anh Thịnh cho biết sư Huệ Long (Tâm Hoàn) vì sao viên tịch khi còn rất trẻ vậy? Thầy đau bệnh gì hả anh?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến