Chùa Tăng Quang
Cổng chùa Tăng Quang 2013 - Ảnh https://mytour.vn
Toàn cảnh chùa Tăng Quang (cũ) - Ảnh lebichson.org
Chùa nguyên thủy có tên là Tăng Quang tự (增 光 寺) nhưng vua Bảo Đại ban biển tứ danh là Tam Giáo tự. Nay biển đắp trên cổng chùa đề là Tam Giáo tự nhưng trên danh bạ tự viện và trong thư tịch đều ghi là chùa Tăng Quang. Chùa tọa lạc tại 160/1 đường Lê Hồng Phong, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn.
KIẾN TRÍ TỔNG QUAN
Trước chùa có cổng gạch ba cửa, trên mày cửa giữa để ba chữ: 三 教 寺 Tam Giáo Tự có nghĩa là chùa theo 3 đạo Nho Phật Lão.
Bên trong ngõ, sau vuông sân hẹp là tòa nhà lầu chạy ngang cùng tọa hướng với cổng ngõ. Tòa nhà này dài 8m, rộng 6m, cao 8m, diện tích mặt bằng 48m², diện tích tầng trên 48m², mái điệp ốc, lợp ngói, trên nóc có tượng lưỡng long chầu chữ A.
Bên trong lầu, gian giữa tầng trên thờ Phật.
Tầng trệt, gian giữa đặt khám thờ, trong khám bệ trên có tượng Ngọc Hoàng Thượng đế ngồi giữa, hai tượng Nam Tào Bắc Đẩu đứng hầu hai bên, bệ dưới có tượng Quan Thánh ngồi giữa, hai tượng Quan Châu nhị tướng đứng hầu hai bên. Sáu tượng này có lẽ bằng gỗ, khá xưa, đã có từ lúc lập chùa. Trên bệ gạch trước khám có tượng Phật Thích Ca ngồi giữa, hai tượng Tiêu Diện và Hộ Pháp đứng hai bên. Ba tượng này đều bằng xi măng. Chùa Tam Giáo mà chỉ thấy thờ có Giáo tổ đạo Phật còn hai vị Giáo tổ nữa đâu? Hoặc giả tượng đứng hai bên tượng Ngọc Hoàng không phải Nam Tào Bắc Đẩu mà là Lão tử Khổng tử đó chăng? Tôi đem điều này hỏi vị trụ trì hiện nay thì được trả lời là “chưa rõ”.
Bên Tả vu có bệ thờ Cô hồn. Giữa bệ có tượng Thổ địa Linh quan.
Bên Hữu vu có bệ thờ Bà. Giữa bệ trên ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng, có 5 tượng gỗ khá xưa, ngồi giữa là tượng Cửu Thiên Huyền nữ, Kim Đồng Ngọc nữ và hai bộ tướng đứng 4 góc. Bên trong, trên mày cửa giữa, đối diện khám thờ có tấm biển gỗ dài 1m50, cao 1m, sơn son thếp vàng, trên đường viền chung quanh chạm tứ linh, giữa chạm hiệu chùa:
Bảng Sắc tứ Tam Giáo Tự năm Bảo Đại thứ 12 - Ảnh Như Tịnh (2011)
Sao lại như sau:
敕 賜
三 教 寺
保 大 十 二 年 五 月 日
禮 工 部 恭 錄
Phiên âm:
Sắc tứ
Tam giáo tự
Bảo Đại thập nhị niên ngũ nguyệt nhật
Lễ Công bộ cung lục
Dịch nghĩa:
Chùa ba đạo Nho Phật Lão
Được vua ban biểu Sắc tứ vào ngày tháng 5 năm Bảo Đại thứ 12 (1937).
(Thượng thư) bộ Lễ kiêm bộ Công kính cẩn sao lục.
Sau lầu có ngôi nhà ngang làm nhà Tổ. Bệ thờ Tổ đặt ở gian giữa, trên bệ có di ảnh vị sư sáng lập chùa này. Hai bên có bệ thờ linh.
Đối diện bệ thờ Tổ có bàn thờ Thập điện Minh vương (Mười vua cõi Âm), có đắp tượng mười vua trên vách.
Tại chùa này có mấy câu liễn.
Liễn hai bên bàn Phật ở tầng trên:
增 深 仙 境 由 天 道
光 炤 佛 門 在 地 球
Phiên âm:
Tăng thâm tiên cảnh do thiên đạo,
Quang chiếu Phật môn tại địa cầu.
Dịch nghĩa:
Đạo Trời còn cảnh Tiên sâu vắng,
Trái đất có chùa Phật rạng ngời.
Liễn hai bên khám tầng trệt:
三 尊 貫 徹 無 今 古
教 澤 汪 涵 絕 淺 深
Phiên âm:
Tam tôn quán triệt vô kim cổ,
Giáo trạch uông hàm tuyệt thiển thâm.
Dịch nghĩa:
Ba tôn thông suốt không kim cổ,
Ơn đạo thấm nhuần dứt cạn sâu.
Câu liễn hai bên bệ thờ Tổ:
家 家 謾 說 含 三 教
祖 祖 相 傳 只 一 心
Phiên âm:
Gia gia mạn thuyết hàm tam giáo,
Tổ tổ tương truyền chỉ nhất tâm.
Dịch nghĩa:
Nhà nhà nói mãi không ngoài ba đạo,
Tổ tổ truyền nhau chỉ có một tâm.
Câu liễn hai bên tranh tượng Thập điện Minh vương:
生 前 不 識 天 堂 路
死 後 供 旬 地 獄 門
Phiên âm:
Sanh tiền bất thức Thiên đường lộ,
Tử hậu cung tuần Địa ngục môn.
Dịch nghĩa:
Sống không biết tới một nẻo Thiền đường,
Chết trải qua khắp mười cửa Địa ngục.
KIẾN TẠO DUYÊN KHỞI
Trước khi nói tới do đâu mà có chùa Tam Giáo, tưởng cũng nên biết qua Tam giáo là gì?
Tam giáo là ba đạo Nho Phật Lão.
1. Nho giáo:
Giáo tổ đạo Nho họ Khổng, nhân bà mẹ cầu tự ở núi Ni Khâu rồi sinh ra Ngài nên Ngài được đặt tên Khâu, tự là Trọng Ni, người đời sau vì kính trọng Ngài mà gọi Ngài là Khổng Tử.
Thánh tượng Đức Khổng Tử, người khai sáng Khổng giáo.
Ngài sinh năm Canh Tuất nhằm năm thứ 21 đời Chu Linh Vương, Tây lịch nhằm năm -551, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông. Cha là Thúc Lương Ngột làm quan võ. Mẹ là Nhan Thị.
Ngài sống nhằm thời đại loạn, ngũ bá thay nhau tranh cường, mượn tiếng tôn Chu thực tế là bành trướng thế lực, liên tiếp tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược hoặc thôn tính lẫn nhau khiến dân chúng điêu linh, dân phong bại hoại. Ngài muốn cứu cái tệ thời bấy giờ, để chấm dứt chiến tranh Ngài cổ vũ đường lối tôn Chu thống nhất chư hầu, để chỉnh đốn phong tục Ngài dạy người biết sống theo đạo làm người. Ngài dắt đệ tử chu du liệt quốc trong nhiều năm, mong gặp bậc minh quân biết dùng Ngài thì đem sở học thi thố cứu đời nhưng không được may mắn.
Về già, Ngài trở về nước Lỗ vừa dạy học trò, vừa san định 5 kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và viết quyển sử nước Lỗ được đời sau tôn là “Kinh Xuân Thu”.
Ngài mất vào một ngày tháng Tư năm Nhâm Tuất, nhằm năm thứ 41 đời Chu Kính Vương, tức năm 478 trước Công nguyên, thọ 73 tuổi Dương, tức 74 tuổi Âm.
Sinh thời, người ta theo học Ngài rất đông, tương truyền có tới 3.000 người. Trong đó có 72 người giỏi được tôn xưng là “Thất thập nhị hiền”. Trong số hiền này có 8 vị tiếp tục phát huy học thuyết của thầy, đó là Tăng Tử, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du, Trọng Cung, Hữu Tử, Thương Cồ,Tất Diêu Khai. Nhưng phải đợi đến đồ tôn của Tăng Tử là Mạnh Tử (372 đến 289 trước Công nguyên) thì cái đạo của Khổng Tử mới phát huy rực rỡ.
Cũng sinh thời, Ngài không được trọng dụng, học thuyết của Ngài vua chư hầu nào cũng cho là hay mà chẳng ai chịu theo. Phải đợi đến 272 năm sau khi Ngài qua đời thì Hán Cao Tổ (206 đến 194 trước Công nguyên) mới bắt đầu dùng nhà Nho làm việc nước. Rồi từ Tùy Đường (581-906) trở đi, Nho giáo trở thành quốc giáo, lục kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân Thu) và Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử) được dạy cho người học để thi đỗ ra làm quan. Đường Thái Tông tôn Ngài làm Tiên Thánh năm 637, Đường Huyền Tông truy phong Ngài làm Văn Tuyên Vương năm 739 và lệnh lập văn miếu thờ Ngài. Từ ấy đến cuối đời Thanh (1644-1911), Triều đại nào cũng dùng Khoa cử để tuyển hiền nên nhà Nho đương nhiên nắm chính quyền. Chỉ sau cách mạng Tân Hợi (1911) học chế cải cách, thật sự không dùng chế độ thi cử có từ Tùy Đường để tuyển hiền, Tân học thay thế Cựu học thì vai trò của Nho giáo cũng lu mờ dần.
Nho giáo du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Công nguyên đến 39) đời Tiền Hán nhưng học thuật bắt đầu phát triển từ Sĩ Nhiếp (187-226) làm Thái thú Giao Châu vào đời Hậu Hán trở đi. Đến Trần (1225-1400), Lê (1426-1788), Nguyễn (1802-1945) thì Nho giáo trở thành quốc giáo. Cũng dùng Ngũ Kinh Tứ Thư làm sách giáo khoa, cũng dùng khoa cử để tuyển hiền, cũng để nhà Nho nắm chính quyền, cũng lập Văn miếu thờ Khổng tử và cho đến đời Nguyễn thì Khổng tử được thờ tại các Văn chỉ ở các phủ huyện khắp nước. Cho đến năm Khải Định thứ 4 (1919) khoa cử Hán học bị bãi bỏ, Tân học thay Cựu học thì Nho giáo chỉ còn là vang và bóng.
Ở tỉnh ta, trước năm 1946 thì tại tỉnh thành, phủ lỵ huyện lỵ nào cũng có Văn chỉ thờ Khổng tử. Sau 1946 một số bị phá hoại vì nằm trong kế hoạch Tiêu thổ kháng chiến, hiện nay chỉ còn sót lại mỗi một Văn chỉ Phù Cát.
Văn chỉ Phù Cát tọa lạc tại thôn Kiều An, xã Cát Tân, cạnh Quốc lộ 1 về phía Đông. Bên trong vẫn còn bát hương thờ Khổng tử (bệ giữa), Thất thập nhị hiền (bệ tả), Tứ Phối Thập Triết (bệ hữu) và mẹ Ngài nhưng cảnh trí rất tiêu sơ.
Sinh thời, Đức Khổng tử chỉ dạy người biết đạo làm người, tránh bàn tới chuyện siêu hình của Trời đất Quỷ thần, càng không nói tới linh hồn hoặc kiếp trước kiếp sau. Ngài là một Triết gia hơn là giáo chủ của một tôn giáo. Cho nên từ rất lâu đời, ở Trung Quốc hoặc ở nước ta, hay ở các nước chịu ảnh hưởng Văn hóa Trung Quốc như Nhật, Hàn người ta thờ Ngài để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn một vĩ nhân văn hóa chứ không xem Ngài như một vị thần biết ban phúc giáng họa. May sao ở tỉnh ta cũng còn có chỗ thờ Ngài, khả dĩ an ủi người hữu tâm.
2. Phật giáo:
Giáo tổ đạo Phật là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamouni). Nguyên Ngài tên là Tất-đạt-đa (Siddhartha), họ cha là Cồ Đàm (Gotama), họ mẹ là Thích Ca (Sakya), còn Mâu Ni (Mouni) là hiệu có nghĩa là tịch mịch, lặng lẽ và Phật (Buddha) là từ người đời tôn xưng Ngài bậc giác ngộ, bậc cứu độ người, bậc biết và làm đều trọn vẹn (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn). Cha là vua nước Ca tỳ-la-vệ (Kapilavastu) xứ Trung Ấn Độ tên là Tịnh Phạn vương Đầu Đà Na (Sudhodana), mẹ Ngài là Hoàng hậu Ma-da (Maya).
Ngài sinh ngày Rằm tháng Tư Âm lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni, trước Tây lịch 624 năm. Bảy ngày sau, mẹ ngài qua đời, em gái Hoàng hậu là Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng Ngài.
Thuở nhỏ, Ngài đã nổi tiếng thông minh, học hạnh hơn người. Lớn lên Ngài nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường nên quyết chí xuất gia, tìm đường giải thoát cho mình và người, hầu đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ.
Thánh tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,
người khai sáng Phật giáo.
Ngài tu khổ hạnh trong tuyết sơn (Hymalaya) hết 6 năm mà chưa đạt được chân lý, Ngài bèn đến núi Koda ngồi dưới gốc cây Bồ đề và thề nếu không thành đạo thì không đứng dậy rời khỏi chỗ này. Với ý chí kiên quyết như thế, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh và chứng đạo Bồ đề.
Sau khi thành đạo, Ngài đi khắp xứ thuyết pháp độ sanh, ròng rã 49 năm đã giác ngộ được rất nhiều người, lập thành một tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn thời bấy giờ.
Năm 80 tuổi, Ngài nhập Niết bàn giữa hai cây Sala (Song thọ) trong rừng Sala ở thành Câu Thi Na vào ngày Rằm tháng 2 Âm lịch.
Sau khi Phật diệt độ, hai vị Đại Đệ tử của Phật là Ca Diếp và A Nan thay Phật hoằng truyền chánh pháp. Những lời Phật giảng dạy trong 49 năm được các đệ tử Ngài kết tập thành kinh tạng, luật tạng, hợp với luận tạng do chư Tổ bàn giải nghĩa lý kinh luật làm thành tam tạng giáo điển.
Từ Ấn Độ, Phật giáo truyền bá theo hai đường, đường Bắc qua Trung Hoa, đường Nam qua Tích Lan, lan ra toàn cõi Á Đông rồi cuối cùng là toàn thế giới.
Đạo Phật du nhập vào nước ta cũng theo hai đường: Đường Bắc từ Trung Hoa do các Thiền sư người Hoa sang nước ta lánh nạn sau cái chết của Hán Linh Đế vào năm 189, tức vào cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III. Đường Nam do các nhà sư Thiên Trúc (Inde), Khương Cư (Sogdiane), Nhục Chi (Indoscythe) sang ở nước ta hoặc đi qua nước ta rồi sang Trung Quốc trong thế kỷ thứ III. Qua đời Lý (1010-1225) thì Phật giáo trở thành quốc giáo, sang đời Trần Phật giáo cũng vẫn còn long thịnh nhờ nhiều vua nhiệt tâm hộ đạo, trong triều đặt chức Quốc sư chọn từ hàng tăng lữ, mở Khoa thi Tam giáo (Nho Thích Lão) để lựa tăng tài quản lý các quan tự, vua Trần Nhân Tông về sau đi tu tự hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng lập thành phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. v.v... Nhưng qua đời Lê thì Phật giáo bị nhà Nho công kích, không được vua săn sóc đến nữa, tăng ni phần nhiều là người vô học nên bày ra các mối dị đoan khiến chùa chiền thành nơi cúng cấp cầu đảo còn giáo lý cao thâm của đạo Phật thì ít người hiểu nữa. Sang thời Nam Bắc phân tranh (1528-1802) nhờ có các bậc danh tăng từ Trung Quốc sang Đàng Ngoài như Trí Giáo Nhất Cú (tông Tào Động), sang Đàng Trong như Đại Sán Thạch Liêm (tông Tào Động), Nguyên Thiều Siêu Bạch (tông Lâm Tế) xiển dương chánh pháp khiến Phật giáo có cơ hội phục hưng. Nhưng phải đợi đến mạt diệp nhà Nguyễn (1802-1945). Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, trong Nam, ở Trung, ngoài Bắc có nhiều bậc thiện tri thức trong hàng xuất gia và tại gia đã theo đường lối cải cách Phật giáo của Thái Hư Đại sư bên Trung Quốc mà mở trường đào tạo tăng ni, lập hội nghiên cứu và tu học, xuất bản sách báo để phổ biến giáo lý v.v... gây thành phong trào Chấn hưng Phật giáo cho đến hôm nay vẫn còn tiếp tục.
Cho đến ngày nay Phật tử đến chùa lễ Phật không phải cầu Phật ban phúc ban lộc mà để bày tỏ lòng tôn kính Đức Bổn Sư, nguyện noi gương Ngài để sống thì thành người có ích cho gia đình, cho đạo pháp, cho xã hội, chết thì được vãng sanh về Cực Lạc. Chỉ có thế mà làm mãi suốt đời vị tất đã xong, còn vọng cầu gì nữa?
3. Lão giáo:
Giáo Tổ của Lão giáo (cũng gọi là Đạo giáo) được người đời sau truy tôn là Lão tử. Hai chữ này chỉ có nghĩa là“Ông thầy già” nhưng gần đây có người cho Lão là họ như Lão Lai Tử chẳng hạn. Nhưng Tư Mã Thiên trong Sử Ký thì lại bảo Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương thụy là Đam, người huyện Hỗ, nước Sở, nay thuộc tỉnh An Huy, người đồng thời với Khổng Tử, làm quan Trụ hạ sử nhà Chu, sau bỏ quan tới ải Hàm Cốc viết hai thiên sách gồm 81 chương hơn 5.000 từ nói về Đạo và Đức (sau tôn làm Đạo Đức kinh) rồi đi về phía Tây (Cam Túc) hóa ra biệt tích. Gần đây, nhiều học giả Trung Quốc bác thuyết của Tư Mã Thiên, trong đó, có Dư Bồi Lâm và Phùng Hữu Lan. Họ Phùng chủ trương rằng: “Lý Nhĩ là nhân vật có thật làm thủ lãnh Lão học ở thời Chiến quốc (sinh sau Khổng tử hàng trăm năm. LX) còn Lão Đam chỉ là nhân vật truyền thuyết mà Lý Nhĩ mượn tên đề học thuyết của mình được người đời tôn trọng”. Xem ra nghi vấn “Lão tử là ai?” hiện vẫn chưa có đáp án.
Thánh tượng Đức Lão Tử, người khai sáng Lão giáo.
Dù sao Lão tử có để lại Đạo Đức kinh, bày tỏ tôn chỉ nên Lão giáo còn gọi là Đạo giáo.
Về sau có các sách Liệt tử (được tôn làm Xung Hư chân kinh) của Liệt Ngự Khấu, Trang Tử (được tôn làm Nam Hoa kinh), của Trang Chu đều ở đời Chiến quốc diễn giải và truyền bá tôn chỉ của Lão tử. Những sách ấy (Đạo Đức kinh, Xung Hư kinh, Nam Hoa kinh) nghĩa lý rất cao siêu, ít người hiểu nổi nên càng về sau học thuyết càng biến đổi đến nỗi có người căn cứ vào vài câu văn rất hàm súc trong Đạo Đức kinh làm nền tảng của thuyết luyện đan để được trường sinh và thuyết dùng bùa chú để chữa bệnh mà hình thành hai phái Đan đỉnh và Phù lục trong Lão giáo vào đời Đông Hán mà người mở đường là Trương Đạo Lăng.
Sử chép rằng cuối đời Đông Hán (cũng gọi Hậu Hán) tức từ năm 25 đến năm 220 ở đất Thục có Trương Đạo Lăng, cháu 9 đời của Trương Lương (công thần của Hán Cao Tổ) dạo khắp danh sơn tầm thầy học đạo, sau tự nói đắc đạo ở núi Long Hổ, viết cuốn “Đạo thư” gồm 24 thiên phu diễn tư tưởng của Lão tử trong Đạo Đức kinh, thờ Hoàng đế và Lão tử, tôn Lão tử làm Thái Thượng Lão quân, dùng bùa chú chữa bệnh và trấn áp tà quái. Ai đến xin chữa chỉ phải dâng 5 đấu gạo. Nhân đó, họ gọi đạo này là đạo Hoàng Lão, đạo Năm đấu gạo và gọi ông là “ông thầy năm đấu gạo (Ngũ đấu mễ sư). Con cháu ông ở núi Long Hổ, nay thuộc huyện Quý Khê, tỉnh Giang Tây, đời đời có người nối nhau làm chủ Đạo giáo, xưng là Chánh Nhất Chân Nhân, tục gọi là Thiên sư. Cháu 7 đời của ông là Trương Hư Tĩnh học thuật trường sinh, luyện thành kim đơn, hàng phục được rồng cọp, đang giữa ban ngày đắc đạo thành Tiên bay lên trời, bỏ giữa sân dược phẩm còn thừa, gà chó kéo tới ăn thảy đều bay lên trời cả!”.
Sự thực, kết quả không được Liệt tiên truyện cao rao bởi lẽ toa thuốc bí truyền luyện tiên đan gồm: Hoàng kim 8 lượng, Thủy ngân 8 lượng, Hùng hoàng 1 chỉ, Thư hoàng 1 chỉ là một hỗn hợp những khoáng chất chỉ có khả năng rút ngắn đời sống người nào uống nó. Bởi nó tác hại như thế nên đời Tống từng có lệnh giết hàng loạt Đạo sĩ luyện đan nhưng bởi cái tham vọng của con người (nhất là vua chúa) đều muốn sống lâu nên người ta vẫn tiếp tục luyện đan và tiếp tục dùng tiên đan cho tới Minh Thanh và Đạo giáo có vai trò nhất định trong xã hội Trung Quốc từ Hán đến Thanh.
Thật vậy, Đạo giáo dưới sự lãnh đạo của các Thiên sư họ Trương được giới bình dân tin theo tạo thành cuộc nổi dậy của nông dân cuối đời Đông Hán mà sử gọi là “loạn Huỳnh Cân” đã làm lung lay ngai vàng nhà Hán, tạo thành cục diện Tam quốc phân tranh. Rồi đến đời Thanh, các cuộc nổi dậy “Phản Thanh phục Minh” của Thiên Địa hội và “Phiên trấn cát cứ” của Quyền phỉ thì trong 10 cuộc đã có 8 cuộc do họ điều khiển. Cho nên Đạo giáo từng bị nhiều Triều đại phong kiến nghi kỵ. Chỉ có đời Đường, Đạo giáo được nhà vua trọng thị bởi lẽ về đời Cao tổ có người thấy Lão tử hiện ra ở núi Dương Giác xưng là Tổ nhà Đường! Vua Cao Tổ cũng tin như thế (chả là Lão tử Lý Nhĩ với Cao Tổ Lý Uyên cùng họ Lý) nên cho lập miếu thờ Lão tử, đích thân đến miếu tế Lão tử và tôn Lão tử làm Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng đế, bắt con cháu đời nào cũng phải học Đạo Đức kinh và hộ trì Lão giáo. Do đó, đạo này rất thịnh ở đời Đường.
Lão giáo du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, đến đời Trần thì nghiễm nhiên cùng Nho Phật chia ba thế lực và ảnh hưởng trong triều đình và ngoài dân dã. Các Đạo quán thờ Lão tử ở trong nước cũng được triều đình săn sóc tới, giới Đạo sĩ cũng có chức có hàm như tăng lữ và cũng trải qua sự lựa chọn bởi các khoa thi Tam giáo.
Sang Lê Nguyễn thì pha tạp với các tín ngưỡng dân gian về những mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải, chúa Liễu Hạnh v.v... ở Bắc và Thiên Hậu Thánh mẫu, Thiên y A-na v.v... ở Trung, dần dà các Đạo quán biến mất mà am tĩnh mọc lên như nấm với những ông đồng, bà cốt ợ ngáp múa men vẽ bùa bắt ấn lung tung, di phong còn tới ngày nay, bị kết tội là mê tín dị đoan, bị công an bắt phạt mà xem ra họ vẫn hoạt động rầm rộ như xưa, cứ xem các màn hát Chầu Văn trên ti vi thì rõ.
Ở Bình Định, trước năm 1945, tại Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) có Đạo sĩ du phương thường gọi là ông Du Di và ở Từ đường An Lợi Phù Cát có bà Nghĩa là những người có tu có luyện và tương truyền đều có thuật lạ, cả hai đều chữa bệnh không lấy tiền. Ngoài ra, hầu hết đều là bọn buôn thần bán thánh, dùng mánh khóe lừa người để kiếm tiền. Bọn họ cũng thờ Lão tử và tôn Ngài làm Tổ sư. Khi thỉnh Tổ sư thì họ đọc bài văn có đoạn như sau:
“Nhớ thuở xưa Từ mẫu thọ thai,
Nằm trong bụng mẹ bảy mươi hai năm ròng.
Hai tay ngài có chữ cửu long,
Hai chân ngài có bùa tứ tung ngũ hoành.
Lại có chữ quỷ xây quanh,
Đến đâu tà thảy khiếp kinh hãi hùng”.
Tội nghiệp cho tác giả Đạo Đức kinh, nếu ông có thể sống lại được thì ắt vô cùng kinh ngạc vì không ngờ rằng bản thân mình và cái đạo mà mình thấy được đã bị biến tướng tới mức ấy!
Trở lên là Tam giáo, ý nghĩa và thực chất.
Sau đây là duyên khởi kiến tạo chùa Tăng Quang được Sắc tứ là Tam Giáo tự.
Số là, về khoảng đời Đồng Khánh (1886-1888) có một Đạo sĩ người Hoa tên là Trương Đạo Tân từ Trung Quốc theo ghe buôn sang Quy Nhơn truyền đạo. Ông theo thuyết Tam Giáo đồng nguyên (Ba đạo Nho Thích Lão đều cùng một nguồn gốc mà ra) manh nha từ đời Tấn. Thuyết này cho rằng Phật Thích Ca cũng người Trung Quốc. Họ bảo rằng lúc Lão tử đi đến ải Hàng Cốc thì viết Đạo Đức kinh để lại cho Quan Doãn Hỷ rồi qua cửa ải đi về hướng Tây, tức về Thiên Trúc (Ấn Độ) mà thành Phật Thích Ca ?!? Cho nên đi tới đâu ông cũng đem giáo lý của ba nhà ra mà giảng giải. Rồi khi lập chùa thì ông thờ cả ba vị Giáo tổ Nho Phật Lão. Ông tự gọi đạo này là Đại đạo. Gặp người có bệnh tật ông cũng dùng bùa chú mà chữa trị. Tuy ông không nói ra nhưng nhiều người nghĩ rằng ông là hậu duệ của Thiên sư Trương Đạo Lăng ở núi Long Hổ xưa kia. Nhân ông có biện tài khả dĩ thuyết phục được người nghe và cách chữa trị cũng có lúc hiệu nghiệm nên lắm người tin theo. Chẳng bao lâu, từ Quy Nhơn ra đến Thừa Thiên-Huế, tỉnh nào cũng có người tin theo đạo ông khiến ông lập được vừa lớn vừa nhỏ tới vài chục cảnh chùa, mà chùa nào cũng mang tên có chữ "Nam".
Đọc quyển “Tang sự trích biên” của văn hào Đào Tấn ở thôn Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, tôi thấy cụ viết rằng mẹ cụ là bà Hà Thị Loan, người Huế, mất ngày 27 tháng 5 năm Ất Mão, nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897), tang lễ cử hành tại Huế, bấy giờ có em họ là Phùng cùng Lý trưởng Cao Văn Ty đều là đệ tử chùa Thanh Nam ra Huế đi điếu. Ở phần liễn trướng vãn điếu thấy có ba câu:
西 天 直 往
靈 南 寺 善 信 拜
Phiên âm:
Tây Thiên Trực Vãng
Linh Nam tự, thiện tín bái.
Dịch nghĩa:
Về Thẳng Trời Tây
Chùa Linh Nam Thiện nam tín nữ lạy
騎 鶴 飛 升
清 南 堂 弟 子 拜
Phiên âm:
Kỵ Hạc Phi Thăng
Thanh Nam đường đệ tử bái.
Dịch nghĩa:
Cỡi Hạc Bay Lên
Đệ tử chùa Thanh Nam lạy.
福 果 團 圓
清 南 韓 鎮 隼 拜
Phiên âm:
Phước Quả Đoàn Viên
Thanh Nam Hàn Trấn Chuẩn bái.
Dịch nghĩa:
Quả Phước Tròn Trịa
Hàn Trấn Chuẩn ở chùa Thanh Nam lạy.
Như vậy, vào thời điểm ấy (1897) tại Bình Định đã có ít nhất cũng 2 chùa Linh Nam, Thanh Nam do ông lập. Sự có mặt 3 tấm trướng này treo tại đám tang mẹ quan Thượng Thư bộ Hình Đào Đại nhân tại Kinh đô Huế chứng tỏ người khuất có quan hệ với hai chùa cùng mang tên Nam do Đạo sĩ họ Trương lập. Thảo nào, đồ tôn của ông nói với tôi rằng đầu đời Thành Thái ông bị bắt về triều nhưng sau đó chẳng những ông được thả về mà chùa Vân Nam trên núi Eo Mén do ông lập, còn được triều đình ban biển Sắc tứ. Sự cố này ắt có bàn tay hộ đạo của cụ Đào.
Tại Bình Định ông có hai vị đệ tử là Trình Đạo Thanh và Đặng Quang Diệu. Hai ông này được tôn xưng là Lão sư nên thời nhân gọi chùa họ lập là chùa ông Lão, gọi đạo họ truyền là đạo ông Lão.
Đạo sĩ họ Trương sau tu rồi tịch tại chùa Vân Nam (Eo Mén), mộ còn tại đó. Lão sư họ Trình lập chùa Bích Nam tại thôn Quảng Nghiệp, nay thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước. Đệ tử ông là Trần Xương Như lập chùa Tăng Quang đang nói ở đây.
CHÙA TĂNG QUANG TỪ TRIỆU KIẾN ĐẾN NAY
Trần Xương Như thế danh Trần Trấp, người huyện Tuy Phước, sinh năm Nhâm Dần (1902), 5 tuổi đi tu làm đệ tử Lão Trình được thầy đặt Đạo hiệu là Xương Như. Mẹ ông họ Nguyễn là tín nữ với Đạo danh Ngọc Ý.
Năm lên 9 tuổi, bà mẹ xuất tài lực lập chùa Tăng Quang cho ông ở tu, bấy giờ nhằm năm Duy Tân thứ 6, Nhâm Tý (1912).
Bảng Tăng Quang Tự năm Mậu Dần - Ảnh Như Tịnh (2011)
Chùa ban đầu tuy bằng ngói nhưng quy mô khiêm tốn hơn ngày nay. Đến năm Bảo Đại thứ 12, Đinh Sửu (1937) chùa được ban biển Sắc tứ Tam Giáo Tự, bấy giờ ông được 35 tuổi. Các chùa trong môn phái Khánh hạ cặp liễn cẩn, nay không còn nhưng còn có người thuộc. Nguyên văn:
我 國 長 存 三 教 寺
慈 航 普 渡 十 方 民
Phiên âm:
Ngã quốc trường tồn Tam giáo tự
Từ hàng phổ độ thập phương dân.
Dịch nghĩa:
Nước Việt luôn còn Tam giáo tự,
Bè từ độ khắp thập phương dân.
Sau đó, ông được Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn, trụ trì chùa Long Khánh, Quy Nhơn điểm hóa mà đầu Thiền vị danh tăng này vào năm Kỷ Mão (1939) được ban Pháp danh Tâm Chơn, Pháp tự là Thiện Đạo, Pháp hiệu là Huệ Khai được bổn sư phó pháp làm Đại sư. Danh hiệu chùa vẫn là Tăng Quang tự. Bên trong, cách thờ phượng được giữ y nhưng hành trì theo quy củ Thiền môn.
Chùa được Đại trùng tu vào những năm 60 mà quy mô còn tới ngày nay.
Sư tịch tại chùa vào ngày 14 tháng 6 năm Ất Sửu (1985). Mộ ở trước chùa Bích Nam, Phước Hưng. Thế thọ 84 tuổi dương, tức 85 tuổi âm.
Long vị Lịch Đại Tổ sư tại chùa Tăng Quang - Ảnh Như Tịnh (2011)
Đệ tử của Sư có Thượng tọa Nguyên Huệ, Thượng tọa Nguyên Khiết bấy giờ đều đã có trụ xứ. Cho nên trước khi tịch mấy năm Sư đã đích thân đến chùa Tâm Ấn xin Sư bà Tâm Hoa cho một đệ tử là Ni sư Hạnh Minh kế vị Sư làm trụ trì chùa Tăng Quang sau khi Sư quy tịch. Ni sư Hạnh Minh đã vâng lệnh Bổn sư, được sự tán đồng của tăng tín đồ trong phái Bích Nam (trong đó có tín đồ chùa Tăng Quang), đáp ứng nguyện vọng của vị Sư quá cố mà làm trụ trì Tăng Quang tự từ năm 1985 đến nay.
Ni sư thế danh Ngô Thị Em, Pháp danh Nguyên Trí, Pháp tự Hạnh Minh, Pháp hiệu Pháp Chiếu, sinh năm 1943 tại thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Con ông Ngô Can và bà Hồ Thị Hịch đều là Phật tử thuần thành. Năm 1955 xuất gia tại chùa Tâm Ấn do Ni trưởng Thích Nữ Tâm Hoa thế độ. Năm 1965 thọ Đại giới tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn, do Sư bà Diệu Ấn, pháp hiệu Đàm Hương làm Đường đầu. Học tại trường Bồ Đề Quy Nhơn, có bằng Trung học Đệ Nhất cấp, vào Sài Gòn học Sư phạm rồi dạy tại trường Diệu Hạnh. Năm 1975 về Tâm Ấn. Năm 1989 về làm trụ trì chùa Tăng Quang.
Đệ tử có ba Tỳ Kheo Ni, trong đó có 2 vị đã tốt nghiệp trường Cơ bản Phật học Bình Định tại tu viện Nguyên Thiều khóa I.
Chú thích:
Hiện tại chùa Tăng Quang được Ni sư trụ trì đang tiến hành đại trùng tu với kiến trúc một lầu và một trệt.
Chùa Tăng Quang đang trong quá trình trùng tu - Ảnh Như Tịnh (2011)
Cổng chùa Tăng Quang 1968 - Ảnh Stephen Peter Voorhies
Cổng chùa Tăng Quang 1968 - Ảnh Stephen Peter Voorhies
Cổng chùa Tăng Quang 2011 - Ảnh Như Tịnh
Chánh điện tạm chùa Tăng Quang - Ảnh Như Tịnh (2011)
Chánh điện hiện nay 2013 - Ảnh https://mytour.vn
PHỤ LỤC
TRƯƠNG THIÊN SƯ PHÙ
Trên kia tôi có nói Trương Đạo Lăng dùng phù lục chữa bệnh và trấn tà. Sau đây trích ít đạo phù mà ông và con cháu ông đã sáng tạo hầu giúp tư liệu cho ai muốn khảo cứu liệu pháp này.
Theo Những Ngôi Chùa Tiêu Biểu Trong Tỉnh Bình Định
2011
http://vnbet.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét