Đình làng An Nhơn
Rằm giêng năm nọ, về An Nhơn, tôi đã ở lại với bà con làng An Định ba ngày đêm để xem hát bội và nghe câu chuyện về cái đình, do mấy người trung niên và các cụ cao niên trong làng kể lại.
Làng An Định chưa có đình mới, đình cũ đã không còn trong hồi tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp. Mấy năm nay mỗi khi có hát bội, người ta cất sân khấu ở Nhà văn hóa thôn. Trong các làng quê xưa, làng nào chẳng có một ngôi đình. Mà nghe như ở thành phố Quy Nhơn cũng có đình: đình Cẩm Thượng, đình Xuân Quơn… Đình làng quen thuộc quá đối với mọi người: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…” (Ca dao).
Đình làng An Định ở trung tâm điểm của bốn xóm: xóm Miễu Đông, xóm Miễu Tây, xóm Miễu Nam và xóm Miễu Bắc, các xóm châu tuần với đình. Làng có đình, xóm có miễu. Nhìn từ xa, khách thăm làng đã thấy nóc đình hiện lên từ một vùng cổ thụ xanh um. Con đường dẫn tới đình tẻ ra từ đường làng. Đình là một tòa nhà năm gian hai chái, uy nghi cổ kính. Mái đình lợp ngói âm dương, nóc đình đắp lưỡng long chầu nguyệt, mặt tiền của đình sau một lần cửa võng là lớp cửa bàn khoa; nội thất đình đủ các thứ hoành phi, liễn đối, long ngai, thần chủ rực rỡ vàng son, và đầy vẻ đẹp của những hoa văn, họa tiết chạm khắc trên mái, trên rui, trên kèo, trên trính… Bên cạnh đình là những nhà tả gian, hữu gian và những hành lang. Đình có sân rộng ở trước, có bình phong, trụ biểu với nhiều nghê đá, sư tử đá ở trong sân và ngoài cùng là cửa Tam quan. Cửa Tam quan soi bóng nước ao sen và đón gió đồng làng. Làng lớn như làng An Ngãi, làng Biểu Chánh, đình làng 7 gian 2 chái, có ao sen trước đình rộng tới mấy mẫu đất. Đa số các ngôi đình ở quê tôi đều hướng mặt vào Nam, chỉ có một ít đình do thuật phong thủy mới quay mặt hướng khác, như đình Thái Thuận quay mặt ra hướng Bắc…
Đình làng được lập ra là để thờ vị Thành hoàng. Tượng Thành hoàng ngồi trên long ngai đặt trên bàn thờ giữa, các bàn hai bên thờ các bộ hạ của Thành hoàng. Nếu không có tượng Thành hoàng thì có thần chủ, bài vị thay thế. Mỗi làng có vị Thành hoàng riêng. Làng theo nghề dệt thì thờ Thành hoàng là người có công dạy dân nghề canh cửi. Làng đúc đồng, thờ Thành hoàng là người đem nghề đúc đồng về làng. Thành hoàng như vậy thường xuất thân từ trong dân, rất gần gũi với dân. Tuy nhiên, cũng có làng như làng Háo Đức, đình làng thờ ông Quan Vân Trường và các ông Quan Bình, Châu Xương (thời Tam quốc bên Tàu), dân làng bảo thờ vậy là thờ cái gương Trung nghĩa thiên thu của ba vị này. Làng An Định thờ Thành hoàng là ông thầy đồ Trần Văn Huấn. Ông quê ở đâu không rõ, đến đây mở trường ngồi dạy học. Bên cạnh đình còn lập nhà thờ “Ông Lớn”. Ông Lớn có tên là Lê Đình Xuân, người ở trong làng, nhờ đỗ khoa thi võ mà được ra làm quan võ triều Nguyễn. Dân coi vị Thành hoàng nào cũng là Phúc thần, luôn phù hộ độ trì cho những dân làng lương thiện.
Đình có khói hương hằng ngày, đến ngày Sóc (mồng một âm lịch), ngày Vọng (rằm) mỗi tháng có cúng trà nước, hoa, quả. Công việc này do ông Từ làm: “Lừ đừ như ông Từ vào đền”. Hằng năm, đình có hai lần tế lễ, hội hè lớn: Đó là lệ “Xuân Thu nhị kỳ”, mùa Xuân cầu quốc thái dân an (kỳ yên), mùa Thu tạ ơn Thành hoàng trong gần một năm đã bảo vệ cho dân làng tai qua nạn khỏi cùng sự làm ăn thịnh đạt. Đó là những dịp dân làng được ăn uống (hương ẩm), được vui chơi. Ăn uống thì “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, ai cũng lấy đó làm điều sung sướng, làm niềm vinh dự. Hương chức nhìn vào đó, hiểu rõ thêm cái câu nói mà mình đã thuộc: “Dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy cái ăn làm trước) để làm tròn trách nhiệm lo cái ăn cho dân. Còn vui chơi thì xem hát bội và chơi các trò: kéo co, đô vật, đập ấm, bịt mắt bắt dê, xổ cổ nhân, đánh cờ người, hội bài chòi... Đình mà không đám, có khác gì chùa không có bổn đạo về tụng kinh. Phải chăng, từ đó mà có từ “đình đám” trong ngôn ngữ dân gian ta thường gặp? Ông Phi cha, rồi ông Phi con, nhà hai đời làm ông Từ giữ đình An Định. Mỗi khi làng cúng, ông Phi cha được làm phụ thợ chả, nhờ thế mà học được nghề. Đến khi già, ông Phi cha truyền lại cho ông Phi con “chức” ông Từ giữ đình và nghề mang dao thớt đi khắp vùng để mổ lợn, quết chả, làm đám cho người ta.
Hương chức làm việc tại đình, họp dân để bàn và “triển khai” việc làng tại đình (Nhà hữu gian còn được gọi là nhà hương hội). Thành hoàng giám sát các việc của làng, “nghị quyết” của làng đã có thần chứng giám, buộc người ta phải làm đúng, làm nghiêm chỉnh, dù cho có phải cãi lại phép vua (phép vua thua lệ làng). Xem như thế, cái làng quan trọng biết chừng nào. Mà cái làng quan trọng thì cái đình cũng quan trọng theo.
Đêm hát thứ ba là đêm hát “Giang Sơn thứ ba” (San hậu thành), sân khấu thiếu điều ngả nghiêng, vì hát hay và không khí phấn khởi của hồi Tôn vương, thái tử lên ngôi vua sau khi đã trừ gian diệt nịnh xong. Sau đêm hát vãng, tôi về nghỉ đêm ở nhà cụ Tú Lễ, 90 tuổi, còn minh mẫn. Cụ thức đến gần sáng, uống rượu và nói chuyện tiếp về cái đình cho tôi nghe: “Ôi chao! Hễ đi xa thì nhớ cái đình như nhớ nhà mình. Cũng phải thôi, vì hồi mình còn nhỏ, hằng ngày ra đình nhặt quả bàng khô, ôm cột đình láng bóng xoay tít với chúng bạn cùng lứa tuổi, chờ có lễ hội ở đình để đi xem. Đến khi cao niên được làng mời ra đình đọc chữ Nho, cầm chầu đám hát, ăn uống ngồi chiếu trên, lại còn được thằng mõ đưa cái thủ lợn về nhà…”. Cụ dừng lại uống rượu, tôi hỏi: “Thưa cụ, chữ “đình” có ý nghĩa gì trong từ “triều đình”? Cụ lại hớp một ngụm rượu, gật gù, rồi nói: “Chà! Câu hỏi bất ngờ mà lý thú lắm. Triều là nơi của vua, của cả nước, còn Đình là nơi của hương lý, của làng; vạn làng hợp lại thành nước; vạn làng yên vui thì nước yên vui, thái bình. Còn nữa, giặc ngoại xâm vào thì giày xéo, tàn sát dân làng trước hết, cho nên vạn làng lo đánh giặc giữ làng, thành ra cả nước cùng đánh giặc giữ nước. Đó là tôi nói tách bạch, chứ triều đình là một từ vỏn vẹn chỉ chỗ làm việc nước của vua quan. Tôi già nôm na mách qué thế, xin chú đừng trách”.
Nói xong, cụ quay ra ngủ khì… Chỉ còn có tôi thao thức với bao ý nghĩ về cái đình làng.
Huỳnh Kim Bửu
Làng An Định chưa có đình mới, đình cũ đã không còn trong hồi tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp. Mấy năm nay mỗi khi có hát bội, người ta cất sân khấu ở Nhà văn hóa thôn. Trong các làng quê xưa, làng nào chẳng có một ngôi đình. Mà nghe như ở thành phố Quy Nhơn cũng có đình: đình Cẩm Thượng, đình Xuân Quơn… Đình làng quen thuộc quá đối với mọi người: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…” (Ca dao).
Đình làng An Định ở trung tâm điểm của bốn xóm: xóm Miễu Đông, xóm Miễu Tây, xóm Miễu Nam và xóm Miễu Bắc, các xóm châu tuần với đình. Làng có đình, xóm có miễu. Nhìn từ xa, khách thăm làng đã thấy nóc đình hiện lên từ một vùng cổ thụ xanh um. Con đường dẫn tới đình tẻ ra từ đường làng. Đình là một tòa nhà năm gian hai chái, uy nghi cổ kính. Mái đình lợp ngói âm dương, nóc đình đắp lưỡng long chầu nguyệt, mặt tiền của đình sau một lần cửa võng là lớp cửa bàn khoa; nội thất đình đủ các thứ hoành phi, liễn đối, long ngai, thần chủ rực rỡ vàng son, và đầy vẻ đẹp của những hoa văn, họa tiết chạm khắc trên mái, trên rui, trên kèo, trên trính… Bên cạnh đình là những nhà tả gian, hữu gian và những hành lang. Đình có sân rộng ở trước, có bình phong, trụ biểu với nhiều nghê đá, sư tử đá ở trong sân và ngoài cùng là cửa Tam quan. Cửa Tam quan soi bóng nước ao sen và đón gió đồng làng. Làng lớn như làng An Ngãi, làng Biểu Chánh, đình làng 7 gian 2 chái, có ao sen trước đình rộng tới mấy mẫu đất. Đa số các ngôi đình ở quê tôi đều hướng mặt vào Nam, chỉ có một ít đình do thuật phong thủy mới quay mặt hướng khác, như đình Thái Thuận quay mặt ra hướng Bắc…
Đình làng An Ngãi 2016 - Ảnh Hoàng Anh Quân
Đình làng được lập ra là để thờ vị Thành hoàng. Tượng Thành hoàng ngồi trên long ngai đặt trên bàn thờ giữa, các bàn hai bên thờ các bộ hạ của Thành hoàng. Nếu không có tượng Thành hoàng thì có thần chủ, bài vị thay thế. Mỗi làng có vị Thành hoàng riêng. Làng theo nghề dệt thì thờ Thành hoàng là người có công dạy dân nghề canh cửi. Làng đúc đồng, thờ Thành hoàng là người đem nghề đúc đồng về làng. Thành hoàng như vậy thường xuất thân từ trong dân, rất gần gũi với dân. Tuy nhiên, cũng có làng như làng Háo Đức, đình làng thờ ông Quan Vân Trường và các ông Quan Bình, Châu Xương (thời Tam quốc bên Tàu), dân làng bảo thờ vậy là thờ cái gương Trung nghĩa thiên thu của ba vị này. Làng An Định thờ Thành hoàng là ông thầy đồ Trần Văn Huấn. Ông quê ở đâu không rõ, đến đây mở trường ngồi dạy học. Bên cạnh đình còn lập nhà thờ “Ông Lớn”. Ông Lớn có tên là Lê Đình Xuân, người ở trong làng, nhờ đỗ khoa thi võ mà được ra làm quan võ triều Nguyễn. Dân coi vị Thành hoàng nào cũng là Phúc thần, luôn phù hộ độ trì cho những dân làng lương thiện.
Đình làng Nghĩa Hòa 2017 - Ảnh Huỳnh Hà Kiều Trang
Đình có khói hương hằng ngày, đến ngày Sóc (mồng một âm lịch), ngày Vọng (rằm) mỗi tháng có cúng trà nước, hoa, quả. Công việc này do ông Từ làm: “Lừ đừ như ông Từ vào đền”. Hằng năm, đình có hai lần tế lễ, hội hè lớn: Đó là lệ “Xuân Thu nhị kỳ”, mùa Xuân cầu quốc thái dân an (kỳ yên), mùa Thu tạ ơn Thành hoàng trong gần một năm đã bảo vệ cho dân làng tai qua nạn khỏi cùng sự làm ăn thịnh đạt. Đó là những dịp dân làng được ăn uống (hương ẩm), được vui chơi. Ăn uống thì “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, ai cũng lấy đó làm điều sung sướng, làm niềm vinh dự. Hương chức nhìn vào đó, hiểu rõ thêm cái câu nói mà mình đã thuộc: “Dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy cái ăn làm trước) để làm tròn trách nhiệm lo cái ăn cho dân. Còn vui chơi thì xem hát bội và chơi các trò: kéo co, đô vật, đập ấm, bịt mắt bắt dê, xổ cổ nhân, đánh cờ người, hội bài chòi... Đình mà không đám, có khác gì chùa không có bổn đạo về tụng kinh. Phải chăng, từ đó mà có từ “đình đám” trong ngôn ngữ dân gian ta thường gặp? Ông Phi cha, rồi ông Phi con, nhà hai đời làm ông Từ giữ đình An Định. Mỗi khi làng cúng, ông Phi cha được làm phụ thợ chả, nhờ thế mà học được nghề. Đến khi già, ông Phi cha truyền lại cho ông Phi con “chức” ông Từ giữ đình và nghề mang dao thớt đi khắp vùng để mổ lợn, quết chả, làm đám cho người ta.
Hương chức làm việc tại đình, họp dân để bàn và “triển khai” việc làng tại đình (Nhà hữu gian còn được gọi là nhà hương hội). Thành hoàng giám sát các việc của làng, “nghị quyết” của làng đã có thần chứng giám, buộc người ta phải làm đúng, làm nghiêm chỉnh, dù cho có phải cãi lại phép vua (phép vua thua lệ làng). Xem như thế, cái làng quan trọng biết chừng nào. Mà cái làng quan trọng thì cái đình cũng quan trọng theo.
Đêm hát thứ ba là đêm hát “Giang Sơn thứ ba” (San hậu thành), sân khấu thiếu điều ngả nghiêng, vì hát hay và không khí phấn khởi của hồi Tôn vương, thái tử lên ngôi vua sau khi đã trừ gian diệt nịnh xong. Sau đêm hát vãng, tôi về nghỉ đêm ở nhà cụ Tú Lễ, 90 tuổi, còn minh mẫn. Cụ thức đến gần sáng, uống rượu và nói chuyện tiếp về cái đình cho tôi nghe: “Ôi chao! Hễ đi xa thì nhớ cái đình như nhớ nhà mình. Cũng phải thôi, vì hồi mình còn nhỏ, hằng ngày ra đình nhặt quả bàng khô, ôm cột đình láng bóng xoay tít với chúng bạn cùng lứa tuổi, chờ có lễ hội ở đình để đi xem. Đến khi cao niên được làng mời ra đình đọc chữ Nho, cầm chầu đám hát, ăn uống ngồi chiếu trên, lại còn được thằng mõ đưa cái thủ lợn về nhà…”. Cụ dừng lại uống rượu, tôi hỏi: “Thưa cụ, chữ “đình” có ý nghĩa gì trong từ “triều đình”? Cụ lại hớp một ngụm rượu, gật gù, rồi nói: “Chà! Câu hỏi bất ngờ mà lý thú lắm. Triều là nơi của vua, của cả nước, còn Đình là nơi của hương lý, của làng; vạn làng hợp lại thành nước; vạn làng yên vui thì nước yên vui, thái bình. Còn nữa, giặc ngoại xâm vào thì giày xéo, tàn sát dân làng trước hết, cho nên vạn làng lo đánh giặc giữ làng, thành ra cả nước cùng đánh giặc giữ nước. Đó là tôi nói tách bạch, chứ triều đình là một từ vỏn vẹn chỉ chỗ làm việc nước của vua quan. Tôi già nôm na mách qué thế, xin chú đừng trách”.
Nói xong, cụ quay ra ngủ khì… Chỉ còn có tôi thao thức với bao ý nghĩ về cái đình làng.
Huỳnh Kim Bửu
04/06/2009
http://www.baobinhdinh.com.vn
http://www.baobinhdinh.com.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét