Làng bún Ngãi Chánh

Nằm chếch về hướng Đông Nam thuộc xã Nhơn Hậu, thông Ngãi Chánh có 2 xóm, xóm Nam và xóm Bắc nằm hai bên cánh đồng lúa phì nhiêu, ven một nhánh sông Kôn, gọi là sông Đập Đá hiền hoà chảy qua. Nơi đây có làng nghề truyền thống làm bún gạo tươi từ bao đời nay và đã được tỉnh công nhận làng nghề. Không ai biết nghề này có từ lúc nào. Các cụ chỉ biết sinh ra là đã thấy có nghề rồi. Và từ đó truyền nối nhau, làm cho làng nghề ngày càng phát triển.

Cả làng có 360 hộ thì đã có gần một nửa làm bún. Nếu so với trước, cách đây 30 - 40 năm thì tăng gấp 4 lần. Ông Huỳnh Đình Phong - thôn trưởng Ngãi Chánh nói rằng: Hiện nay ruộng đất quá ít, chỉ bình quân 420m2/người, nên phát triển nghề phụ là cần thiết. Ngoài làm bún, dân ở đây còn làm lò tro, trồng mai cảnh…

Làm bún chủ yếu là lấy công làm lời. Ngày trước làm nghề này khá cực nhọc, chủ yếu bằng tay, từ khâu xay bột, đến ép tạo sợi cũng hoàn toàn bằng sức người. Do đó không làm được nhiều. Mỗi gia đình chỉ làm được chừng 50kg bún/ngày.

Ngày nay Ngãi Chánh làm bún bằng máy. Cả thôn có 12 máy như vậy. Ông Đoàn Thiên Lang - chủ một máy làm bún - cho biết quy trình làm bún: Gạo sau khi ngâm một ngày, ủ 4 ngày, được xay thành bột nước. Sau đó để lắng 3 ngày nữa, bỏ phần nước trong, lấy phần bột đã lắng cứng, cho vào máy làm bún. Bột được lấy thành tảng cho vào cối của máy. Máy tự khuấy nhuyễn với lượng nước vừa đủ, thành bột sền sệt. Bột được dẫn xuống khay, bầu chứa; nhờ lực ép của máy bột được đưa qua bầu hơi nóng làm chín và ép qua khuôn tạo sợi. (Máy sử dụng một bầu hơi nước dẫn hơi nóng qua làm chín bún). Sau đó sợi được đưa vào băng tải ra ngoài, rớt xuống chậu nước sạch. Lúc này chỉ cần vớt lên, để ra từng mớ, mỗi mớ khoảng vài kg, để trên giàn cho ráo nước và có thể giao liền sản phẩm cho khách hàng.

Mỗi máy sản xuất ra 2 tấn bún/ngày tức cần khoảng 700kg gạo (một kg gạo cho từ 2,7- 3kg bún). Một gia đình không thể làm ra chừng đó sản phẩm, mà phải 10 gia đình hợp lại. Người không có máy đem đến người có máy gia công. Mỗi tấn bún phải trả cho máy là 350 ngàn đồng.

Khác với bún cũng từ gạo nhưng ngâm, xay, làm ra bún liền, không qua ngâm ủ, màu trắng sáng; còn bún Ngãi Chánh cũng thuộc loại bún tươi nhưng qua ngâm ủ đến cả tuần lễ nên màu sậm hơn. Tuy vậy bún Ngãi Chánh được người tiêu dùng chuộng hơn. Sợi bún dài, khô ráo, không mùi chua, đặc biệt là dai hơn bún chưa qua ngâm ủ, có hình dáng sợi bún rất đặc trưng, làm cho người ăn thích thú hợp khẩu vị hơn. Bún Ngãi Chánh thường dùng làm bún gì cũng phù hợp: bún chả, bún bò, bún giò, bún riêu, bún ốc….

Ngày xưa, bún Ngãi Chánh chỉ bán chủ yếu trong huyện, trong tỉnh: Đập đá, Quy Nhơn, Tây Sơn… Ngoài cho các tiệm bún giò, bún cá, các bà các mẹ còn bán ngoài chợ phiên, bán dạo các vùng quê. Nhất là khi mùa lúa bắt đầu thu hoạch. Gánh bún ngang qua đồng, qua các xóm làng, người mua đủ kiểu, bằng tiền, bằng lúa, thậm chí lúa đang đập ngoài sân, quạt cho sạch lép, đổi bún. Có bà bán bún còn mang theo chai nước mắm, tô, chén, nếu cần người mua có thể mua một tô bún với nước mắm ớt tỏi là lót dạ được rồi. Bán hết gánh bún rồi, gánh về một gánh lúa là chuyện thường của người bán bún dạo.

Ngày nay bún Ngãi Chánh bán ra đủ nơi, đủ chỗ, bán tận TP. HCM. Chiều khoảng 17 giờ bún làm xong, đóng gói cẩn thận, gửi xe đò, sáng sớm hôm sau đến TP. HCM, qua chỉ một đêm, trong thời gian cho phép, không làm bún hỏng. Người làm bún Ngãi Chánh nói rằng, do bún chả cá ở Bình Định Quy Nhơn nổi tiếng, người Bình Định vào Sài Gòn mở quán, quen cách chế biến với bún địa phương nên cần. Trông sao có nhiều quán bún chả cá để Ngãi Chánh bán được nhiều sản phẩm.

Tuy vậy làm bún chủ yếu lấy công làm lời. Một kg bún hiện nay bán 4.800đ, dù bán sỉ đi Quy Nhơn, đi Sài Gòn, hay cho mấy bà, mấy cô bán dạo cũng một giá. Một kg gạo làm ra 2,7- 3kg bún, tính ra, tiền thuê máy, thời gian, công xá không còn lời bao nhiêu, chủ yếu lời nhờ nước gạo từ bún thải ra dùng để nuôi heo. Mỗi nhà làm bún nuôi 30 - 40 con heo thịt. Khi ít nhất cũng là chục, mươi lăm con, mới tiêu thụ hết nước gạo, tránh lãng phí, tránh ô nhiễm môi trường. Bà Trần Thị Mỹ Lệ nói rằng, làm bún thì ngày nào cũng phải làm. Nếu không mất bạn hàng. Bà thuê thêm 2 người làm, mỗi ngày, kể cả của gia đình, cả gia công cũng chỉ 2 tấn bún một ngày. Nhưng hầu như không nghỉ ngày nào, cả ngày Tết cũng làm. Nếu không mất bạn hàng là bỏ nghề liền.

Ông thôn trưởng Ngãi Chánh nói rằng, nhờ được tỉnh công nhận làng nghề 15 năm nay nên được nhà nước hỗ trợ đầu tư về hạ tầng. Đã làm được 2km đường bê tông rộng 2,5m trong làng nghề. Làng nghề cũng đặt ra ngày giỗ tổ nghề hàng năm vào ngày 23 tháng giêng âm lịch. Mục đích để tôn vinh, giáo dục người làm bún giữ truyền thống nghề, phát triển nghề, không bỏ phụ gia vào sản phẩm, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làng nghề… để phát triển bền vững.

Ven con đường chính trước mặt xóm Bắc tiếp giáp cánh đồng, đang xây hệ thống thu gom nước thải làng nghề bằng bê tông vững chắc. Nước thải sẽ được gom lại dẫn đến bể xử lý, tránh ô nhiễm, lại vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho làng nghề. Chắc hệ thống này sẽ hoàn thành trước Tết Tân Mão sắp đến. Đây cũng là tác nhân hỗ trợ giúp làng nghề ngày càng phát triển bền vững hơn lên.

Người Bình Định, hay nói riêng người Ngãi Chánh - Nhơn Hậu, ở phương xa, khi dùng một tô bún của quê nhà, chắc hẳn càng nhớ về cội nguồn, xứ sở, nhất là dịp xuân về Tết đến. Chắc chắn có một niềm tự hào dâng lên, quê mình có một sản phẩm bún tươi độc đáo, ngày càng được nhiều nơi ngoài tỉnh biết đến.

Tháng 01/2011
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định

------------------------------------------------------------

Ông “kỹ sư bún” thôn Ngãi Chánh

Về thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn hỏi thăm nhà ông Nguyễn Xuân Thọ thì có người không rõ, nhưng hỏi nhà ông “kỹ sư Bún” thì ai cũng biết. Thực ra, gia đình ông Nguyễn Xuân Thọ làm nghề bún đến nay đã 3 đời rồi, hiện nay con trai ông là Nguyễn Xuân Thành đang nối nghiệp ông nội trở thành “đại gia bún”ở địa phương - phụ trách miếu thờ ông tổ nghề bún tại thôn Ngãi Chánh. Còn biệt danh “kỹ sư bún” xuất hiện khi Nguyễn Xuân Thọ tự nghiên cứu và sản xuất thành công máy ép bún liên hợp (1997), trở thành sản phẩm cơ khí hỗ trợ bà con lao động thủ công làng bún truyền thống, thì thương hiệu bún và máy ép bún Ngãi Chánh bắt đầu chen được vào thị trường.

Nếu nói An Nhơn là đất vua, đất nghề thì xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) đã có đến 5 nghề truyền thống: nghề đúc, nghề rèn, nghề tiện mộc mỹ nghệ, nghề làm đồ gốm và nghề làm bún. Riêng thôn Ngãi Chánh của xã Nhơn Hậu có khoảng 420 hộ dân thì đã có hơn 50 lò bún đang hoạt động. Nhiều lò bún nổi tiếng như: Hai Tân, Năm Nhất, Vinh Thuận, Chín Xà, Hai Bẹ… góp phần làm nên thương hiệu bún Ngãi Chánh. Trung bình mỗi ngày lượng bún ra lò của cả thôn là 10 tấn, thì công suất máy vẫn chạy chưa hết cỡ. Loại máy ép bún liên hợp do Nguyễn Xuân Thọ sản xuất có công suất lên đến 2,5 tấn/ngày. Cứ mỗi ký gạo làm ra được 2,5 kg bún tươi thì lượng gạo tiêu thụ cho cả thôn Chánh Ngãi vào lò bún lên đến trên 4-5 tấn/ngày.

Tiếng là lên thị xã rồi, nhưng đất An Nhơn vẫn là đất lúa. Giống lúa cao sản U-ải 32, ăn nước sông Thiết Trụ - một nhánh của sông Kôn chảy vào An Nhơn - cho năng suất lúa ở Nhơn Hậu lên đến 7 tấn/ha/vụ. Mỗi năm 2 vụ lúa, hộ làm bún ở đây có dư gạo để ăn, dư gạo để làm bún. Chỉ có loại gạo khô của An Nhơn làm bún mới ngon, không dính, lại dai, làm nên hương vị đặc trưng của một làng nghề bún cổ truyền. Hàng ngày, bún tươi từ thôn Ngãi Chánh đã nườm nượp tỏa về thành phố Quy Nhơn, ra các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định, theo đường 19 lên Tây Nguyên…

Lò bún Nguyễn Xuân Thành tại thôn Ngãi Chánh với sản lượng 2,5 tấn bún tươi/ngày 

Thế nhưng người làm bún thường không giàu lên từ bún mà phất lên từ heo. Nước gạo - phụ phẩm của dây chuyền sản xuất bún là nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong chăn nuôi. “Đại gia” Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Gia đình nuôi được 30 heo lứa, 4 heo nái. Cứ 3 tháng xuất chuồng một lần. Trừ chi phí, hàng năm thu về trên 160 triệu tiền heo”. Hệ thống hầm bioga của các hộ làm bún, nuôi heo thôn Ngãi Chánh được xây dựng từ năm 2005, bài bản không chê vào đâu được. Điện chỉ dùng ưu tiên cho sản xuất bún bằng cơ giới tự động, xài ti vi, tủ lạnh, còn khí bioga dùng thắp sáng đèn măng sông, đun nước nóng, nấu ăn trong gia đình.

Cá biệt, gia đình Nguyễn Xuân Thọ không phất lên từ heo mà giàu lên nhờ máy sản xuất bún liên hợp. Từ một nông dân sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống Ngãi Chánh này, chứng kiến cảnh làm bún thủ công truyền thống của thế hệ trước năng suất không cao, mức độ lao động khá nặng nhọc qua các công đoạn xay bột, ráo bột, nén bột và bắt bún…, anh mơ một ngày quê hương có điện là có thể đổi đời từ những chiếc máy làm bún tự động.
Tháng 8/1993, điện quốc gia đã về đến huyện An Nhơn, nhưng cả xã Nhơn Hậu năm 1997 mới đủ vốn kéo được điện về. Nguyễn Xuân Thọ với chút vốn kiến thức về cơ khí hồi còn học nghề sơ cấp phải đi lên thị trấn Đập Đá cách làng chừng 5 cây số để mày mò làm ra chiếc máy ép bún tự động. Khi các cấu kiện của chiếc máy ép bún tự động đã phôi thai nên dạng, nên hình cũng là lúc thôn Ngãi Chánh của anh vừa có điện. Anh đem chiếc máy về làng lắp đặt và chạy thử thành công với 4 mô tơ truyền động cho 4 chức năng công tác chính: Đánh bột, ép bún, băng chuyền và bơm nước xả… Thành công ngoài sức tưởng tượng. Công suất máy dần được tăng lên qua hiệu chỉnh hợp lý các công đoạn. Chiếc máy sản xuất bún liên hợp hoàn chỉnh đầu tiên của Nguyễn Xuân Thọ đã đạt đến 2,5 tấn bún/ngày trước sự ngỡ ngàng của các thợ bún thủ công làng nghề Ngãi Chánh.

Ông Nguyễn Xuân Thọ (bên phải) với chiếc máy ép bánh hỏi sản xuất tại xưởng cơ khí gia đình

Tiếng lành đồn xa, không chỉ sản xuất và lắp đặt theo nhu cầu trong thôn Ngãi Chánh mà chiếc máy liên hợp ép bún của Nguyễn Xuân Thọ đã tỏa đi khắp thị xã An Nhơn, vượt ra ngoài tỉnh Bình Định, ra tận Quảng Ngãi, Quảng Nam, theo bà con Bình Định lên tận Tây Nguyên lập nghiệp. Nguyễn Xuân Thọ mở hẳn một xưởng cơ khí sau đó với 8 công nhân, chuyên sản xuất máy ép bún và các loại máy công tác phục vụ chế biến thực phẩm như máy xay, trộn bột, máy làm bánh tráng, bánh ướt, máy ép bánh hỏi… Nhưng máy ép bún liên hợp Ngãi Chánh vẫn là sản phẩm chủ đạo. Xưởng cơ khí và sản phẩm của “kỹ sư bún” Nguyễn Xuân Thọ đang được các cơ quan chức năng đánh giá, hoàn chỉnh các thủ tục để cấp bằng sáng chế độc quyền.

Nguyễn Xuân Thọ tâm sự: “Xã Nhơn Hậu chúng tôi đang phấn đấu hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thôn Ngãi Chánh tự hào đã truyền giữ được nghề của cha ông và vươn lên làm giàu từ những chiếc máy làm bún tự chế này. Làng nghề đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốt hơn nữa và hoàn thiện các thủ tục công nhận thương hiệu trong năm 2012”.

16/05/2012
Văn Thuận

Nhận xét

Bài đăng phổ biến