Làng đúc đồng Bằng Châu

Thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn nằm trên đường giao lưu Bắc - Nam, có 4 thôn: Bả Canh, Bằng Châu, Mỹ Hòa và Phương Danh, tổng diện tích tự nhiên là 503ha. Bằng Châu từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nghề đúc nơi đây, nhiều sản phẩm có giá trị đã được làm ra.

Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Bằng Châu (Ảnh: TL)

Truyền thuyết kể lại rằng, bà Hoàng Sanh, vợ Vua Thành Thái, là con gái của một gia đình thợ đúc, làng Bằng Châu. Cha bà là một thợ đúc có tài nên được vua triệu về Cung đình Huế để đúc tiền. Hoàng Sanh theo cha ra Huế, nhờ có nhan sắc mặn mà nên được tiến dẫn vào Kinh làm vợ Vua. Qua đó cho thấy, từ thời nhà Nguyễn nghề đúc đồng đã phát triển ở Bằng Châu.

Để có một sản phẩm đồ đồng ra lò hoàn chỉnh thì phải qua một số công đoạn như lấy nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, chế tạo khuôn đúc, xây dựng, sửa chữa nhà đúc, lò đúc, lắp ráp khuôn đúc chế tạo sản phẩm và tiến hành kỹ thuật đúc. Nguyên liệu làm khuôn là đất sét, đất phù sa, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó, bông gòn... Các vật liệu này lấy từ nơi khác về như Phù Mỹ, Bảy Núi… vì ở các nơi đó đất có độ dẻo và độ kết dính cao. Khi đất sét đem về tất cả được giã nhỏ, rây kỹ, phân cỡ hạt. Người ta thường dùng đất sét ở ba dạng: bột, nhão, và lỏng; cách chuẩn bị đất sét ở ba dạng này có khác nhau.

Quy trình chế tạo khuôn đúc được gọi là làm khuôn, bao gồm: Chế tạo khuôn, chế tạo ruột và lắp ráp khuôn là những khâu trọng yếu của nghề đúc. Khuôn có đất phù sa có thể đúc được những chi tiết phức tạp, những chi tiết cực nhỏ và cả những chi tiết cực lớn dùng để đúc những kim loại đen và kim loại màu. Nguyên tắc làm khuôn phải bảo đảm tính chính xác, các dụng cụ làm khuôn như chày giã chuyên dùng bằng gỗ, rây tay, xẻng, chổi lông, thìa đầu phẳng và đầu vũm, quạt tay, móc… Làm khuôn đúc phải có độ bền để khuôn không bị lỏng, vỡ, sai kích thước; khuôn phải có độ thông khí tốt, tránh rỗ hơi rỗ khí. Khi đắp khuôn xong cần được đem sấy từng mảng và phơi khuôn ngoài trời, nếu trời nắng phơi 1 ngày, trời râm phơi 3 ngày, nếu trời mưa phải phơi 6 ngày cho hơi nước bốc dần từ khuôn ra ngoài, sau đó đem nung tạo cho khuôn có nhiệt độ cao để khi rót đồng vào khuôn không bị vỡ. Nếu đúc nồi, bung, bảy, chảo thì nhiệt độ nóng chảy của đồng là 1.000 độ C đến 1.200 độ C; còn đúc các đồ vật trang trí như lư, đèn, đỉnh, tượng thì nhiệt độ nung là 900 đến 1.000 độ C. Tùy theo sản phẩm đúc mà người ta làm khuôn một bìa hoặc nhiều bìa.

Nhà đúc phải tách biệt với nhà ở, chệch qua một góc của mảnh vườn. Người ta đào lò ở trong nhà đúc, tránh chỗ cây đòn dông chạy qua. Lò là một lỗ tròn có độ sâu khoảng 0,5 đến 0,6m, một bên chừa một lỗ có nút bịt khi nung, bên kia chừa 2 lỗ để đưa không khí vào hầm lò; trên nền đất xung quanh để các vật liệu cần dùng và các loại khuôn, mẫu… Dụng cụ đưa không khí vào lò là ống thổi thụt bằng tay dựng đứng nối vào trong hầm lò bằng 2 ống tre. Mùa nắng khô thì đào lò âm trong lòng đất, mùa mưa thì đắp nổi trên mặt đất để tránh ẩm ướt, và giữ được nhiệt độ.


Công đoạn lắp ráp khuôn và rót đồng cũng không kém phần quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác cao. Khi nấu đồng người ta thường pha kẽm, đối với đồng đỏ thì tỷ lệ kẽm nhiều hơn đồng thau. Hợp kim đồng với chì làm giảm nhiệt độ, nhưng lại tăng trọng lượng và tạo độ bền, dai. Hợp kim đồng với thiếc làm tăng độ cứng, kéo dài tình trạng lỏng cần thiết của đồng và bám vào mặt khuôn để nổi rõ các chi tiết.

Một công đoạn trong quy trình đúc đồng Bằng Châu (ảnh: TL)

Mang ra hai chiếc chuông đồng mới được đúc, ông Trần Néo, 79 tuổi, không giấu được niềm vui khi chúng có tiếng ngân vừa vang xa, vừa trong trẻo và ấm: “Đúc đồ tiếng công phu lắm. Nhiều khi cái chuông đúc xong kêu tiếng không vừa ý thì người thợ phải đành phá đi để đúc lại. Để được gọi là làng đúc thì cái chính là người thợ của làng phải biết đúc đồ tiếng như chuông, chiêng, thanh la.

Còn đúc những đồ dùng khác như nồi, thau, đồ thờ tự... tuy không dễ nhưng cũng không quá khó như đúc đồ tiếng...” - ông Néo, người thợ đúc cao tuổi nhất của Bằng Châu, giải thích.

Thăng trầm của một làng nghề

Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, nghề đúc đồng ở Bằng Châu đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Vào thời Tây Sơn, làng đúc Bằng Châu tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm làm ra là các loại như mâm, nồi, chảo, đèn thờ.... Thời gian này các sản phẩm còn thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc tốn nhiều công sức. Dần dần làng nghề cải tiến kỹ thuật sản xuất, sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao và đa dạng như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng... và các loại vật dụng trang trí. Vào thời Gia Long, triều đình đã tuyển một số thợ có tay nghề cao ở đây ra Huế phục vụ. Nhiều sản phẩm làm ra từ tay của các thợ đúc Bằng Châu hiện còn lưu giữ lại cung đình Huế, trong đó đáng chú ý nhất là Cửu đỉnh được đúc vào thế kỷ 19.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng đúc Bằng Châu phải gánh chịu nhiều mất mát. Tuy nhiên, không vì thế mà nghề đúc bị mai một, làng nghề vẫn duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tô, người đã gắn bó với nghề đúc hơn 55 năm, kể lại những khó khăn trong thời kỳ kháng chiến: “Làng nghề muốn làm ra sản phẩm thường phải hoạt động vào ban đêm và chui xuống hầm để làm, những người thợ vừa sản xuất vừa phải lo tránh đạn”. Trong thời gian đó, làng nghề không chỉ làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống, mà một số thợ đúc trong làng đã tham gia đúc vũ khí chống Pháp như đúc vỏ lựu đạn có hình dạng như trái mãng cầu tại xưởng quân khí ở Hoài Ân.

Năm 1957 các thợ đúc đồng Bằng Châu tham gia nấu đồng để đúc tượng Phật cao 2m nặng 750kg đặt tại chùa Long Khánh (Quy Nhơn) và một số tượng được làm bằng đồng đã có mặt trên mọi miền của đất nước, nhất là Nam bộ. Các nghệ nhân của làng đúc Bằng Châu cũng đã đúc thành công đại hồng chung (chuông lớn) cao 1,2m, rộng 0,8m và nặng hơn 200kg vào năm 1972, hiện tại chuông đặt tại chùa Long Hoa (Phù Cát - Bình Định).

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1979, HTX đúc đồng ở Bằng Châu được thành lập, quy trình công nghệ được nâng cao, kỹ thuật đúc tinh vi hơn, đây là thời gian Bằng Châu nhộn nhịp người ra vào buôn bán từ các nơi đổ về. Ngoài các sản phẩm phục vụ cho văn hóa tâm linh như cồng chiêng, đèn thờ, đài, đảnh…, làng đúc Bằng Châu còn làm ra nhiều mặt hàng phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản. Năm 1982, toàn thể nghệ nhân làng đúc Bằng Châu đã góp công sức đúc tượng Bác Hồ toàn thân cao 2m nặng 750kg để làm quà kỷ niệm cho quê hương. Hiện nay, tượng được lưu tại Phòng Truyền thống (Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện An Nhơn).


Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, HTX đúc đồng Bằng Châu hoạt động không còn phù hợp nên đã quyết định giải thể. Từ đây, làng nghề đúc đồng Bằng Châu bắt đầu gặp khó khăn trong sản xuất. Không thể để một làng nghề có thâm niên trên 200 năm đi vào quên lãng, một số nghệ nhân tâm huyết của làng đúc Bằng Châu đã quyết tìm hướng khôi phục lại làng nghề.Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, HTX đúc đồng Bằng Châu hoạt động không còn phù hợp nên đã quyết định giải thể. Từ đây, làng nghề đúc đồng Bằng Châu bắt đầu gặp khó khăn trong sản xuất. Các khu công nghiệp hình thành, sản phẩm đúc làm ra nhiều nên có giá thành giảm so với cách làm thủ công trước kia. Trong khi đó, các gia đình tại làng đúc Bằng Châu vẫn sản xuất theo kiểu thủ công nên sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi.

Nỗ lực vượt khó

Ông Trần Néo tâm sự: “Sản xuất theo hình thức cá thể nhỏ lẻ sẽ không cạnh tranh nổi nhưng biết lấy vốn ở đâu mà sản xuất lớn bây giờ”. Không chỉ gặp khó về nguồn vốn, việc tiêu thụ sản phẩm cũng là một bài toán khó. Theo ông Nguyễn Văn Tô thì sản phẩm của làng làm ra không hề thua kém về chất lượng nhưng do sản xuất nhỏ lẻ nên khi làm ra rất khó tìm nơi tiêu thụ.

Nguồn vốn hạn hẹp, thêm vào đó sản phẩm làm ra khó tìm nơi tiêu thụ nên làng nghề chỉ sản xuất cầm chừng, khi có mối đặt mới làm. Một số hộ trong làng không thể trụ nổi buộc phải bỏ nghề. Làng đúc Bằng Châu vắng dần những cột khói thổi lửa đốt lò, lớp thanh niên trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông từ hơn 200 năm nay.

Không thể để làng đúc đi vào quên lãng, những người thợ tâm huyết trong làng như ông Tám Tô, Trần Néo đã tìm cách khôi phục lại làng nghề truyền thống này. Năm 2007, người thợ đúc Bằng Châu đã đúc thành công tượng phật Thích Ca tọa thiền cao 1,45m, nặng 1,1 tấn cho một ngôi chùa trong tỉnh. Đầu năm nay, họ cũng đã đúc thành công đại hồng chung nặng 200kg, cao 1,5m, rộng 1,1m đặt tại Tịnh xá Bửu Quang.

Những người thợ đúc Bằng Châu bên sản phẩm mới hoàn thành

Không dễ giữ nghề trước sức xâm lấn ồ ạt của các mặt hàng công nghiệp thay thế. Và thế cùng tất biến, từ đúc đồng chuyển sang đúc nhôm chưa đủ, thợ Bằng Châu lại mày mò học tiện, học đúc kim loại.

“Hơn 10 năm nay thợ làng mình chuyển qua đúc các linh kiện cho máy bơm nước, máy tàu thủy. Vậy là mình phải nắn khuôn, đúc, tiện, giũa.

Linh kiện máy móc buộc mình làm phải thật chuẩn, thật chính xác. Khó ghê lắm, nhưng nhờ cái tay nghề của thợ đúc đồng nên thợ ở đây đã làm được. Hàng mình làm có chất lượng, được khách hàng tin dùng lắm...” - anh Trần Hữu Chí (42 tuổi) nói trong lúc đang hoàn thiện một linh kiện máy nước anh mới đúc xong tại lò đúc ở nhà.

Năm năm nay một số thợ Bằng Châu mở xưởng đúc lớn hơn tại cụm công nghiệp Đá Trắng nằm kề làng mình.

Tài nghệ của nghề đúc được thừa kế từ tổ phụ hàng trăm năm trước dẫn bước cho người thợ Bằng Châu thời nay, họ không chỉ bắt nhịp được mà còn sáng tạo trong công nghệ đúc mới, tiếp cận được với nhu cầu thực tiễn của khách hàng.

“Tụi tui đang đúc các mặt hàng như cảo (tời) kéo lưới, nhông đồng cho tời của giã cào hay khoen đồng, khoen chì cho lưới các tàu cá xa bờ. Rồi còn đúc một số linh kiện cho các máy thủy điện nữa. Làm hoài cũng không hết việc...” - anh Đặng Văn Hưng (48 tuổi), với 20 năm làm thợ khuôn và cũng là thợ đúc đồng Bằng Châu đang làm cho xưởng đúc Đường Minh, cho biết.

Thật ấn tượng khi những người thợ đúc chỉ quen với các sản phẩm đúc truyền thống nay lại làm chủ được công nghệ cho ra những sản phẩm đúc dùng cho máy móc, cơ giới cùng nhiều sản phẩm đúc khác với nhiều công dụng.

Thợ đúc Phan Tường Thiệu bên những sản phẩm mới của làng đúc Bằng Châu như nhông đồng, khoen đồng dùng cho nghề đánh bắt cá xa bờ - Ảnh: H.V.M.

“Qua nhiều thăng trầm, lận đận, nay thì làng đúc Bằng Châu mình đã trụ lại được, đã thích ứng được với thị trường đồ đúc, nhất là đồ đúc cho máy móc thay hàng ngoại nhập. Vậy là người thợ Bằng Châu đã giữ được cái tiếng của làng nghề từ ông cha để lại...” - chủ xưởng đúc Đường Minh, ông Đào Tấn Minh (62 tuổi) bày tỏ.

Theo nguyện vọng của những người thợ tâm huyết của làng đúc Bằng Châu, ngày 1.5.2008 Sở Công Thương tỉnh đã ký quyết định cho thành lập Hiệp hội làng đúc Bằng Châu - Bình Định. Đây là một tin vui cho những người thợ đúc làng Bằng Châu vì Hiệp hội được thành lập sẽ đại diện cho quyền lợi của các thành viên cũng như góp phần quảng bá cho hình ảnh làng nghề. Ông Nguyễn Văn Tô phấn khởi cho biết: “Đây là tin vui cho tất cả bà con trong làng, hi vọng làng nghề sẽ càng ngày càng phát triển hơn nữa”. Ông Tô còn cho biết thêm, không cứ khoa học hiện đại là nghề đúc không thể tồn tại nữa, chính nhờ sự phát triển của khoa học sẽ làm cho nghề đúc ngày càng thêm hoàn thiện.

Thêm một tin vui nữa đến với người dân làng đúc Bằng Châu, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sắp tới, làng nghề đúc đồng Bằng Châu sẽ đúc biểu diễn phù điêu vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn nên ngay từ bây giờ, các nghệ nhân trong làng đang gấp rút chuẩn bị mọi thứ.

“Dù thành đạt đến đâu và trên lĩnh vực nào đi chăng nữa thì những người con của mảnh đất Bằng Châu cũng không thể quên nghề đã gắn bó với ông cha họ từ mấy trăm năm nay”, ông Tô nói về suy nghĩ của những người con nơi đây. Chính vì vậy mà từ năm 2004 đến nay, sau thời gian tạm lắng xuống, ngày giỗ Tổ nghề đúc được người dân trong làng tổ chức long trọng vào 17.3 (âm lịch) hàng năm. Không chỉ là ngày giỗ Tổ, đây đã trở thành lễ hội truyền thống làng nghề đúc đồng Bằng Châu, một hình thức sinh hoạt văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển làng nghề, đưa con người hướng về cội nguồn, tạo nên sự gắn bó với nhau trong đời sống cộng đồng, tạo nên sức mạnh của làng nghề.

4/7/ 2008
Thanh Huyền & Văn Lực

-----------------------------------------------
Thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê ở làng Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thiền sư là người rất giỏi văn chương và y học. Thời đó, thái tử nhà Đường (Trung Quốc) bị bệnh nặng, không ai chữa khỏi nên vua Đường phải cho mời ông sang. Do chữa khỏi bệnh cho thái tử nên ông được vua Đường ban thưởng tùy ý nhưng chỉ nhận đồng đen mang về. Về nước, ông mở nghề đúc đồng rồi sau đó đi khắp nơi để truyền nghề, trong đó có làng Bằng Châu. Vì vậy, dân làng đã tôn ông làm tổ nghề.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến