Nhạn Sơn Tự (Chùa Ông Đen Ông Đỏ)
Người dân trong vùng quan niệm, hai pho tượng linh thiêng cầu đảo là ứng nghiệm nên thường đến cúng bái cầu nguyện. Nhất là con cái ốm đau, bệnh tật, trẻ hay khóc đêm đem về bán gửi phật và hai ngài là hết khóc ngay...
Đến nay, không có tài liệu chính xác nào cho biết về thời điểm lập chùa. Tất cả chỉ là truyền thuyết. Theo đó, lúc mới dựng lên, chùa có tên là Thạch Công tự – sung nghĩa tự. Nhạn Sơn Linh Tự và Nhạn Sơn tự (chùa Ông Đá). Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là giữa hai pho tượng đá này và ngôi chùa có mối quan hệ như thế nào với nhau.
Hai pho tượng một ông sơn đỏ, một ông sơn đen đang được thờ tại chính điện chù Nhạn Sơn
Ông sơn đỏ tay trái vốn cầm quả chùy bầu dục nhưng người Việt chắp thêm một đoạn lên phía trên quả chùy biến nó thành cây thiết trượng
Ông sơn đen tay phải cầm thiết trượng
Tương truyền, đây là tượng của đôi bạn chí thân Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền, một người ở Hóa Châu (Huế) còn người kia quê ở Ninh Bình. Vị đỏ là con một nhà nho nghèo trên đường ra kinh đô Hà Nội đi thi. Ra đến Quảng Bình thì bị bệnh ngất xỉu dọc đường rồi được thân sinh của vị sơn đen là một đại điền chủ đem về chữa trị. Sau này, cả 2 vị cùng đi thi, vị sơn đỏ đậu quan Văn, vị sơn đen đậu quan Võ. Cả hai đều là những bậc anh tài được vua Trần trọng dụng.
Giữa lúc loạn lạc, giặc Tàu đe dọa phương Bắc, quân Chiêm Thành uy hiếp phía Nam, vua Trần cử mỗi người cầm quân đi đánh dẹp một phương. Huỳnh Tấn Công được cử đi đánh Champa, nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh rồi trở thành gia nô cho một viên đại thần trong triều đình Champa. Tuy nhiên, nhờ có tài xem mạch, bốc thuốc, có lần Huỳnh Tấn Công đã chữa cho vị quan nọ khỏi một căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, ông được sủng ái hết mực.
Sau khi dẹp xong giặc Bắc quay trở về, biết Huỳnh Tấn Công đang lưu lạc nơi đất Chiêm, Lý Xuân Điền quyết chí vào Nam tìm bạn. Cuối cùng họ đã tìm được nhau. Cảm phục trước tình bạn thủy chung, vị đại thần Champa đã đồng ý cho họ Huỳnh cùng bạn trở về quê hương. Hai người ra về được ít lâu, vì thương nhớ, vị quan người Chiêm đã sai thợ tạc tượng hai ông để hàng ngày được ngắm nhìn cho thỏa cũng là để tỏa lòng cảm mến, biết ơn và lưu niệm hậu thế.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh, tháp sập đổ, 2 pho tượng đá bị vùi lấp. Sau này, người Việt khai hoang cày cuốc phát hiện nên lập chùa thờ phụng. Dân làng kể rằng, từ mấy trăm năm về trước dưới đất bỗng trồi lên hai pho tượng. Những người tò mò đến rờ mó nghịch ngợm thì về nhà mắc chứng nhức đầu. Sợ quá họ lập đền thờ, lúc đầu lợp tranh sau mới xây gạch.
Truyền rằng, ban đầu khi mới lập chùa 2 pho tượng có một nước sơn. Sau này, người ta sơn một ông màu đỏ, ông màu đen rồi thêm râu, đội mũ và mặc áo bào cho giống với người Việt.
Theo đó, pho tượng sơn màu đỏ, tay phải đưa ra vừa tầm ngang với ngực rất tự nhiên, tay trái vốn cầm một quả chùy bầu dục. Nhưng người Việt đã chắp thêm một đoạn lên phía trên quả chùy biến nó thành cây thiết trượng. Hai cổ tay đều đeo vòng tràng hạt. Hai cổ chân cũng đeo vòng tròn nhưng khác nhau, vòng tròn chân phải là hình một con rắn, vòng tròn chân trái phía trước chạm nổi lá đề.
Pho tượng sơn màu đen, tay cầm thiết trượng, cổ tay đeo tràng hạt, hai cổ chân chống hai con rắn, bệ tượng tròn chạy xung quanh là những vòng tràng hạt. Tuy nhiên, tay phải đã bị gãy hiện được đắp bằng xi măng.
Họa tiết hoa văn ngang thắt lưng 2 pho tượng đến nay vẫn giữ nguyên bản không được tô sơn
Về trang phục, cả hai tượng đều mặc sampot, dải buông ra phía trước, đuôi vểnh chéo thành năm nếp vắt lên đùi trái, người ở trần, đeo chéo một con rắn đầu ló ra trước ngực, tóc búi cao xung quanh là những sợi dây buộc chéo, trâm cài phía sau, đầu đội mũ có rìu xéo. Cả hai pho tượng đều có miệng lớn, mũi bành rộng lưng gãy, ngực hơi ưỡn ra phía trước.
Vị sơn đen, hai cổ chân trống 2 con rắn rất độc đáo
Tuy nhiên, bây giờ đây y phục của hai pho tượng đều đã được Việt hóa, thay bằng áo đại bào, đầu đội mũ đằng cho giống với các tượng thần trong chùa Việt.
Đến nay, câu chuyện xoay quanh hai pho tượng này vẫn còn rất mơ hồ, có những chi tiết phi lịch sử nhưng thật cảm động vì tình bạn thủy chung. Điều này, phần nào phản ánh trí tưởng tượng của dân gian, giải thích mối quan hệ Việt – Chiêm trong lịch sử, lý giải hiện tượng trong chùa Việt có tượng Champa.
Ngày nay, nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương cứ rằm mùng một các dịp lễ tết lại tìm đến chùa đi lễ chùa để cầu xin đức Phật được mọi sự tốt lành, con cái đỗ đạt.
Năm 1977, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khảo cổ Hà Nội vào nghiên cứu hoa văn ở thắt lưng hai pho tượng và như các sử liệu khác xác định hai pho tượng có vào thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XVI mới lập chùa và được “sắc tự” thời Tự Đức thứ 17 và Bảo Đại thứ 18 với tên gọi là Nhạn Sơn Linh Tự.
Năm 2011, chùa Nhạn Sơn được Bộ Văn hóa thể thao xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật; nơi lưu giữ hai tượng môn thần – tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỉ XIII.
Doãn Công
http://dantri.com.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét