Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít là một di tích kiến trúc mỹ thuật, lịch sử của người Chăm cổ trong lịch sử. Hiện nay, cả khu tháp được kiến trúc trong một quần thể liên hoàn thuộc khu đồi sát ven trục đường quốc lộ 1A, trục giao thông của tuyến Bắc-Nam. Khu tháp nay thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn về phía Bắc khoảng 19 km và huyện lỵ Tuy Phước 5 km. Vì cả khu quần thể di tích này nằm sát ven đường giao thông liên huyện, liên tỉnh và giao thông nối liền Bắc-Nam nên đường đi đến di tích này rất thuận tiện bằng mọi phương tiện.

Cụm Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có nhiều tháp nhất và cùng nằm trên một quần thể, cả 4 tháp nằm gần trên một đỉnh đồi cao ước chừng 100m so với mặt nước biển. Trong danh mục nghiên cứu của mình, các học giả người Pháp gọi khu tháp ngày là khu tháp Bạc (Tuors Dareent), còn sách Đại nam thống nhất chí lịch sử quan triều Nguyễn thì viết “Thổ sơn cổ tháp trong 4 thôn: Hoàng Niên, Vạn Bửu, Phong Niên và Đại Lộc huyện Tuy Phước trên địa điểm giáp giới bốn tháp tục hô là tháp Thị Thiện. Tương truyền có bà Thị Thiện làm quán bán bánh ở chân núi nên có tên ấy. Cho nên, cái tên gọi tháp bạc mà các học giả Pháp đặt cho tên khu tháp này đến nay vẫn là một câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu trong nước.

Tháp Bánh Ít, cũng như bao tháp khác ở vùng này, trong kiến trúc của mình, người chăm cổ vừa dùng đá hoa cương vừa dùng đá sa thạch, vừa dùng gạch đỏ. Các tháp thường xuyên xây dựng theo bình đồ vuông trên các đỉnh đồi cao, và thường xây một cửa quay về hướng Đông. Còn các tháp khác trong khu tháp này khi thì có 4 cửa cắt nhau theo 4 phương trời hợp thành một loại kiến trúc hoàn môn. Cả 4 tháp đều nằm trên đồi cao, hiện tại chỉ còn 4 tháp, nhưng qua khảo sát thực tế tại di tích, trong khi tháp này không chỉ có 4 tháp mà gồm nhiều tháp trong một quần thể kiến trúc, tạo thành một quần thể kiến trúc tôn giáo khép kín. Nay chỉ còn lại dấu tích và những bức tường gạch bao quanh. Mỗi ngôi tháp ở đây đều mang trong mình mỗi dáng vẻ khác nhau về hình dáng cũng như kỹ thuật kiến trúc.

Nếu đem từng kiến trúc ra để so sánh thì từng ngôi tháp của Bánh Ít không phải là lớn, nhưng tháp Bánh Ít không phải chỉ từng ngôi tháp mà còn là các lớp kiến trúc, là cả quả đồi tự nhiên cao gần 100 mét, vì thế tuy từng kiến trúc không lớn lắm nhưng tổng thể kiến trúc Bánh Ít khá đồ sộ và hùng vĩ

Cấu trúc của tháp: gồm mặt thân chính và 3 tầng thu nhỏ về phía trên, tại các góc của tháp ở mỗi tầng đề có một góc tháp thu nhỏ trang trí, nhưng nay các góc tháp này đã bị sụt lở hầu như hoàn toàn, duy chỉ còn lại một tháp góc ở mặt bắc của tầng một, và một tháp góc nhỏ ở tầng 2 mặt phía Nam, cho nên trông xã ngôi tháp này hơi nhọn về phía đỉnh. Ngôi tháp chính có vẻ đường bệ và hoành tráng của các kiến trúc: các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các của vòm và của giả hình mũi lao nhọn đồ sộ, có những nét thanh tú của đường nét, những nét hoa là trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem. Tháp chính trong kỹ thuật xây dựng, người Chăm cũng dùng chất liệu gạch là chính, cột ốp có rãnh dọc, vòm cửa hình mũi lao, tháp trang trí góc, các tầng có 3 tầng, diềm mái đã bắt đầu sử dụng một chất liệu mới vào trong kiến trúc, đó là đá sa thạch và được trang trí bằng những hoa văn hình chữ U uốn lượn kiên hoàn. Đứng về mặt kiến trúc ta thấy ở ngôi tháp này bắt đầu xuất hiện một số yếu tố mới trong kỹ thuật kiến trúc của người Chăm ở Bình Định như của vòm cao lên, nhọn hơn không còn hình tòa tháp trong vòm nữa. Về mặt kiến trúc, ta thấy ở tháp chính tháp Bánh Ít đã bắt đầu mở ra một phong cách kiến trúc mới mà các nhà nghiên cứu về chăm gọi đó là phong cách Bình Định.



Từ xa đến gần lần lượt là tháp chính, tháp mái và tháp cổng phía nam 


Tượng Siva của Tháp Bánh Ít, nay là hiện vật của Bảo tàng Guimet, Pháp.





Sang ngôi tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam tháp chính, gồm những hình người, hìng thú, hình chim ở dưới chân tháp đang ưỡn người, khuỳnh chân, dùng hai tay như nâng bổng cả toà tháp lên, mái tháp cong hình yên ngựa như xoè cánh bay, trên mặt tường của kiến trúc, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá.


Tháp mái 


Xuống tầng kiến trúc phía dưới, tháp cổng có hình dáng và cấu trúc giống như tháp chính, nhưng nhỏ hơn, ít các chi tiết trang trí hơn, còn ngôi tháp đông - nam có những hình quả bầu lọ trên các tầng với các khối cong nhịp nhàng đã che khuất và làm mềm đi những đường nét và hình khối kỷ hà cứng cỏi, khô khan và nhờ vậy toà kiến trúc dịu hơn, có nhịp điệu hơn

Mặc dù mỗi kiến trúc ở Bánh Ít có một dáng vẻ riêng, nhưng tất cả chúng đều có những nét chung, đặc trung cho cả quần thể, đó là sự thắng thế của tính hoành tráng và ngôn ngữ của khối lớn

Trang trí cửa giả tại thân tháp


Về niên đại, các tháp Chàm ở vùng này nói chung và tháp Bánh Ít nói riêng đến nay chưa có một dòng bia ký nào nói một cách cụ thể về các niên đại xây dựng các tháp Chàm ở Bình Định. Trong điều kiện như vậy, các nhà nghiên cứu kiến trúc cũng như mỹ thuật cổ đã áp dụng ngôn ngữ duy nhất đó là ngôn ngữ của mỹ thuật để định cho các niên đại của tháp Chàm. Bằng phương pháp đối sách và đưa ra những ngôn ngữ của kiến trúc có thể xác định niên đại của các tháp Chàm ở di tích tháp Bánh Ít là cuối thế kỷ XI, đầu thể kỷ XII.
Như vậy tháp Bánh Ít là một trong những khu tháp có niên đại sớm ở Bình Định và cũng là di tích hiện nay còn nhiều tháp nhất còn sót lại ở vùng này. Nếu gọi phong cách kiến trúc Bình Định, nhóm tháp Bánh Ít có thể xem là nhóm tháp đại diện và mở đầu cho phong cách kiến trúc đó. Về góc độ văn hóa, tháp Chàm hiện nay không còn là một tài sản văn hóa nằm trong một địa phương nhỏ mà nó đã trở thành một tài sản văn hóa của một dân tộc trong đại gia đình một dân tộc Việt Nam thống nhất và của cả loài người, cho nên việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong đó có văn hóa Chàm phảo được đặt ra hết sức bức thiết. Với tháp Bánh Ít, tại địa điểm này trong thời kỳ Mỹ-Ngụy đã dùng làm căn cứ quân sự, các tháp đều được dùng làm kho chứa đạn, do đó bị hư hại cũng khá nghiêm trọng. So với bản vẽ và tài liệu khảo tả của các nhà nghiên cứu người Pháp Parmentter thì hiện trạng hiện nay tại khu tháp và những vùng chung quanh tháp đã thay đổi đi nhiều, các chi tiết kiến trúc, các phù điêu, tượng gắn trên các tháp hầu như bị tháo gỡ gần hết, trong sự hư hại đó, ngoài sự xâm thực của thiên nhiên, một yếu tố quan trọng ta cần phải nhắc đến đó là sự phá hoại vô thức của con người.

Đối với nhân dân Tỉnh Bình Định, di tích tháp Bánh Ít từ lâu là một trong những thắng cảnh của nhân dân trong vùng. Hiện nay trong quần thể kiến trúc tháp, dưới chân còn có một tu viện của phật giáo lấy tên là tu viện Nguyên Thiều, một trong những người xác lập nên phái lân tổ ở đàng trong tạo cho nơi đây thành một địa điểm du ngoạn khá lý tưởng trong một quần thể tôn giáo khép kín. Di tích này dưới các con mắt của nhà du lịch, chắc chắn sẽ là một địa điểm không thể bỏ qua trong những chuyến đi của du khách khi đến được vùng đất này. Hiện nay đã quy hoạch và trùng tu nhưng trong những ngày nghỉ, ngày hè tại di tích này các tầng lớp thanh niên, học sinh, các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước thường đến đây du ngoạn, nghiên cứu, chiêm ngưỡng các vẻ đẹp vĩnh hằng của di tích tháp cổ nghìn năm.

Tổng hợp từ http://vi.wikipedia.org/ và http://ditichlichsuvanhoa.com/

Thêm một vài bức ảnh về Tháp Bánh Ít



 1898 - Photo by Salles Firmin André

Những bức ảnh năm 1960s 

  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến