Tháp Dương Long
Dương Long là cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, đóng thẳng hàng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Hiện nay tháp nằm trên địa phận hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách huyện lị chừng 12km về phía Đông.
Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một tòa cao có tên là dương long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.
Tháp Bắc hiện đã bị hư hại nhiều nhưng vẫn còn rõ hình hài và cấu trúc. Khác với các tháp còn lại ở Bình Định, nền móng có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh rộng chừng 12m, nhưng được tạo bởi nhiều đường gấp khúc nên giống như một hình đa giác. Tháp cao tới gần 30m, chia làm ba phần rõ rệt. Đế tháp cao vững chắc, thân tháp cao vút, trên mặt tường trang trí các trụ ốp để trơn nâng toàn bộ mái tháp. Cửa chính tuy đã bị sạt lở nhưng căn cứ vào dấu vết còn lại và nhưng tư liệu gián tiếp có thể thấy vòm cửa được tạo dáng hình mũi lao tù vút lên phía trên với nhiều lớp liên tiếp chồng khít lên nhau. Hai trụ cửa làm bằng đá trên đầu được trang trí tượng thần Garuda chân quắp hai đầu rắn. Các cửa giả mô phỏng cửa chính nhưng nhỏ hơn. Thay vì hình Garuda, trên đỉnh trụ trang trí hình lá nhĩ, vòng ngoài là thân rắn uốn quanh, bên trong là mặt Kala giữ tợn, miệng khạc ra rắn bảy đầu trong tư thế uốn lượn rất sinh động. Diềm đá ngăn cách thân và mái được chạm khắc tinh vi thể hiện hình voi và sư tử mỗi con một tư thế như vừa chạy vừa đùa giỡn kết thành dải chạy vòng quanh. đường chạm khắc mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng trông rất sống động. Bộ mái có cấu trúc bốn tầng nhỏ dần về phía trên và kết thúc bằng một búp sen lớn trên đỉnh tháp. Diềm ngăn cách giữa các tầng và ô khám chính giữa mỗi tầng đều được ghép bằng đá nguyên khối.
So với tháp Bắc, tháp Nam còn tương đối nguyên vẹn. Kích thước gần như tương đương với tháp Bắc. Hai tháp tạo thành thế đối xứng xuyên qua tháp chính. Về cấu trúc tháp Nam cũng không khác so với tháp Bắc. Duy có mô tiếp trang trí thì hầu như ít lặp lại những chủ đề đã thể hiện ở tháp Bắc, đặc biệt là dải trang trí quanh diềm mái. Trên giải giữa hoa văn trang trí là những bầu vú tròn trịa được chạm nổi xếp đều đặn sát cạnh nhau chạy vòng quanh tháp. Dải phía trên là phù điêu các đạo sĩ ngồi thiền trong khung lá đề và dải dưới cùng là hình người, sư tử và những con vật kì dị dạng đan xen với những ô trám kết giải, giữa có bông hoa nở cách xòe đối xứng. Trên các tầng mái, diềm bao quanh cũng được trang trí. Mỗi tầng thể hiện một cảnh khác nhau. Có thể thấy ở đây hình voi, sư tử , bò thần Nadin, mặt Kala, rắn thần Naga…Nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đã đạt tới trình độ điêu luyện. Các đề tài thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế, mềm mại. Những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực vừa huyền ảo kì bí.
Lớn hơn cả và giữ vị trí trung tâm của quần thể kiến trúc là tháp Giữa. Về cấu trúc, tháp không khác hai tháp nhỏ nhưng cao vượt hẳn lên. Theo số liệu của học giả người Pháp H. Parmentier thì tháp cao tới 39m, nhưng hiện trạng đo được 36m. Là tháp chính và có kích thước lớn nhưng tháp Giữa trang trí không cầu kì như hai tháp nhỏ.
Căn cứ vào mặt bằng đế tháp và phong cách nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long tuy vẫn còn mang nhiều đặc trưng của tháp Champa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm của nghệ thuật Kh’mer. Trong lịch sử Champa giai đoạn từ đầu thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII đất nước liên tục phải chiến đấu chống lại những cuộc tiến công của Tchenla (Chân Lạp). Vùng đất Vijaya đã từng bị sáp nhập vào lãnh thổ của người Kh’mer trong thời gian tương đối dài. Có khả năng tháp được xây dựng vào thời kì Champa bị người Kh’mer đô hộ, nghĩa là trong khoảng thế kỷ XII-XIII. Nhìn trong bố cục tổng thể cũng như xem xét chi tiết từng tháp, cụm tháp Dương Long là một quần thể kiến trúc bề thế và có thể nói là đẹp nhất trong số các tháp Champa còn lại ở miền Trung. Vẻ đẹp của di tích càng được tôn lên nhờ cảnh quan xung quanh.
Dương Long là địa điểm hấp dẫn với tất cả những ai có dịp thăm quan các di tích Bình Định. Đến đây du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì vĩ và huyền ảo của những tòa tháp cổ mà còn có dịp ghé thăm di tích những trung tâm sản xuất gốm lớn trước đây của người Chăm. Đó là trung tâm gốm Gò Hời và Gò Cây Ké.
Nhận xét
Đăng nhận xét